(ĐSPL) - Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam, những người có lương tâm không đòi hỏi về tiền bạc hay tình cảm khi se duyên trần cho người đời.
GS. Ngô Đức Thịnh. |
Quan niệm dựa vào niềm tin thuần tuý
Thưa GS, người Việt Nam thường quan niệm rằng nam thanh, nữ tú đến tuổi dựng vợ gả chồng mà vẫn chưa tìm được một nửa ưng ý là do "duyên âm" theo đuổi. Quan niệm này xuất phát từ đâu và liệu có đúng không thưa GS?
Không có gì để khẳng định điều đó là đúng cả. Ngược lại, cũng khó mà bác bỏ được niềm tin đó. Đây thuần tuý niềm tin thôi. Cũng giống như linh hồn, "duyên âm" có hay không có thì cũng không có ai chứng minh hay bác bỏ được. Đây là một quan niệm khá phổ biến trong xã hội. Đã từng có một luận văn thạc sỹ bàn về việc cắt tiền duyên. Trong đó cũng nêu ra nhiều trường hợp thực tế. Cũng khá nhiều người thấy "có hiệu quả", song cũng có những người thì không. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, cũng có những trường hợp đã làm lễ nhưng vẫn không được như ý muốn. Tôi có một người quen đã cắt duyên mấy lần rồi mà nay đã 50 tuổi nhưng vẫn chưa lấy được chồng dù rất giỏi giang và duyên dáng.
Vậy theo GS, đâu là lý do khiến nhiều người tin rằng, "cắt duyên âm" thì sẽ sớm tìm được người bạn đời ưng ý?
Nhiều người phụ nữ đã nhiều tuổi rồi mà chưa lấy chồng, họ đi làm như thế thì có thể họ có một niềm tin. Và biết đâu, niềm tin đó sẽ biến thành sự thật vì khi có niềm tin thì tâm lý người ta sẽ khác. Đây có lẽ là một khía cạnh tác động đến sự thay đổi của họ. Hiện nay, quan niệm này phổ biến ở nông thôn và cũng có không ít ở thành thị. Tôi từng biết, có những buổi mà "cắt duyên âm" cho hàng chục người.
Tôi thấy có nhiều trường hợp dường như "có hiệu quả". Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp không thành công. Vậy nên, đặt giả thiết là có "duyên âm" thật, nhưng hiện tại chúng ta chưa có được phương tiện để kết luận rằng nó tồn tại. Song xét từ góc độ tâm lý, sau khi "cắt duyên âm", người phụ nữ sẽ có tinh thần thoải mái hơn, vui vẻ hơn và tác động đến hành động thực tế. Chúng ta không thể khẳng định nhưng cũng không phủ định được vì đó là niềm tin xã hội bởi rất nhiều các khía cạnh.
Cắt được "duyên âm" không phải do cúng nhiều tiền
Theo lẽ thường, một lễ "cắt tiền duyên" như vậy diễn ra như thế nào thưa GS. Nó có phức tạp và tốn kém không?
Trước đây, việc cắt tiền duyên thuộc về các thầy pháp và được làm trong chùa. Tuy nhiên, ngày nay, một số người lại tìm đến các ông đồng, bà đồng để tiến hành nghi lễ này.
Chẳng hạn đối với thầy đồng, khi hầu đồng đến giáỏ Quan lớn Đệ Tam và Quan lớn Tuần Tranh thì họ cho người muốn cắt duyên âm vào rồi cho người ấy đội một số lễ cúng và sớ sách... Sau đó, họ dùng kéo cắt lìa lá sớ ra thành hai mảnh. Một mảnh gói vào và được cho người phụ nữ đó. Khi về, nếu đi qua một cây cầu hay một con sông thì ném nó xuống sông và không được quay lại nhìn theo. Người ta quan niệm, làm như thế thì "duyên âm" sẽ không theo người con gái đó nữa và cô gái ấy có thể đi lấy chồng được. Thực ra, nghi lễ không có gì tốn kém và khó khăn. Chỉ có điều nó gắn liền với khía cạnh xã hội của người phụ nữ và là vấn đề rất quan trọng trong đời sống của họ nên nhiều người muốn làm.
GS thấy sao khi có nhiều người quá mê muội, phó thác chuyện hôn nhân cho việc cúng bái, thậm chí có người còn bị lợi dụng cả về tiền bạc và tình cảm?
Trên thực tế, thực hiện một khoá lễ cắt "duyên âm" không quá tốn kém. Tôi đã xem nhiều người làm lễ này và thấy không phức tạp gì. Việc thầy bói đòi tiền bạc, đòi "quan hệ" chỉ là lợi dụng mà thôi. Nếu những người có lương tâm và làm thực sự thì không ai đòi hỏi về tiền bạc hay tình cảm gì cả.
Chính vì vậy, quan trọng nhất là mỗi người cần phải có bản lĩnh. Trước những thông tin hay đòi hỏi mà thầy bói đưa ra thì mỗi người nên biết mình phải làm gì. Còn nếu nói có hay không có "duyên âm" hoặc cấm họ không nên cúng lễ thì cũng rất khó. Những gì thuộc về tâm linh thì không thể cấm được mà chỉ hướng cho người ta nên làm thế nào, giữ vững bản lĩnh của mình ra sao mà thôi.
Xin cảm ơn GS!