+Aa-
    Zalo

    Đoàn tụ trực tuyến đặc biệt của gia đình các cô dâu Việt tại Hàn Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Họ là những cô dâu Việt đã xa cách gia đình hàng ngàn cây số để làm dâu xứ người.Cuộc hội ngộ bất ngờ của họ với gia đình ngay tại Hà Nội là điều may mắn.

    (ĐSPL)- Họ là những cô dâu Việt đã xa cách gia đình hàng ngàn cây số để làm dâu xứ người. Người ít 2 năm, người nhiều đã 10 năm chưa một lần có điều kiện về thăm gia đình. Thậm chí có những cô dâu Việt lấy chồng người Hàn ở các vùng xa xôi, hẻo lánh thì việc được nói chuyện với gia đình đã là điều khó khăn chứ chưa nói đến việc gặp gỡ trực tiếp. Chính vì vậy, cuộc hội ngộ bất ngờ của cô dâu Việt với gia đình ngay tại Hà Nội với nhiều gia đình là điều may mắn thật sự.

    8 năm trông chờ một cuộc gặp

    Vẫn chưa hết bất ngờ khi nhận được thông báo là mình sẽ được đoàn tụ gia đình ngay tại Hà Nội, chị Huỳnh Thị Hằng Em (36 tuổi) ở tỉnh Jeonam, quận Shinnam, huyện Imja, Hàn Quốc chia sẻ: “Tám năm rồi, tôi chỉ được nghe tiếng bố, mẹ anh chị em qua chiếc điện thoại. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì nghĩ đến giờ phút được gặp người thân. Thực sự, tôi là người vô cùng may mắn trong số hàng ngàn phụ nữ Việt đang làm dâu tại Hàn Quốc. Kỷ niệm đẹp đẽ và quý giá này sẽ làm cho cuộc sống của tôi thêm hạnh phúc kể cả khi tôi trở về Hàn Quốc”.

    Gia đình chị Thắm qua màn hình trực tuyến. Ảnh : Đ.Thơm.

    Sinh ra trong một gia đình có tới 6 anh chị em ở vùng nông thôn (Thốt Nốt, TP.Cần Thơ). Giống như bao người phụ nữ cùng quê, chị Huỳnh Em lấy chồng Hàn Quốc qua việc môi giới. Anh Huỳnh Thanh Hồng, em trai chị Huỳnh Em, một trong 5 thành viên từ Cần Thơ ra Hà Nội đón chị Huỳnh Em thực sự vui sướng và bất ngờ về cuộc đoàn tụ này. Thi thoảng Huỳnh Em có gọi điện về nhà còn gia đình anh Hồng hiếm khi gọi điện sang vì kinh tế không lấy gì làm khá giả.

    “8 năm trời, gia đình tôi mới được gặp người thân trực tiếp. Thấy chị gái khoẻ mạnh, hai đứa cháu kháu khỉnh, đó là niềm vui khôn tả với gia đình”, anh Hồng tâm sự. Cuộc đoàn tụ bất ngờ này khiến ngôi nhà của chị trở nên đông người. Có lẽ hàng nghìn gia đình khác đều mong mỏi điều bất ngờ này giống gia đình anh Hồng.

    Theo tìm hiểu của PV, chị Huỳnh Em là trường hợp may mắn được chọn ra từ 41 gia đình tham gia tuần lễ đoàn tụ trực tuyến này. Gia đình chị ở Hàn Quốc làm nông nghiệp, kinh tế còn nhiều khó khăn. Toàn bộ số tiền kinh phí 7.000 USD cho gia đình 4 người gồm chị Huỳnh Em, chồng và hai người con đều được chương trình đài thọ hoàn toàn. Cả gia đình Huỳnh Em sẽ có 15 ngày đoàn viên tại Cần Thơ trước khi quay trở về Hàn Quốc.

    Theo số liệu thống kê, hiện tại có khoảng hơn 50.000 phụ nữ Việt kết hôn với chồng người Hàn Quốc. Ở đâu đó, thi thoảng dư luận Việt Nam và Hàn Quốc không khỏi bàng hoàng, tức giận trước các vụ bạo lực với cô dâu Việt tại Hàn thì những câu chuyện, những buổi gặp gỡ giao lưu như trên thực sự là nhịp cầu gắn kết, chia sẻ để tăng cường sự hiểu biết của các gia đình Việt Nam và Hàn Quốc.

    Sẽ còn thêm nhiều cuộc đoàn tụ   

    Không giấu được sự hồ hởi, mong mỏi trước giờ vào căn phòng trực tuyến để gặp gia đình con gái, con rể ở Hàn Quốc, ông Phạm Văn Thức (Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Năm năm, từ ngày con gái tôi lấy chồng và sang sinh sống tại Hàn. Cháu chưa từng được về thăm gia đình. Đến nay, tôi đã có hai cháu ngoại nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể nghe thấy tiếng chúng qua những cuộc điện thoại của con gái và những hình ảnh rời rạc của máy tính mà chưa một lần được trông thấy gia đình con đầy đủ. Vợ tôi cũng đã sang chăm sóc hai cháu ngoại từ tháng 2/2015. Nhìn mọi người vui vẻ qua màn hình, cả gia đình tôi đều vui mừng vì ít ra con mình may mắn hơn rất nhiều cô dâu Việt đang bươn chải, vất vả ở xứ người”.

