Kym Việt được thành lập vào cuối tháng 12/2013, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công được làm chủ yếu từ vải: Các sản phẩm decor, quà tặng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng. Các dịch vụ gia tăng: dịch vụ giáo dục – trải nghiệm; dịch vụ đồ uống và ẩm thực; tổ chức sự kiện.
“Kym” trong từ “kim khâu”, “Việt” trong tên Tổ quốc – Việt Nam, Kym Việt là một cái tên bình dị mang trong mình những khát khao bình dị, không mang nhiều tầng ý nghĩa hoa mỹ, chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn mình từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới.
Những mục tiêu của Kym Việt bao gồm: Tạo việc làm cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng; Tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội; Đưa những câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt vào trong từng sản phẩm, góp phần truyền bá những giá trị truyền thống Việt đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Bài toán khó từ những ngày đầu
Anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt, đồng thời cũng là một người khuyết tật giàu nghị lực, cho biết đã xác định mục tiêu ban đầu là chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm giá trị. Ngoài mẫu mã đẹp, chất lượng hoàn thiện cao, mỗi sản phẩm của Kym Việt đều mang một thông điệp nhân văn, ý nghĩa để truyền tải đến cộng đồng.
Từ những ngày đầu khi còn là một start-up nhỏ, Kym Việt gặp không ít khó khăn và thách thức để có thể đưa sản phẩm ra thị trường và đến gần hơn với khách hàng.
Nâng cao hiệu quả tiếp thị, truyền thông trở thành công tác thiết yếu, khi mà thời kỳ đầu, các sản phẩm của Kym Việt chưa có độ nhân diện cao, còn ít người biết đến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong một số hội chợ.
Trong hai năm đầu tiên, các sản phẩm được Kym Việt làm ra nhưng nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ ở mức 200 triệu đồng. Vì vậy, các nhà sáng lập phải thay phiên nhau mang sản phẩm đến các hội chợ để bán.
Để giải quyết những khó khăn này, Ban Giám đốc Kym Việt đã đề ra hướng đi mới cho các sản phẩm của mình, thông qua việc mở rộng kênh phân phối và tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội. Bằng sức mạnh của Công nghệ 4.0 và chất lượng thực sự trong từng sản phẩm, công ty dần dần có được lượng khách ổn định và ngày càng có nhiều người biết đến.
“Nhiều khách hàng biết đến Kym Việt qua fanpage. Hiện Facebook một trong những kênh để tiếp cận khách hàng của chúng tôi dù ban đầu chúng tôi xây dựng fanpage không chỉ với mục đích bán hàng.
Đó là nơi để Kym Việt có thể đem đến cho cộng đồng những câu chuyện về văn hóa, về hành trình cuộc sống của những người khuyết tật đã tạo ra và thổi hồn vào từng sản phẩm,mang lại giá trị cho xã hội”, anh Phạm Việt Hoài chia sẻ.
Đáng chú ý, tại sự kiện SEA Games 31 vừa qua, đã thiết kế mẫu thú nhồi bông linh vật sao la với hình tượng chú sao la được nhân cách hoá vô cùng sinh động. Ngay từ đầu tháng 5, những người thợ khuyết tật của Công ty Kym Việt đã làm việc hết công suất để kịp cho ra mắt những chú sao la với độ tinh xảo đạt đến mức hoàn hảo.
Những chú sao la này đã và đang được bày bán trên thị trường và nhận được sự đón nhận tích cực từ du khách quốc tế cũng như khách hàng trong nước. Tuy những chú sao la này không phải linh vật chính thức nhưng đây là một sản phẩm đồng hành, được BTC SEA Games 31 cấp phép sản xuất với độc quyền thiết kế về mẫu.
Trước đó, Kym Việt đã được BTC SEA Games 31 đồng ý cho sử dụng hình ảnh, sản xuất thú nhồi bông linh vật sao la nhằm lan toả tinh thần vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.
Bệ đỡ thành công cho người lao động khuyết tật
Hệ thống nhân lực của Kym Việt là những người khuyết tật vận động, nên hơn ai hết họ là những người thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khao khát được làm việc, được cống hiến và làm chủ cuộc sống của người khuyết tật. Kymviet từ đó ra đời và là nơi tiếp nhận, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, tạo nên một môi trường đặc biệt phù hợp với người khuyết tật.
Là người khuyết tật, nên hơn ai hết anh Phạm Việt Hoài thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khao khát được làm việc, được cống hiến và làm chủ cuộc sống của người khuyết tật. Kym Việt từ đó ra đời và là nơi tiếp nhận, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, tạo nên một môi trường đặc biệt phù hợp với người khuyết tật.
Anh Hoài kể, thời điểm thành lập Kym Việt, thực tế anh đã có công việc kinh doanh khá ổn định, có mức thu nhập đủ để chăm lo cho bản thân và gia đình. Kym Việt ra đời, không phải với mong muốn kiếm tiền, làm giàu, mà theo ông Hoài, là mong muốn được “làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật”.
Nhà sáng lập Kym Việt chia sẻ, đã từng không dưới một lần, đang đi ngoài đường thì bị người ta “chặn lại” rồi dúi cho một ít tiền vì thấy “đi xe lăn”. “Trong suy nghĩ của nhiều người, họ mặc định khuyết tật, ngồi xe lăn tức phải nghèo, phải khổ, phải đáng thương. Họ thấy người khuyết tật đến gần là nghĩ, đến để xin tiền”, nhà sáng lập Kym Việt chia sẻ.
Anh kể thêm, có những người khuyết tật đến với Kym Việt trong tình trạng bị trầm cảm nặng, vì suốt bao nhiêu năm cuộc đời họ chỉ dành cho ăn, ngủ, nghỉ, mọi việc khác đều phụ thuộc vào gia đình.
Sau một thời gian tham gia làm việc và sinh hoạt tại xưởng may thú nhồi bông, các bạn ấy trở nên khỏe mạnh, phấn chấn, yêu đời và tự tin hơn vào bản thân. Nhờ vậy, nhiều người có con em đang làm việc tại Kym Việt đến bắt tay, cảm ơn ông Hoài vì “đã cứu sống một mạng người”.
Ở những trường hợp như vậy, anh Hoài cho biết “chỉ nhận là tạo công ăn việc làm chứ chẳng đến nỗi cứu mạng người”, vì bản thân những người khuyết tật luôn có giá trị riêng, có thể sống một cách lành mạnh, lao động hăng say, giao tiếp cộng đồng, cống hiến tích cực cho xã hội chứ không phải chỉ có nằm một chỗ, phụ thuộc vào người khác.
Bích Thảo
Ảnh: FBNV, kymviet.com.vn