+Aa-
    Zalo

    "Độc cô cầu bại" trong làng quyền Anh Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Trong sự nghiệp thi đấu quyền Anh, anh chỉ thua trận một cách đau đớn ở Seagame 16, còn trong nước, anh là vô đối trong làng quyền Anh Việt.

    (ĐSPL)- Trong sự nghiệp thi đấu quyền Anh, anh chỉ thua trận một cách đau đớn ở Seagame 16, còn trong nước, anh là vô đối trong làng quyền Anh Việt.
    Rút kinh nghiệm sau trận thua này, anh giành huy chương Đồng ở Seagame 17 sau khi phải lùi bước trước một đấu sỹ từng đoạt giải vô địch thế giới.
    Người mê mẩn những trận đả lôi đài
    Vốn sinh ra trong gia đình đam mê võ học, từ nhỏ Huỳnh Viết Khánh (SN 1970, ngụ quận 11, TP.HCM) đã mê mẩn những trận đả lôi đài. Cha của anh là người có niềm yêu thích kỳ lạ với môn võ quyền Anh. Bất kể giải đấu quyền Anh nào được tổ chức tại Sài Gòn xưa, cha của Huỳnh Viết Khánh cũng theo dõi tỉ mỉ. Nhiều lúc đi xem, ông rủ cậu con cưng Viết Khánh đi cùng. Vì tiếp cận thực tế này, Huỳnh Viết Khánh thấy đam mê những đòn thế dũng mãnh của các võ sỹ trên sàn đấu và anh thầm ước có một ngày chính mình được đứng trên bục vinh quang của sàn đấu. Từ niềm đam mê ấy, Viết Khánh nằng nặc đòi cha cho đi học võ quyền Anh để thực hiện ước mơ, dù lúc này cậu mới 14 tuổi. Thấy con trai có sở thích giống mình, cha Viết Khánh dẫn anh đến võ đường ở quận 3 của võ sư Lê Văn Lắm, một tay đấm sừng sỏ Sài Gòn xưa để luyện tập.
    Nhờ có năng khiếu và sự siêng năng trong luyện tập, võ sỹ Huỳnh Viết Khánh sớm lĩnh hội được những đòn thế độc đáo từ thầy dạy. Đến năm 1987, anh bắt đầu tham gia các giải đấu quyền Anh được tổ chức trong nước.
    Kể từ khi tham gia giải VĐQG, thì bảy năm liên tiếp, võ sỹ Huỳnh Viết Khánh đều giành chức vô địch. Sau năm 1994, vì một số lý do, Chính phủ cấm không cho thi đấu quyền Anh trong nước nữa. Trước đó võ sỹ Huỳnh Viết Khánh cũng đã học võ cổ truyền từ người thầy Lê Văn Lắm của mình, nên khoảng thời gian ngưng thi đấu quyền Anh, anh đã đứng lớp để giảng dạy võ cổ truyền.
    Năm 1989, anh có tên trong đội tuyển quyền Anh quốc gia và đi tham gia giải quyền Anh ba nước Đông Dương gồm Lào, Campuchia và Việt Nam được tổ chức tại Lào. Trong lần thi đấu này, Viết Khánh đã xuất sắc vượt qua các tay đấm lừng danh của hai nước bạn và mang về chiếc huy chương Vàng cho Việt Nam. Lúc bấy giờ thành tích bất bại trong nước và cả thành tích vô địch ba nước Đông Dương khiến võ sỹ Viết Khánh tự tin hướng tới Seagame 16.
    Võ sư Huỳnh Viết Khánh chia sẻ: "Trước khi đi Seagame 16 (tổ chức năm 1991), tôi nghĩ khả năng lấy huy chương vàng là rất cao, vì qua bên đó thấy võ sỹ của họ cũng bình thường. Hơn nữa sau lần đấu ba nước Đông Dương và giành huy chương vàng thì tới giải Đông Nam á, tổ chức tại Malaysia cũng không quá khó giành giải với tôi. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng tôi sẽ lại chiến thắng nên tin lắm. Lúc ấy tôi còn rất trẻ nên kinh nghiệm còn yếu kém. Chính vì thế, trong trận đầu gặp vận động viên Philippine, tôi đã thua điểm".
    Tham gia giải đấu với những đối thủ nặng ký như vận động viên Philippine huy chương vàng thế giới, vận động viên Thái Lan cũng huy chương vàng thế giới, lại non kinh nghiệm nên Viết Khánh thua trong thế ngang ngửa. Anh bảo: "Hồi đó đánh không hạn chế hạng cân, quân mình tập luyện ăn uống không bằng bạn, thể trạng lại nhỏ nên đấu không lại. Nếu như bây giờ thì có khả năng giành huy chương vàng nhiều hơn. Trong khi hạng cân của mình thì ít, mà nước bạn mỗi lần thi đấu có tới năm hạng cân để tranh giành huy chương".
    Thất bại sau Seagame 16 khiến Huỳnh Viết Khánh mất một giai đoạn để bình ổn cú sốc. Tưởng chừng lúc này anh suy sụp và không bao giờ thi đấu nữa. Nhưng bản chất của người học võ là kiên cường, nên Viết Khánh đi học lại với quyết tâm cao. Tại Seagame 17 (tổ chức năm 1993) võ sỹ Viết Khánh được miễn một vòng. Hai trận còn lại thì thắng vận động viên Singapore. Gặp vận động viên Lào, anh cũng thắng dễ dàng. Võ sư Huỳnh Viết Khánh cho biết: "Sau đó tôi vào gặp vận động viên Thái Lan. Mới vào đánh thì hai bên ngang nhau, đối thủ thấy mình đánh trận đầu thuyết phục nên cũng ngại. Cả hai người bị cảnh cáo hai lần vì không chịu lao vào thi đấu mà thủ thế dò đòn của đối phương. Đến gần những phút cuối cùng thì vận động viên của Thái Lan đã giành được điểm sau khi tấn công, mình thua trận ấy và vận động viên Thái Lan vào chung kết".
     
