Biển đã cho ngư dân con tôm con cá, cũng chính biển đã khiến không ít trường hợp thành vợ góa, con côi.
Tỉnh Nghệ An có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Trong đó, 4 huyện, thị: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò với tổng 82km bám biển.
Bao đời nay, cuộc sống ngư dân nơi đây luôn xem tàu thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Dẫu rằng, có những chuyến ra khơi có những người không hẹn ngày trở về vì bão tố phong ba, hay thiên tai đột ngột.
Cơn lốc cướp đi sinh mạng 68 người
31 năm trở về trước, vào ngày 3/4/1983, gần 100 chiếc thuyền tre của ngư dân xóm Trung Mỹ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nối đuôi nhau ra khơi, hi vọng một chuyến đi sẽ trở về đầy ắp cá trên thuyền. Nhưng không ai nghĩ rằng, đó lại là ngày định mệnh, ám ảnh những ngư dân đi biển cho đến nay.
|
Bãi biển Diễn Hải
|
Khi những chiếc thuyền xa bờ được khoảng 2 dặm, trời động rồi mây đen kéo đến phủ tối sầm bầu trời, biển ồn ào nổi sóng. Mọi người lập tức cho thuyền quay trở lại trong tâm trạng lo âu, bởi những chiếc thuyền tre mong manh dập dìu trên sóng, những tiếng hò dô và la hét khẩn trương đưa thuyền vào đất liền.
Nhưng tất cả diễn ra quá nhanh, một cơn sóng lớn dâng cao đã nhấn chìm tất cả. Sau khi cơn lốc đi qua, chính quyền địa phương huy động lực lượng ra hỗ trợ, cứu hộ những người bị nạn. Tuy nhiên con số cứu được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau đó một ngày, thi thể 68 người bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, nằm dài trên cát. Những tiếng khóc thảm thiết của vợ dành cho chồng, con dành cho cha khiến sự tang thương chồng chất lên vùng biển quê vốn bình lặng.
Ít thì mỗi nhà trong xóm cũng mất một người, nhiều có nhà 2 đến 3 người. Có trên 30 mái lá vắng bóng đàn ông. Có những bà mẹ, người vợ đã không giấu nổi lòng mình khi mãi mãi chẳng thể thêm một lần được gặp người đàn ông trụ cột trong gia đình nay đã phó thác thân xác nơi biển cả mênh mông.
Như trường hợp của ông Lê Doan mất 3 người con trai, ông Nguyễn Văn Tuyền mất 2 người con trai. Đau xót nhất vẫn là gia đình ông Nguyễn Mão, ông mất đi hai người con trai Nguyễn Ngọc Sử, Nguyễn Ngọc Chữ, cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Hoàng và con rể Lê Văn Xuân. Trong số 4 người chết thì một người không tìm thấy xác.
Ngày đó, vợ chồng ông như suy sụp hoàn toàn, vợ ông khóc ngất lên ngất xuống, hễ tỉnh là ôm lấy 3 cái quan tài gọi tên con, tên cháu.
Nhớ về ngày định mệnh hôm đó, ông Ngô Đức Thái, ngụ xã Diễn Hải cho biết, cùng có mặt trên biển nhưng ông may mắn thoát nạn, còn vì sao thoát chết chính ông cũng không biết, chỉ nhớ sau một tiếng động lớn nghe mọi người kêu cứu, tiếng kêu cứu thưa dần rồi ông cũng bất tỉnh. Khi tỉnh dậy đã thấy mình dạt vào bờ, nằm sát bên những thi thể đã chết.
Vụ tai nạn thảm khốc này đã làm ngư dân nơi đây không dám ra khơi một thời gian dài. Nhưng với những ngư dân nơi đây, phải bám biển biển, không còn con đường chọn lựa.
