Trong lúc nhàn rỗi, Quốc Anh cùng bạn gái lên kế hoạch cướp vé số của bà lão 71 tuổi để thử vận may.
Báo Công an nhân dân đưa tin, ngày 21/4, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã bàn giao Phan Quốc Anh (25 tuổi, ngụ Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho Công an quận 6 để điều tra xử lý về hành vi Cướp tài sản.
Nạn nhân là cụ H. (71 tuổi), người đi bán vé số dạo trên đường.
Chân dung tên cướp - Ảnh: Công an cung cấp |
Theo báo Người Đưa Tin, trước đó, vào chiều 20/4, trong quá trình tuần tra quận Bình Tân, tổ tuần tra của đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam phát hiện đôi nam nữ đi xe gắn máy có biểu hiện nghi vấn nên âm thầm đeo bám.
Đến đường Kinh Dương Vương (phường 13, quận 6), nam thanh niên dừng xe để cô gái ngồi sau đi xuống, đến gần một bà cụ rồi giả vờ hỏi mua vé số. Trong lúc bà cụ không để ý, cô gái này bất ngờ ôm cả tập vé số bỏ chạy leo lên xe nam thanh niên chờ sẵn tẩu thoát.
Phát hiện sự việc, tổ tuần tra đã nhanh chóng đuổi theo quật ngã, tóm gọn các đối tượng. Tuy nhiên, "nữ quái" ngồi phía sau, tranh thủ lúc hỗn loạn đã nhanh chân lẻn vào đám đông tẩu thoát.
Tang vật vụ án - Ảnh: báo Người Đưa Tin |
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi sự việc của mình. Khám người Anh, công an thu 41 tờ vé số.
Được biết, Anh không có việc làm nên lúc nhàn rỗi, muốn thử vận may của mình bằng tờ vé số. Tuy nhiên, Anh lại không có tiền nên đã nghĩ cách gọi thêm đồng bọn đi cướp vé số.
Hiện, vụ việc đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)