Làn sóng nhập tịch đang lan tràn, bao trùm toàn bộ các môn ở SEA Games 28. Duy chỉ có đoàn Việt Nam là không dùng một vận động viên nhập tịch nào trong số 392 vận động viên đã, đang và sẽ tới Singapore những ngày đầu tháng 6 này.
Đội bơi của Philippines có vận động viên đến từ Mỹ. Tương tự điền kinh của Singapore. Bida của họ có cả người Anh từng là số 1 thế giới, Judo thì có những vận động viên gốc từ Nhật Bản.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Hữu An, Trưởng bộ môn Judo, Tổng cục thể dục thể thao cho biết: “Sau tấm huy chương vàng của Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo), đến sáng nay tôi vẫn lâng lâng sung sướng. Vì SEA Games 28 không có các hạng cân là thế mạnh của Việt Nam, không có Huỳnh Nhất Thống, Hồ Ngân Giang, Văn Ngọc Tú nhưng lại có nhân tố mới là Nguyễn Thị Thanh Thủy lần đầu tham dự SEA Games đã vượt qua Lina Sayarath 3 lần vô địch SEA Games liên tiếp 2009, 2011, 2013. Dù vậy, tương lai của Judo Việt Nam sẽ rất gian nan bởi đã có rất nhiều vận động viên Nhật Bản được “nhập khẩu” vào Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines".
Đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Không chỉ những quốc gia giàu có ở khu vực mới sử dụng vận động viên nhập tịch. Myanmar, Campuchia cũng sử dụng vận động viên nhập tịch ở SEA Games này. Chạy marathon cho Campuchia là Kuniaki Takizaki, người Nhật nhập tịch khá nổi tiếng vì hai tài năng, một là chạy và hai là tấu hài.
Ông Nguyễn Hữu An đã tự đặt ra câu hỏi: “Đã đến lúc chúng ta cũng phải thay đổi để hội nhập chăng?”. Còn bà Nguyễn Kim Lan (huấn luyện viên môn Thể dục dụng cụ) gián tiếp bày tỏ quan điểm bằng cách đặt ra vấn đề rằng: “Năm nay Thể dục dụng cụ sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hầu như các nước đều nhập tịch rất nhiều vận động viên Trung Quốc. Nổi bật là Singapore, Philippines và Malaysia. Ngay tại giải Cúp thế giới vừa qua, nhiều gương mặt đã lộ diện. Việc tái lập thành tích 11 huy chương vàng như cách đây 4 năm (2011) là vô cùng khó khăn."
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu An cho rằng: “Việt Nam không cần phải nhập tịch một vận động viên nào đó như Nhật Bản mà chỉ cần là Việt kiều thôi. Việt kiều ta ở nước ngoài rất nhiều, hoàn toàn có khả năng đem vinh quang về cho tổ quốc.”
Lý giải cho việc không nên nhập tịch, ông Nguyễn Hữu An tâm sự: “Thật khó chấp nhận thực tế là một vận động viên lại không thể hát quốc ca khi đứng trên bục nhận huy chương. Hình ảnh vận động viên Judo hạng 73kg người Thái Lan phải cần mẹ phiên dịch khi trả lời phỏng vấn làm tôi không cảm thấy tự hào chút nào (nếu tôi là một người Thái)”.
[mecloud]hlOyJdYb2G[/mecloud]
Theo Vietnamplus