(ĐSPL) - Theo quy định của pháp luật, người bị oan sẽ được khôi phục về danh dự và bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Ngày 4/11, VKSND tỉnh Bến Tre tổ chức xin lỗi công khai ông Châu Ngọc Ngừng (59 tuổi), nguyên chủ tịch phường 6, TP.Bến Tre.
Ông Ngừng tại buổi xin lỗi oan sai. Ảnh: Hoàng Nam. |
Như vậy, sau 26 năm bị bắt giam oan 3 năm, cựu chủ tịch phường tại Bến Tre đã được xin lỗi công khai. Ông đã yêu cầu công an tỉnh Bến Tre và VKSND tỉnh bồi thường 152 tỷ đồng (Trong đó, công an tỉnh là 145 tỷ, VKSND 7 tỷ đồng).
Ông Ngừng cho rằng số tiền bồi thường đó ứng với thiệt hại mà suốt 26 năm ông nhận phải hàm oan.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Sơn Hải – Văn phòng luât sư Ánh sáng Công lý để phân tích sự việc.
Thưa luật sư, pháp luật Việt Nam quy định như nào về việc bồi thường oan sai cho người bị hàm oan?
Pháp luật Việt Nam có quy định rất rõ về việc bồi thường oan sai cho người bị hàm oan. Tùy từng trường hợp cụ thể, người hàm oan sẽ được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp của ông Châu Ngọc Ngừng, nguyên chủ tịch phường 6, TP.Bến Tre. Ông Ngừng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mới đây,VKSND tỉnh Bến Tre đã tổ chức xin lỗi công khai ông Châu Ngọc Ngừng vì không có căn cứ kết luận hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Sơn Hải - Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý. |
Như vậy, việc bồi thường cho ông Ngừng sẽ được quy định trong nghị quyết của UB thường vụ Quốc hội về “bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”.
Ông Châu Ngọc Ngừng có yêu cầu số tiền cơ quan chức năng phải bồi thường là 152 tỷ đồng, xin Luật sư cho biết, số tiền này có phù hợp với quy định pháp luật?
Để biết được số tiền ông Ngừng đòi bồi thường có phù hợp với quy định pháp luật hay không thì chúng ta phải dựa trên bản án. Tùy theo tình tiết vụ án, cơ quan chức năng sẽ xem xét mức độ thiệt hại của người hàm oan để có bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tuy nhiên trong vụ việc này, ông Ngừng yêu cầu Công an tỉnh Bến Tre phải bồi thường 145 tỷ, VKSND tỉnh là 7 tỷ.
Theo quy định của pháp luật, người bị oan sẽ được khôi phục về danh dự (cơ quan chức năng đã thực hiện xin lỗi công khai) và bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Luật nêu rõ, việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là mỗi ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được bồi thường ba ngày lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Tuy nhiên, luật chỉ quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần trong thời gian bị giam giữ. Như vậy, ông Ngừng sẽ chỉ được bồi thường tổn thất về tinh thàn trong khoảng thời gian 3 năm bị tạm giữ.
Luật cũng quy định, bồi thương về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị oan. Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù có thu nhập ổn định nhưng đã bị mất do bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường khoản thu nhập đó.
Ông Ngừng cho biết, trong quá trình bị bắt, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ của ông 877m3 gỗ; 450 triệu đồng đến nay chưa trả. Pháp luật quy định như nào về việc trả lại tài sản cho người bị oan sai?
Về việc này, pháp luật cũng có quy định rất rõ, tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay.
Trong trường hợp tài sản đã bị bị mất, bị hư hỏng, bị huỷ hoại thì thiệt hại được xác định tương đương với giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Trong trường hợp có thiệt hại phát sinh từ việc không được sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thiệt hại thực tế; trong trường hợp tài sản bị kê biên được giao cho người bị oan hoặc thân nhân của họ quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại về tài sản được xác định là những thiệt hại thực tế.
Các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự được hoàn trả cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trong trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan cả khoản lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Luật sư!
Liên quan đến vụ việc, thông tin thêm trên báo An ninh thủ đô, ông Võ Minh Thưởng- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre thay mặt cơ quan Viện KSND tỉnh đưa ra lời xin lỗi, cải chính đối với ông Châu Ngọc Ngừng. Đồng thời, ông Thưởng thừa nhận, cơ quan VKS tỉnh có những sai lệch nghiêm trọng trong việc đánh giá hồ sơ vụ án dẫn đến truy cứu sai đối với ông Ngừng, đã làm oan cho ông và gây bao tổn thất cho ông và gia đình. Ông Châu Ngọc Ngừng đã chấp nhận lời xin lỗi của Viện KSND tỉnh Bến Tre. Ông Ngừng tâm sự, do bị truy tố oan, cuộc sống của cá nhân ông và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần và trải qua biết bao khó khăn. Ông Ngừng cho biết, sắp tới, ông sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra bồi thường cho ông số tiền khoảng 151 tỉ đồng gồm các khoản tiền như: thiệt hại tinh thần, mất thu do bị giam giữ. Ông Ngừng còn đòi Công an tỉnh bồi thường là sổ tiết kiệm, hợp đồng làm ăn, giấy tờ… bị Công an thu giữ trong quá trình điều tra trước đây, chưa trả cho ông. |
Hoài Phương (Thực hiện)