    Chị Phạm Thị Thắm (27 tuổi), con ông Thức lập gia đình cùng một chú rể người Hàn Quốc từ đầu năm 2011. Qua sự mai mối, giới thiệu của một người chị sinh sống tại Hàn, chị Thắm  trở thành cô dâu Việt ở xứ sở Kim Chi như nhiều người phụ nữ Quảng Ninh quê chị. Xuất hiện trên màn hình trực tuyến, chị Thắm không giấu được niềm vui khi mà cả gia đình chị gồm ông nội, bà ngoại, bố, bác, em trai cùng về Hà Nội để tham gia vào sự kiện “Tuần lễ đoàn tụ trực tuyến” tại Hà Nội lần thứ tư.

    May mắn hơn hàng nghìn người phụ nữ khác, chị Thắm đã có sẵn “căn cứ địa” tại Hàn Quốc khi mà nhiều người chị, em của chị cũng đã lập gia đình tại đây. Lợi thế đó phần nào giúp chị hoà nhập nhanh hơn với cuộc sống bản địa. Cụ Phạm Văn Diệm (82 tuổi), ông nội chị Thắm dù đã cao tuổi nhưng vẫn rất hăm hở đến với chương trình để có thể trò chuyện và nhìn thấy tận mắt cháu rể và hai đứa chắt ngoại của mình.

    Cụ Diệm vui vẻ cho biết, cụ có tới 4 đứa cháu gái lấy chồng ở Hàn Quốc và theo chia sẻ của các cháu thì cuộc sống của gia đình chúng đều tốt đẹp. “Không biết liệu tôi có thể sống bao lâu nữa nhưng tôi mong có thể gặp gia đình các cháu ở tại Việt Nam ngay trên chính quê hương của mình. Cả gia đình tôi đều nhắn nhủ chúng là cố gắng thu xếp để có thể về Việt Nam vào cuối năm nay. Đó là điều cả gia đình tôi mong mỏi”, cụ Diệm tâm sự.

    Ông Choi Jang Bok, Trưởng đoàn tổ chức từ thiện toàn cầu của Tổ chức liên hợp các công đoàn thuộc doanh nghiệp Hàn Quốc (UCC) đồng thời là Trưởng phòng tổ chức của liên đoàn lao động Tập đoàn viễn thông Korea Telecom (KT) đơn vị tổ chức hoạt động này chia sẻ: “Hoạt động gặp gỡ qua truyền hình là chương trình nhằm giúp đỡ các cô dâu thuộc gia đình đa văn hoá Việt Hàn với số lượng đang ngày càng tăng lên có cuộc sống hôn nhân ổn định và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Đồng thời, trong tương lai, tổ chức UCC sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để làm cầu nối giúp cho mối quan hệ hợp tác của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”.

    Ông Choi Jang Bok, Trưởng đoàn tổ chức từ thiện toàn cầu của UCC đồng thời là Trưởng phòng tổ chức của liên đoàn lao động Tập đoàn KT.

    Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến cho các gia đình, các gia đình còn được khám bệnh, phát thuốc miễn phí bởi các bác sỹ bệnh viện trường đại học Seoul. Ngoài ra, đơn vị tổ chức còn đến thăm hỏi tặng quà, sửa chữa nhà cho các gia đình cô dâu Việt tại Việt Nam. Hoạt động sẽ được tổ chức thường niên mỗi năm một lần.          

    Hỗ trợ cô dâu Việt vượt qua rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa

    Ông Choi Jang Bok, thẳng thắn cho rằng: “Theo tìm hiểu, nhận định của cá nhân ông thì vấn đề hạn chế mà hầu hết các cô dâu Việt lấy chồng ở Hàn Quốc gặp phải là ngôn ngữ và văn hoá. Tại Việt Nam, ở các khu vực đều có các trung tâm văn hoá hỗ trợ trước khi kết hôn. Bản thân các cô gái phải chủ động học hỏi, nhanh chóng thích ứng”.

    Trả lời câu hỏi của PV báo ĐS&PL rằng ngoài các hoạt động thực hiện tại Việt Nam, đơn vị tổ chức có sự hoạt động nào tại chính Hàn Quốc để hỗ trợ các cô dâu Việt, đặc biệt là các cô dâu bị bạo lực. Ông Bok cho biết: “Chúng tôi liên hệ với các tổ chức, chính quyền địa phương để giúp đỡ trực tiếp các cô dâu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu họ đến với các trung tâm dạy tiếng, văn hoá Hàn Quốc để có thể giải quyết các vấn đề của họ trong các gia đình đa văn hoá”.

    Đỗ Thơm

     Xem thêm video:

    [mecloud]PD6awlPZqq[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doan-tu-truc-tuyen-dac-biet-cua-gia-dinh-cac-co-dau-viet-tai-han-quoc-a103726.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.