    Kỳ 3:
    HLV Huỳnh Viết Khánh (đứng thứ tư, từ phải sang)  bên các học trò đoạt huy chương trong nước và khu vực.
    Truyền lửa cho các môn đồ
    Sau năm 1994, làng quyền Anh Việt Nam bị ngưng trệ 8 năm theo quy định của Nhà nước. Lúc này, Huỳnh Viết Khánh tham gia nghĩa vụ quân sự, vì màu cờ sắc áo, rồi tham gia công tác huấn luyện võ thuật trong quân đội. Thời gian ngưng thi đấu, anh làm HLV đội trẻ võ cổ truyền. Từ một võ sỹ quyền Anh lừng lẫy trong nước lẫn đấu trường khu vực, khi chuyển qua võ cổ truyền, anh không gặp trở ngại nhiều. Khoảng thời gian này nhiều trận đấu dài của võ cổ truyền được tổ chức và Viết Khánh lại tiếp tục tham gia. Trong 6 trận thi đấu bằng võ cổ truyền thì Huỳnh Viết Khánh đã xuất sắc thắng cả 6 trận, trong đó có nhiều trận thắng knockout đối thủ.
    Thất bại ở đấu trường Seagame 16, khiến võ sư Huỳnh Viết Khánh thêm động lực vươn lên. Võ sư Khánh chia sẻ: "Những trận thua ở Seagame thì sau này mình cũng đã đánh thắng lại, nên coi như mình cũng trả được món nợ với các đối thủ từng thắng mình trước đó. Có nhiều trận thua không phải vì mình kém về chuyên môn mà do một số vấn đề ngoại cảnh tác động. Mình tiếc vì mang màu cờ sắc áo Việt Nam tham gia giải đấu lớn mà thua là làm mất đi sự kỳ vọng của nước nhà".
    Sau 8 năm bị cấm thi đấu, năm 2004, môn võ quyền Anh chính thức được bắt đầu trở lại. Lúc này võ sư Huỳnh Viết Khánh vẫn đang tham gia công tác HLV tại quân khu 7.
    Thấy lớp võ quyền Anh của mình mới thành lập, các môn đồ lo lắng nên võ sư Huỳnh Viết Khánh quyết định đăng ký tham gia giải đấu quốc gia. Lúc này cả học trò và ban huấn luyện đều khá bất ngờ trước quyết định của anh. Nhưng với lòng quyết tâm và muốn truyền thêm lửa cho các môn đồ, anh quyết tham gia đấu trường. Lúc này võ sư Viết Khánh đã lớn tuổi, nhưng phong thái và kỹ thuật của anh trên sàn đấu vẫn tái hiện được một Huỳnh Viết Khánh lừng lẫy năm nào. Anh cho biết: "Đó là trận cuối cùng trong sự nghiệp nên tôi đánh hết mình, nếu thắng thì vinh danh, còn thua thì coi như công sức đã bỏ sông, bỏ bể. Trong lần cuối này, tôi thắng bốn trận liên tiếp và giành giải vô địch quốc gia".
    Hiện nay, ngoài công tác huấn luyện, võ sư, Thiếu tá quân đội  Huỳnh Viết Khánh thỉnh thoảng lại phối hợp với anh, em làm ăn kinh tế. Tuy vậy, anh chưa bao giờ tỏ ra thờ ơ với môn đồ của mình. Để đào tạo nên những tay đấm sừng sỏ, võ sư Khánh cho biết: "Có nhiều yếu tố để đào tạo nên những nhân tài. Mình phải quan tâm, chăm sóc các vận động viên, chú ý đến cách học hành của từng thành viên, đào tạo những kỹ thuật chiến đấu, phòng vệ, đồng thời sáng chế, tổng hợp những bài mới đưa vào bài tập. Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên xem clip đấu quyền Anh để tiếp thu những đòn thế hay chỉ dạy lại cho các môn đồ".                H.M                          

    Đào tạo ra nhiều võ sỹ tên tuổi

    Trong sự nghiệp đào tạo của mình, võ sư Huỳnh Viết Khánh cùng các võ sư khác đã đào tạo được nhiều tay đấm có tiếng như: Huỳnh Ngọc Tân (huy chương Bạc seagame năm 2013, huy chương Đồng châu á năm 2012); Lê Thị Hiền (huy chương Bạc châu á); Lê Thị Bằng (huy chương bạc châu á, huy chương Đồng Seagame năm 2013); Trịnh Thị Diễm Kiều (huy chương Bạc Seagame) và nhiều thành viên khác đoạt giải cao trong nước. Hiện nay đơn vị quyền Anh quân đội này là một trong ba đơn vị hàng đầu của làng quyền Anh Việt Nam.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-co-cau-bai-trong-lang-quyen-anh-viet-a45826.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan