(ĐSPL) – Ra nhập sân chơi TPP, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều chính sách cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn |
TPP vừa kí kết và tiềm năng lớn nhất đang đặt vào nông nghiệp. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt thực sự bứt phá và đủ phẩm chất ra hội nhập thị trường Quốc tế còn có nhiều vấn đề cần bàn bạc và thực hiện. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định những cơ hội và thách thức đặt ra đối với hàng hóa nông sản VN từ các Hiệp định Thương mại thế hệ mới. Điểm lại thành tựu nền nông nghiệp nước nhà qua 30 năm Đổi mới đất nước, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, chúng ta đã có một nền nông nghiệp mở, với kim ngạch XK gần 31 tỷ USD, kim ngạch XNK chiếm khoảng 23\% toàn quốc; đã có 10 mặt hàng có giá trị XK trên 1 tỷ USD và các mặt hàng có sự phát triển rất là tốt…
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT để tranh thủ thời cơ, tận dụng điểm mạnh, vượt qua thách thức, đẩy lùi nguy cơ, chúng ta cần nâng cao nhận thức về hội nhập và các FTA thế hệ mới, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật; các cơ quan quản lý nhà nước, DN và người nông dân phải nhận biết được cả cơ hội và thách thức rất cận kề để khai thác cơ hội và giảm thiểu tác động bất lợi tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2015.
Quá nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra
Tại diễn đàn xoay quanh chủ đề “Doanh nhân cùng Nông dân hội nhập”, trong phiên thảo luận, ông Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Matphavet kể một câu chuyện để thấy thực tế rằng chính sách quá cồng kềnh và chồng chéo ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Hạnh lấy ví dụ, doanh nghiệp sản xuất cà chua, sản phẩm của họ rất nhanh hỏng và có nhiều vitamin. Tuy nhiên, nếu muốn được xuất khẩu phải qua rất nhiều các thủ tục cấp phép, nếu làm không kịp, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Hay như công ty sản xuất thức ăn, hàm lượng sơ ảnh hưởng rất ít đến chất lượng cũng như sức khỏe con người, thế nhưng lại có rất nhiều đơn vị vào thanh, kiểm tra. Ông Hạnh cho biết, chỉ tính sơ sơ trên đầu ngón tay thì cũng có tới 5 đơn vị có quyền thanh tra, kiểm tra sản phẩm và lần nào cũng phải yêu cầu giám đốc doanh nghiệp có mặt để giải quyết. Vậy còn đâu thời gian để mà tính toán làm ăn nữa?
Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra không am hiểu lĩnh vực mà DN đầu tư, sản xuất |
Công nghệ thiếu và yếu, nhân sự chưa đủ tầm?
Điều mà ông Hạnh bức xúc nhất và cho rằng rất vô lý là ở chỗ, trong khi DN đầu tư cả một dây chuyền SX công nghệ đạt chuẩn quốc tế với kinh phí trên 300 tỷ đồng để SX ra sản phẩm, thì một số đơn vị được quyền thanh, kiểm tra lại không có bất cứ máy móc nào để kiểm tra.
“DN có cả một đội ngũ chuyên gia nước ngoài để tư vấn, sx các sản phẩm có chất lượng cao, không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn XK, thì nhiều cán bộ thanh, kiểm tra lại không có ngoại ngữ, không thể giao tiếp với người nước ngoài, và đặc biệt là không am hiểu về lĩnh vực mà DN đầu tư, sx. Thời gian thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề thường kéo dài, gây phiền phức cho DN. Bộ, ngành thanh, kiểm tra đã đành, dưới chi cục, trạm thú y cũng đi thanh, kiểm tra nữa. Phiền toái quá”, ông Hạnh kể....
Hay như việc DN có cả một đội ngũ chuyên gia nước ngoài để tư vấn, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, thì nhiều cán bộ thanh, kiểm tra lại không có ngoại ngữ, không thể giao tiếp với người nước ngoài, và đặc biệt là không am hiểu về lĩnh vực mà DN đầu tư, sản xuất. Thời gian thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề thường kéo dài, gây phiền phức cho DN.
Theo ông Hạnh, ngành chăn nuôi và thú ý gặp nhiều thách thức, khó khăn khi Việt Nam ký kết TPP. Tuy nhiên, chính quan niệm không đúng của người tiêu dùng Việt Nam đã gây khó khăn cho DN, khiến doanh nghiệp không thể phát triển và hội nhập được. Ông ví dụ: Con gà được nuôi tự nhiên, ăn rau (có thể có thuốc trừ sâu), hay ăn các thức ăn tự nhiên (không được kiểm soát) thì được cho là gà sạch; trong khi đó con gà nuôi công nghiệp, ăn cám công nghiệp có kiểm dịch rõ ràng thì lại cho rằng gà không sạch, lại không có giá trị bằng con gà nuôi tự nhiên. “Điều này là rất vô lý. Tôi cho rằng quan niệm về sạch, bẩn của người tiêu dùng Việt Nam đang có sự nhầm lẫn”. – ông Hạnh nói.
Ông Hạnh mong muốn, các cơ quan chức năng liên quan có thể ủng hộ DN bằng cách giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm thiểu các văn bản rắc rối, gây phiền hà cho DN. Đồng thời tuyên truyền để người tiêu dùng có thể nhận thức đúng về sản phẩm sạch, bẩn. Ông tin rằng, nếu làm được điều đó, các DN Việt Nam sẽ có đủ điều kiện cũng như tự tin để cạnh tranh, hội nhập.
Hiện một rào cản khá khó khăn với DN là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. DN rất muốn ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nông nghiệp nhưng lại gặp nhiều vấn đề về thủ tục, phải trải qua nhiều giai đoạn, chu trình mới có thể được ứng dụng và bán sản phẩm ra tại thị trường. “Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ có một cơ chế linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho DN ứng dụng những sáng chế khoa học vào trong nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ DN một cách tốt nhất trong việc kết nối giữa nhà sáng chế, doanh nghiệp và nông dân.” – Ông Đàm Quang Thắng – Giám đốc Cty TNHH Agricare nói.
Cần đầu tư mạnh hơn nữa vào nông nghiệp
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh rằng hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn rất nhiều. Thứ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp hãy đầu tư vào nông nghiệp và thực tế hiện đã có nhiều “đại gia” đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như HAGL, FLC, TH true milk,…
Về DN FDI, hiện mới chỉ có 512 DN (chiếm 3,1\%) đầu tư vào nông nghiệp. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các DN FDI đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp.
Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và XNK Ông cho biết, thực tế hàm lượng đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp chỉ có gần 2\% và so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn quá nhỏ nhoi. Cái thiếu của nền nông nghiệp Việt Nam chính là chất lượng sản phẩm chứ không phải là khối lượng sản phẩm, đó là chúng ta thiếu hàm lượng công nghệ, sinh học đầu tư cho nông nghiệp. Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thích đáng ưu tiên đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp để phát triển.
Thêm vào đó, những chính sách được ban hành do có độ trễ về chính sách nên giá trị thực tế khi ứng dụng vào bị hạn chế. Có nhiều lúc chính sách thực hiện thì đã qua mất tính thời điểm cần thực hiện. “Do đó, chúng ta cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính về chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp” – ông Lý nhấn mạnh.
Trung Nguyễn