Ngày 1/8, Công an Thừa Thiên-Huế tiếp tục đấu tranh với đối tượng Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy) để làm rõ hành vi cướp tài sản.
Theo đó, vào khoảng 12h35 ngày 31/7/2022, tại tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi, chợ Đông Ba, phường Đông Ba, thành phố Huế, trong lúc lực lượng bảo vệ chợ nghỉ trưa thì có một nam thanh niên, sử dụng súng AK bắn 1 phát chỉ thiên, sau đó bắn 5 phát vào tủ kính tiệm vàng khiến tủ kính đựng vàng vỡ nát, kính bay vào 1 người đứng gần đó dẫn đến bị thương.
Sau đó, đối tượng lấy 2 khay đựng vàng ném vung vãi ở trước của tiệm cho người dân nhặt; cầm súng đi bộ chậm rãi về hướng cầu Gia Hội.
Theo camera an ninh, trong lúc đối tượng cầm súng rất nguy hiểm băng qua đường, đi ra cầu Gia Hội, nhiều người dân vẫn bất chấp, tranh nhau tìm nhặt vàng đối tượng vứt lại. Một số đồ trang sức bằng vàng còn mắc trên cành cây cao.
Ngay khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Công an tỉnh và Công an TP.Huế nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng và ngăn không để người dân di chuyển vào hiện trường.
Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Hành vi của Ngô Văn Quốc thể hiện sự manh động, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội và gây nguy hiểm tới tính mạng người dân xung quanh.
“Thông thường những tên cướp tiệm vàng hay che giấu thân phận, cố gắng cướp lượng lớn tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Còn đối tượng Quốc lại mặc quân phục công an, cướp tiệm vàng rồi vứt ra đường để người khác nhặt nên cần trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của người này ở thời điểm gây án”, Luật sư Cường phân tích.
Trường hợp xác định Ngô Văn Quốc có đầy đủ năng lực và khả năng điều khiển hành vi, thì hành động dùng súng cướp tiệm vàng của nghi phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Điều luật quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3 - 10 năm; trường hợp giá trị tài sản bị cướp từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là 7 - 15 năm tù”.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng nghi phạm sử dụng có phải vũ khí quân dụng hay không. Nếu có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng, Quốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 1 - 7 năm tù.
“Nếu xác định chính xác Quốc là người đang công tác trong lực lượng công an, nghi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật là tước danh hiệu công an nhân dân trước khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nói.
Cùng trả lời báo chí liên quan đến sự việc này, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cho biết, Điều 168 Bộ luật Hình sự xác định các dấu hiệu cơ bản của tội cướp tài sản như sau: "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản….".
Như mô tả trong cấu thành trên đây với tội cướp tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được" không phải là tội cướp tài sản.
Trong vụ việc trên đối tượng đã sử dụng súng bắn vỡ kính nơi để vàng, đây là hành vi sử dụng vũ lực. Tại thời điểm đối tượng mang vàng ra khỏi quầy hàng của chủ tiệm vàng thì mục đích chiếm đoạt của đối tượng đã được thể hiện trên thực tế. Lúc này, tội cướp tài sản đã hoàn thành.
“Hành động mang vàng phân phát cho người dân sau đó của đối tượng không ảnh hưởng, làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội, không ảnh hướng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của tội cướp tài sản”, Luật sư Lực phát biểu.
Ở khía cạnh khác, dư luận cũng đặt câu hỏi, những người dân đã dừng lại để nhặt vàng nếu không trả lại sẽ bị xử lý ra sao? Giải đáp thắc mắc này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa) phân tích: Đối với hành động mang vàng ném cho người dân của Quốc không làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội; còn những người dân nhặt vàng của nghi phạm ném ra là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, họ phải trả lại vàng nhằm tránh những rủi ro pháp lý.
Luật sư Giáp cho hay: Những người nhặt được vàng nếu không trả lại có thể bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Khung hình phạt là phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, mức phạt này quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp giá trị tài sản từ 10 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" hoặc "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" theo các Điều 176, 172 Bộ luật Hình sự.
T.V