Sau hơn nửa năm bị trì hoãn, tại cuộc đối thoại mới đây, những thắc mắc về tính pháp lý trong bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa được làm rõ.
Câu hỏi về căn cứ xác định ranh giới quy hoạch
Chiều 27/11, Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức buổi đối thoại với người dân 5 khu phố của 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh thuộc quận 2. Cuộc đối thoại nhằm công khai kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ, liên quan đến khiếu nại của người dân tại 5 khu phố trên về ranh giới quy hoạch khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Cuộc đối thoại cũng nhằm ghi nhận những nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư.
Qua đó, UBND TP.HCM sẽ kiểm tra, xem xét cụ thể từng trường hợp để giải quyết theo thẩm quyền; đảm bảo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tạo sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị tham gia phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại và tổ chức đối thoại.
Chủ trì cuộc đối thoại là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, Trưởng ban Tiếp Công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.
Sau phần phát biểu mở đầu, ông Đinh Đặng Lập - đại diện tổ kiểm tra liên ngành của Thanh tra Chính phủ - đọc dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan đến ranh giới quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM chủ trì buổi làm việc với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh thuộc quận 2. |
Theo đó, Thanh tra Chính phủ được UBND TP cung cấp một số bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh lưu giữ liên quan đến quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Đây là những bản đồ kèm theo văn bản trình Thủ tướng ban hành quyết định số 367/1996. Các bản đồ này cũng được cơ quan chức năng đóng dấu gồm: Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, sở Xây dựng, công ty Dịch vụ đô thị.
Qua kiểm tra và đối chiếu, bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh lưu giữ với 2 bản đồ mà UBND TP này cung cấp cho Thanh tra Chính phủ là trùng khớp nhau về ranh quy hoạch (là quy hoạch giao thông mở đường – PV).
“Từ đó, có thể xác định việc xác định ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm tại Thông báo 1483/2018 của Thanh tra Chính phủ, trong đó có nội dung 4,3ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng là đúng quy định và thực tế”, ông Lập nói.
Riêng về vị trí 5 khu phố thuộc 3 phường mà người dân quan tâm, người dân có cung cấp cho tổ kiểm tra một số bản đồ photo để tiến hành rà soát, đối chiếu các bản đồ.
Sau đó, tổ kiểm tra liên ngành đã có đủ cơ sở để xác định vị trí, ranh giới số thửa đất của các hộ dân đang khiếu nại ở 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Do đó, những khiếu nại của người dân cho rằng, nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm là không có cơ sở để giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, ông Lập cũng nói về trách nhiệm liên quan của Kiến trúc sư trưởng TP này vào các giai đoạn trước, để dẫn đến một số bất cập thời gian qua tại dự án.
Bất cập pháp lý do tồn tại lịch sử
Tuy nhiên, đa số người dân tại buổi đối thoại bày tỏ không đồng tình với nhận định đó. Ông Nguyễn Văn Thạch - đại diện cho 41 người dân thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 - đề nghị chính quyền địa phương cung cấp các văn bản, bản đồ liên quan đến kết luận khu phố 1 nằm trong ranh hay ngoài ranh.
Còn ông Đoàn Văn Phương - đại diện cho 82 người - yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải chủ trì đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường, cung cấp các nội dung liên quan đến kết luận 1483; làm rõ việc thất lạc bản đồ; kiểm tra 160ha đất tái định cư nằm ở đâu để trả lại cho người dân;...
Mặt khác, ông Nguyễn Hồng Quang - đại diện cho 1.059 người dân khác - yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong đền bù và giải tỏa, xem xét lại mức giá bồi thường và bố trí tái định cư,...
Nhiều người dân nêu ý kiến, khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm và có tính thống nhất của hệ thống văn bản và bản đồ quy hoạch; yêu cầu trả lại 160ha tái định cư cho người dân theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
Lý giải về việc tại sao bản vẽ không có chữ ký hay con dấu của các cơ quan chức năng, đại diện vụ Quản lý quy hoạch (bộ Xây dựng) khẳng định, trước năm 2005 chưa có quy định về việc cơ quan cấp Trung ương phải ký hoặc đóng dấu vào bản đồ quy hoạch.
Trả lời người dân trong buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định, theo bản đồ đã được đăng tải công khai, chỉ có 4,3ha nằm ngoài ranh. Người dân cần cung cấp thêm tài liệu cho tổ kiểm tra liên ngành để chứng minh 5 khu phố nằm ngoài ranh.
“Mục tiêu của cuộc đối thoại này là cùng nhau đi tìm sự thống nhất. Tuy nhiên, phải nói là thống nhất về vấn đề gì. Nếu thống nhất về vấn đề pháp lý thì rất khó. Bởi mỗi một đơn vị, cơ quan, địa phương, hay cá nhân người dân... đều có nhận thức về pháp lý khác nhau. Do vậy, phải cùng ngồi lại với nhau để đi tìm một hướng pháp lý nào đúng nhất, phù hợp nhất”, ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, qua những ý kiến trong buổi đối thoại ngày hôm nay sẽ có những vấn đề có thể nghiên cứu, xem xét. Những vấn đề bức xúc của bà con, chính quyền Thành phố sẽ ghi nhận và tiếp tục làm việc để cùng nhau đi tìm tiếng nói chung.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Đặng Công Huẩn - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết: “Cuộc đối thoại tạm thời khép lại nhưng không có nghĩa là kết thúc. Chắc chắn bản dự thảo kết quả này sẽ được rà soát lại và tiếp tục xin ý kiến tiếp”.
Những nội dung khác liên quan đến khiếu nại của người dân, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát để thực hiện các chính sách cho người dân.
"Chờ quyết định của Thủ tướng Kết thúc buổi đối thoại, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nhận định: “Chắc chắn không ai kết luận được sau một cuộc đối thoại mà còn nhiều ý kiến khác nhau như thế này”. Ông Huẩn chia sẻ với bà con Thủ Thiêm đồng thời khẳng định những ý kiến tại buổi đối thoại sẽ được báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có quyết định “ cuối cùng. |
Nguyễn Thành Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (191)