Biển vẫn gầm gừ hung dữ
Ngày nay, ngư dân ra biển đã đóng tàu thuyền chắc chắn, có sóng truyền tín hiệu nhận tin khi có mưa bão và áp thấp đổ bộ vào. Nhưng cuộc đời ngư dân không bình yên với thiên tai, thỉnh thoảng trong đất liền lại nhận được hung tin có thuyền chìm, ngư dân chết, mất tích...
Có trường hợp chạy vạy, vay mượn khắp nơi được vài tỉ đồng chung nhau đóng một con tàu, đi chưa thu hồi vốn lại gặp rủi ro trở về đều tay trắng. Cũng có trường hợp mất cả tài sản lẫn người, hay chết một lúc 2 anh em ruột.
Vụ việc điển hình xảy ra vào tối 27/11/2013, tàu NA 90249TS do ông Nguyễn Văn Trí, trú tại xóm Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm thuyền trưởng, đang đánh cá ở ngư trường cách bờ biển Cửa Hội 88 hải lý thì gặp gió lạnh tăng cường, sóng to và gió cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 9 nên bị đánh chìm phía đuôi tàu. 10 người trên tàu đánh điện cầu cứu nhưng sóng yếu không truyền đi được. Chỉ 2 người may mắn sống sót, 8 người trú xã An Hòa bỏ mạng nơi biển khơi.
|
Biển đã cho họ tôm cá... (Ảnh chụp chiều ngày 6/8 tại Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu) |
Trong số nạn nhân tử vong có chủ tàu Trí và anh Nguyễn Văn Hùng là hai anh em ruột. Suốt 10 năm dãi nắng dầm sương đánh bắt cá trên biển, hai anh em đi làm thuê cho người ta. Lúc gom góp, vay mượn tiền tự mua một chiếc tàu để đi với giá 1,7 tỉ đồng, hi vọng sớm trả nợ và kiếm thêm thu nhập thì gặp nạn ở chuyến ra khơi thứ 3. Khoản nợ để lại cho vợ và con mà chưa có hướng giải quyết.
Cùng có mặt trên tàu, hai anh em Hồ Vĩnh Thế (SN 1981) và Hồ Vĩnh Lai (SN 1979) ngày ra đi mà lòng chưa yên. Gia đình có 5 anh em trai nhưng ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng. Vợ anh Lai có bầu chuẩn bị sinh, tai nạn ập đến, làm cha con không nhìn được mặt nhau.
Đau thương nối tiếp đau thương, trong khi sự việc này chưa kịp nguôi ngoai thì một lần nữa ngư dân lại hứng chịu một cảnh tang tóc khác.
Ngày 9/12/2013, tàu cá mang số hiệu NA 93240 TS do thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp (SN 1984) trú tại xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu điều khiển, đang trên đường trở về thì gặp nạn. 8 thuyền viên trên tàu phần lớn là anh em, họ hàng hoặc là cùng xóm với nhau đã ra đi mãi mãi. Thi thể 2 ngư dân đã tìm thấy, những người còn lại đều phải nằm lại nơi lòng biển lạnh.
|
...nhưng cũng chính biển đã cướp đi sinh mạng của ngư dân, gây nên sự mất mát tổn thương không gì bù đắp được cho gia đình. (Ảnh gia đình nạn nhân vụ chìm tàu ngày 9/12/2013) |
Anh Trần Văn Hợi trú ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) là người bám biển hơn 30 năm nhưng chưa lúc nào yên tâm về số phận ngôi nhà “di động” trên biển. Anh ví tính mạng của ngư dân như ngọn đèn leo lắt treo trước gió, không biết bị thổi tắt lúc nào.
"Biển đã cho ngư dân tôm cá, nhưng cũng chính biển đã cướp đi sinh mạng không biết bao nhiêu người xứ Nghệ từ trước đến nay. Chỉ biết, nơi đây năm nào cũng có hung tin ngư dân "cống mạng" cho biển cả", anh Hợi chia sẻ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/don-dau-nhung-so-phan-mai-mai-thuoc-ve-dai-duong-a45131.html