Công ty Scene Plus từng nộp hồ sơ tham gia gói thầu tại dự án Suối Hoa, nhưng công ty này bị SASCO loại vì không đáp đứng đủ yêu cầu. Thế nhưng, mới đây, Scene Plus đã trúng thầu chính gói thầu trước đó tại dự án Suối Hoa.
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa (dự án Suối Hoa) do Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) làm chủ đầu tư nằm ở TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Dự án này có quy mô hơn 131ha. Đây vốn là đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan được UBND tỉnh Lâm Đồng cho SASCO thuê để làm dự án từ năm 2001. Thế nhưng, nhiều năm qua dự án vẫn chưa thể triển khai.
Tháng 11/2017, trong buổi làm việc với SASCO để giải quyết vướng mắc tại dự án Suối Hoa, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chủ đầu tư thành lập pháp nhân tại địa phương để thuận tiện trong việc trực tiếp đầu tư, vận hành và quản lý dự án.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 27/TB-TTCP về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Trong thông báo số 27 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại SASCO, trong đó có nhắc đến dự án Suối Hoa. Cơ quan thanh tra cho biết, “SASCO được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 131,12 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng công ty này không triển khai.
Đồng thời, công ty cũng chưa làm thủ tục miễn giảm thuế nhưng đã được Chi cục Thuế TP. Đà Lạt miễn tiền sử dụng đất trái thẩm quyền, làm thất thu ngân sách Nhà nước hơn 1,54 tỷ đồng.
Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo thu hồi dự án vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng là của Thủ tướng, nhưng đến nay chưa được các cơ quan liên quan thực hiện. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Thuế thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
SASCO cũng chưa thực hiện đúng quy định trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2001 đến 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng”.
Phải đến năm 2019, SASCO mới có những động thái nhất định để triển khai dự án Suối Hoa. Cụ thể, ngày 26/7/2019, SASCO đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. Sau đó từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019, SASCO lần lượt ra thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, hai lần gia hạn thời gian đóng thầu.
Đến ngày 12/10/2019, tuy tiến hành mở thầu nhưng do không có nhà thầu nào tham gia mua hồ sơ mời thầu (HSMT) nên sau đó SASCO buộc phải ra quyết định hủy thầu.
Tiếp đó, ngày 3/12/2019, SASCO lần thứ hai ra quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Từ cuối tháng 2/2020 đến cuối tháng 3/2020, SASCO cũng lần lượt ra thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu theo quy định và đến ngày 23/4/2020, chính thức mở thầu.
Lần này, có hai nhà thầu tham gia dự thầu là Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Hy An và Liên danh Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus và Công ty Cổ phần tư vấn Quy hoạch xây dựng và Hạ tầng đô thị Hoàng An.
Sau thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định, ngày 20/5/2020, SASCO cũng lần thứ hai ra quyết định hủy thầu. Lý do được đưa ra là tất cả hồ sơ đề xuất của các nhà thầu tham dự đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Ngày 25/09/2020, SASCO lần nữa đăng thông báo mời thầu gói “Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gói thầu Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa”. Lần này, danh tính các đơn vị quan tâm gói thầu không được công bố. Chỉ biết rằng, ngày 8/1/2021, SASCO ra quyết định số 09 thông báo đơn vị trúng thầu.
Theo đó, Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus là đơn vị trúng thầu với giá thấp hơn 73 triệu đồng so với giá mời thầu.
SASCO tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Năm 2014, SASCO tiến hành cổ phần hóa. Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam nắm 51% tại đây. Khi đó, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàn Lộc Việt đấu giá thành công 22,11% vốn của SASCO. Ngoài ra, SASCO cũng bán hơn 31 triệu cổ phần tương đương 23,6% vốn điều lệ cho 3 nhà đầu tư chiến lược, gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu đều thuộc Tập đoàn IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đến năm 2016, Hoàn Lộc Việt đã bán gần hết số cổ phiếu SAS của mình vào các ngày 18/3 và 24/3 và chỉ còn nắm 0,01%. Và tổ chức mua lại số cổ phiếu SAS của Hoàn Lộc Việt là Tập đoàn IPP Group. Hiện nay, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất tại SASCO, song tỷ lệ sở hữu chỉ còn 49,07%. Trong khi nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn IPP Group hiện đã nắm 47,7%. |
Giang Nam