(ĐSPL) - Từ khi vị tổ sư Võ Thần Hầu khai sinh nên dòng võ kinh, những võ quan và nhất là những cẩm y vệ lúc bấy giờ ra sức truyền bá, phát triển dòng võ này. Võ kinh được nâng lên một tầm cao mới trở thành dòng võ chính thống của vương triều.
Cố võ sư Trương Thăng, người chính thức lập võ phái Võ kinh Vạn An. |
Đệ nhất cẩm y vệ
Không chỉ là những giai thoại về võ tướng dũng mãnh địch vạn người, võ kinh còn được biết đến trong lịch sử qua những nhân vật có thật, gắn với kinh đô Phú Xuân (Huế). Từ thời vua Minh Mạng trở đi, võ kinh được sử dụng nhiều trong việc thi đấu, tuyển chọn quân đội cũng như các võ quan. Ngược dòng lịch sử mấy trăm năm của gia tộc họ Trương ở Huế, chưởng môn võ kinh Vạn An phái, Trương Quang Kim nhớ lại: "Vào đời vua Tự Đức, võ kinh ngày một hưng thịnh với sự xuất hiện của nhiều cao thủ cấm vệ quân. Trong gia phả của dòng họ còn lưu truyền thuở bấy giờ, ông tổ Trương Ngọc Giai là Đội trưởng đội Cẩm y vệ trực tiếp bảo vệ vua Tự Đức và dạy võ cho các hoàng thân".
Nhắc đến đây vị chưởng môn giải thích thêm, xuất thân của phái là ở cung đình, kinh đô nên rất chú trọng hình thức. Ngoài việc võ thuật gắn với kinh thơ, quyền cước đi kèm với tự, thì võ kinh chú trọng ở sự uyển chuyển phù hợp với các quý tộc. Thời phong kiến, trên các cung đường dọc dài xuyên đất nước, người ta chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ như đi ngựa, đi bộ. Võ từ lâu đã trở thành một phương cách hữu hiệu để phòng thân, rèn luyện sức khỏe. Võ lâm quỵ tụ các anh hùng hào kiệt khắp bốn phương với những tuyệt kỹ tu luyện từ chốn rừng sâu, thảo dã. Người học võ lâm cũng bái sư và luyện tập theo sư phụ không đặt nặng sách vở và chủ yếu các tuyệt kỹ chỉ được chân truyền từ người này qua người khác bằng miệng.
Trong một số trường hợp, võ còn là phương tiện mà nhiều người dùng để tiến thân, được làm quan. Hằng năm, để bổ sung lực lượng cho quân đội, vệ sỹ cho cấm cung, triều đình thường tổ chức những cuộc thi võ với quy mô lớn. Số võ sỹ vượt qua những quy định khắt khe của các cuộc thi võ, để được tuyển chọn vào cấm cung bảo vệ hoàng thân quốc thích không nhiều lắm, so với hàng trăm hàng ngàn người học võ. Để làm quan võ, ngoài việc phải giỏi võ như một cao thủ giang hồ, còn cần những kiến thức khác, cũng về võ học. Đó là võ kinh, chuyên đào tạo những người học võ để đi thi thố. Có thể nói, võ kinh ẩn chứa nhiều quy tắc quan trọng liên quan đến sách vở nhiều hơn so với võ lâm tự do hành đạo.
Trải dài suốt mấy trăm năm lưu truyền nơi cung cấm và cấm truyền thụ ra ngoài, võ kinh ngày càng trở nên siêu quần, mang phong cách cung đình. Từ đời cẩm y vệ Trương Ngọc Giai, dòng võ kinh ngày một hưng thịnh và dần dần hình thành một dòng võ kinh riêng.
Nói tới đây chưởng môn Võ kinh Vạn An phái chia sẻ thêm: "Nói là dòng võ của cung đình vì thực chất nó chỉ tồn tại chính thống ở trong cung cấm để bảo vệ vua chúa chứ tuyệt đối không được truyền thụ ra ngoài và không được lập võ phái. Đúng nghĩa thì môn phái đã có từ hằng trăm năm nay, từ các cử nhân võ dưới triều Nguyễn. Sau khi được chân truyền qua nhiều đời, đến những năm 30 của thế kỷ trước, ở Huế hình thành một môn phái võ cổ truyền mang tên Võ kinh Vạn An phái, nhưng chỉ tồn tại dựa trên các võ sư và môn sinh từ cung đình mà ra chứ không phải lập võ đường, chiêu tập môn sinh".
Môn sinh võ kinh Vạn An thị phạm chiêu bẻ cong cây giáo. |
Khi ấy, cử nhân võ Nguyễn Thanh Vạn là một trong những người có công trạng dưới triều Nguyễn và lãnh soái đại nội cẩm y vệ. Học trò của ông khi ấy là võ sư Trương Thăng (cha ruột võ sư Trương Quang Kim), là một người có khí chất thông minh, lại là con cháu nhiều đời của dòng họ võ Trương ở kinh đô. Sau khi lĩnh hội được những tuyệt học từ thầy mình, võ sư Trương Thăng bắt đầu từ những nền móng xưa, cho việc thành lập chính thức môn phái võ dân tộc này. Năm 1972 chính thức khai lập môn phái lấy tên là Võ kinh Vạn An phái do đời thứ tư, võ sư Trương Thăng làm chưởng môn. Kể từ đây, võ kinh bước sang một trang mới, hòa nhập cùng dòng chảy võ học cổ truyền dân tộc và thế giới.
