(ĐSPL) - "Đổi tên lễ hội chém lợn thành lễ hội rước lợn chỉ là biện pháp mang tính tình thế, chưa thực sự phù hợp với tinh thần văn hóa truyền thống của dân làng Ném Thượng", là nhận định của PGS-TS Phạm Ngọc Trung.
Xuất phát từ phản ánh của Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) |
Đối với lễ hội này, hiện đang có nhiều luồng dư luận trái chiều khi nhiều người cho rằng hành động chém lợn như thế là dã man, phản cảm cần chấm dứt; một số khác và người dân làng Ném Thượng lại cho rằng đó là nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng vùng miền không thể bỏ.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
Thưa ông, là một người nghiên cứu văn hóa, ông nhìn nhận như thế nào về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh?
Lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng đã có từ hàng nghìn năm nay rất lâu đời. Vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, dân làng lựa chọn ra một con lợn khỏe mạnh, mập mạp, đẹp nhất để mang tế thần linh, tưởng nhớ công lao các vị anh hùng đã có công với quê hương đất nước thời xa xưa.
Trong buổi tế có nghi lễ chém lợn, người được lựa chọn hóa kiếp cho con vật phải là một thanh niên trai tráng khỏe mạnh và đủ tư cách, phẩm chất. Và thịt con lợn sau đó sẽ được mang ra làm cỗ cho cả làng.
Gần đây dư luận có nhiều luồng ý kiến trái chiều về lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Tổ chức Bảo vệ động vật Châu Á có lên tiếng rằng, hành động chém chết một con lợn còn đang khỏe mạnh trong lễ hội là man rợ, cần được chấm dứt. Quan điểm của cá nhân ông về việc này như thế nào?
Xét dưới góc độ bảo tồn động vật thì tính chất hội chém lợn ở làng Ném Thượng có vẻ dã man và không phù hợp trong xã hội hiện đại. Còn dưới góc độ văn hóa, đó là một nét văn hóa đặc trưng của dân làng Ném Thượng, lễ hội này đã có từ rất lâu đời, sau một thời gian bị mai một, và mới được khôi phục lại mấy năm gần đây.
Là phong tục truyền thống thì không thể đánh giá sai hay đúng rồi đưa ra quyết định cấm hay tiếp tục, mà theo tôi chỉ nên điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, không quá phản cảm nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc truyền thống văn hóa quê hương.
Ông Phạm Ngọc Trung |
Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh cũng đã đưa ra một số những phương án giải quyết vấn đề này như đổi tên hội chém lợn thành hội rước lợn. Theo ông, phương án đó đã hợp lý chưa?
Theo tôi, việc đổi tên một lễ hội đã có từ nghìn năm rồi không được hợp lý lắm, nó làm mất đi ý nghĩa và tinh thần của lễ hội và chỉ là biện pháp mang tính tình thế để xoa dịu dư luận. Thực ra, 2 năm trở về đây, dân làng Ném Thượng đã tổ chức nghi thức chém lợn ở sân sau của đình chứ không phải ở giữa sân đình như trước kia nữa, và chỉ có những người tham gia lễ hội mới chứng kiến cảnh chém lợn thôi. Theo tôi, nên tham khảo ý kiến dân làng Ném Thượng để đưa ra giải pháp thực sự hợp tình hợp lý nhất.
Sự việc này gần đây đã trở nên nóng hơn bao giờ hết, nhất là khi lễ hội chém lợn chuẩn bị diễn ra như thường lệ. Rất cần những sáng kiến hay đóng góp vào việc giải quyết vấn đề này, bản thân ông có góp ý gì trong việc này không?
Nếu theo như ý kiến của Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á, lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha hay hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng không kém phần bạo lực và ghê sợ. Nhưng họ vẫn tổ chức thường niên và thu hút hàng trăm nghìn du khách thập phương.
Còn lễ hội chém lợn, một lễ hội của làng – một đơn vị khá nhỏ, người dân ở làng Ném Thượng đã có những thay đổi để hội trở nên nhân văn và bớt phản cảm hơn. Theo tôi, nên lắng nghe ý kiến người trong cuộc, xem người dân làng Ném Thượng họ nghĩ thế nào, để lễ hội chém lợn vẫn còn là nghi thức thiêng liêng và văn minh, phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn, tránh việc áp đặt hay quản lý văn hóa một cách cứng nhắc. Điều quan trọng phải hợp lòng dân thì mới lâu bền được.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!