Doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản, Idemitsu cam kết quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít được nhiều người kỳ vọng sẽ là "làn gió mới" trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Theo tin tức trên báo VTC News thông tin, sau khi trạm xăng 100% vốn đầu tư nước ngoài của Idemisu Q8 (IQ8) khai trương và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, dư luận cả nước bày tỏ sự hưởng ứng với “làn gió mới” này.
Báo Tuổi trẻ cho hay, theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam chưa mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài lập hệ thống bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, do đầu tư làm nhà máy lọc dầu trong nước, Idemitsu xuất hiện với nhiều tiện ích và cam kết chất lượng mới cho người tiêu dùng.
Idemitsu được kỳ vọng sẽ mang "làn gió mơi" cho thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Ảnh: Soha.vn |
Khi chuỗi phân phối xăng dầu của Idemitsu Q8 hình thành, thị trường phân phối xăng dầu sẽ có cạnh tranh. Tuy nhiên, giai đoạn đầu các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chưa thể "qua mặt" các ông lớn trong lĩnh vực này như: Petrolimex hay PVOil với hàng nghìn cửa hàng xăng dầu ở những vị trí khá tốt trên cả nước.
Thế nhưng việc Idemitsu áp dụng phần mềm quản lý tự động, cam kết quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít (một phần một trăm lít) được nhiều người kỳ vọng sẽ là "làn gió mới" trong lĩnh vực mà từ trước đến nay các nhà bán lẻ xăng dầu mới thực sự là “thượng đế” chứ không phải là khách hàng.
Việc doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản xuất hiện tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng nhưng trong giai đoạn đầu khó có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu vì giá cơ sở vẫn do Nhà nước quyết, các doanh nghiệp phải bán lẻ xăng dầu xoay quanh giá cơ sở.
TS.Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế) cho rằng,dù là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước khi tham gia vào kinh doanh xăng dầu đều phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, cụ thể là Nghị định 83/2014 của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp trong hay ngoài nước, tư nhân hay nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu đều phải tuân thủ theo Nghị định trên.
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì các doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa. Nếu thời gian tới cơ chế kinh doanh xăng dầu cho phép cạnh tranh về giá bán lẻ, chính các cửa hàng xăng dầu sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Khi đó, ngay cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng một công ty cũng có thể bán lẻ với giá khác nhau để chiếm lĩnh thị trường. Còn hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu chỉ cạnh tranh về phí, nghĩa là giá xăng dầu về cơ bản không đổi, chỉ chênh lệch chút ít về chi phí kinh doanh.
Nhân Văn(T/h)