Nhớ về những quãng thời gian võ đường thành lập, thầy Kim cho biết: "Từ ngày cha thầy cũng là chưởng môn khi ấy khai lập môn phái, ông luôn đề cao võ học, tích cực chiêu tập môn sinh phát huy khí chất Vạn An phái. Nhiều lần, ông tâm sự với thầy là võ kinh khi xưa chỉ lưu truyền nội bộ nên đã mai một nhiều tuyệt kỹ. Vì thế mình phải khôi phục lại, không thể để một nền võ thuật vang danh như vậy bị chôn vùi, cũng như phải làm cho võ thuật cổ truyền Việt Nam lên tầm cao mới".
Nuốt nước mắt thương tiếc người cha quá cố, võ sư Trương Quang Kim theo lời chân truyền dương danh võ đạo. Từ năm 2002 trở đi, võ đường Vạn An được nâng lên một tầm cao mới thu hút nhiều môn sinh. Cũng chính từ đây tinh hoa võ kinh được truyền thụ một cách rộng rãi hơn, không bó hẹp như đời trước làm nên một dòng võ đệ nhất xứ Huế.
Các môn sinh Vạn An tại võ đường. |
Tuyệt kỹ võ kinh
Những tuyệt kỹ nhiều người mê đắm, khiến võ kinh Vạn An ngày càng được yêu thích hơn. Chia sẻ sâu hơn về kiến thức võ kinh, võ sư Trương Quang Kim giới thiệu về tuyệt kỹ "Lôi phong phiếm". Đây là chiêu thức dành riêng cho các công tử, vương hầu trong cung đình. Thầy Kim nói: "Lôi phong phiếm thực chất là lấy nhu chống cương, lấy lợi khí, tức vũ khí có sẵn để đả thương kẻ địch. Xuất phát từ việc các công tử, vua chúa khi xưa hay sử dụng quạt vừa để làm mát, vừa để làm trang sức mà các bậc tổ sư đã sáng tạo nên võ thuật từ đây. Lôi nghĩa là tiếng nổ, phong là gió, phiếm là quạt. Chiêu thức có 108 đường quạt, khi đánh vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, tiếng quạt đánh tạo tiếng nổ như sấm nổ, cuồng phong".
Trong bộ áo chưởng môn bề thế, chưởng môn Kim nhanh nhẹn thị phạm cho chúng tôi xem thêm những bài võ đặc trưng từng là sở đắc của các cao thủ khi xưa trong môn phái như: Lôi phong phiếm, Linh miêu tẩy diện, Song đao hồ điệp, Long phụng kiếm pháp, Miêu xà quyền, Câu hồn cước. Mới nhìn qua chiêu thức võ kinh tưởng đơn giản nhưng đòn thế quyết định. Đặc biệt các chiêu thức chú trọng tới thân pháp tránh né nhanh, nhẹ phù hợp với vóc dáng người Việt. Đặc biệt vì võ kinh liên quan đến cẩm y vệ nên chủ yếu là các thế khóa đối phương, những lúc lâm nguy mới ra đòn sát thủ.
Thầy Kim nhấn mạnh: "Đặc biệt nó có được cái tinh túy của võ, đó là hình nghĩa, là đòn thế góc cạnh phải chuẩn, lực phải đánh mạnh, ý nghĩa nghĩ đâu đánh đó một cách chớp nhoáng và khí là khí công, đòn thế dựa theo hơi thở. Căn cốt của võ học là tùy thế mà đánh, biết sử dụng vật có sẵn làm vũ khí để biến hóa, hóa giải đối phương". Bên cạnh đó, vị chưởng môn khi biểu diễn về các tuyệt kỹ của môn phái mình cũng luôn miệng nhắc đến chuyện võ học là vô biên. Mỗi môn phái đều có một sở đắc riêng. Đặc biệt, theo thầy Kim thì trong suốt chặng đường võ thuật cổ truyền luôn có những cuộc tỉ võ, giao đấu hay là các liên hoan võ thuật trên khắp cả nước. Đây là cơ hội để võ thuật cổ truyền phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo võ sư Trương Quang Kim, Võ kinh Vạn An phái, nguyên gốc là võ thuật cung đình Huế. Chặng đường trường tồn hơn 200 năm cũng đủ khẳng định những thăng trầm cũng như giá trị đích thực của võ kinh. Đặc biệt trong mọi hoạt động biểu diễn, lễ hội võ thuật cung đình Huế thì võ kinh Vạn An luôn là lực lượng chủ chốt tái hiện lại một nền võ thuật rạng danh cố đô. |