Hoạt động của Oyo Hotels & Homes trên toàn cầu đang hoàn toàn tê liệt đang đẩy tỷ phú Nhật Masayoshi Son vào “thảm họa WeWork thứ hai”.
Theo Bloomberg, ngày 13/4 SoftBank cho biết, lỗ đầu tư của quỹ Vision Fund trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3 lên đến 1.800 tỷ yen, tương đương 16,6 tỷ USD. Riêng trong 2 quý liên tiếp vừa qua, Vision Fund lỗ 11 tỷ USD.
Như vậy, tổng tài sản của Vision Fund – trước đây là 100 tỷ USD – sẽ hao hụt đáng kể. Ngoài ra, SoftBank cũng lỗ 800 tỷ yen – tương đương 7,4 tỷ USD – với những khoản đầu tư bên ngoài Vision Fund, bao gồm đầu tư vào WeWork và OneWeb.
Tỷ phú “liều ăn nhiều” Masayoshi Son. Ảnh: Bloomberg |
Giới phân tích cho biết sau “cú lừa WeWork”, SoftBank đang đối mặt với một thảm họa đầu tư tương tự. Đó là chuỗi khách sạn Oyo Hotels & Homes của nhà sáng lập Ritesh Agarwal.
Chỉ mới 9 tháng trước, tỷ phú Son tự tin mô tả Ritesh Agarwal là một trong những doanh nhân “ngôi sao” được SoftBank chống lưng. Ông khoe rằng Oyo Hotels & Homes sẽ vượt mặt các chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới chỉ sau vài năm thành lập.
“Không thể tưởng tượng nổi. Ở tuổi 25, Ritesh Agarwal sắp trở thành vua khách sạn lớn nhất hành tinh”, ông Son nói trong một cuộc họp của SoftBank ở Tokyo.
Tuy nhiên, hoạt động của Oyo Hotels & Homes trên toàn cầu đang hoàn toàn tê liệt, hàng nghìn nhân viên bị giãn việc khi chuỗi khách sạn chật vật duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã khiến ngành du lịch toàn cầu đình trệ, các phòng khách sạn trống rỗng, thua lỗ ngày càng chồng chất.
Hoạt động của Oyo Hotels & Homes trên toàn cầu đang hoàn toàn tê liệt đang đẩy tỷ phú Nhật Masayoshi Son vào “thảm họa WeWork thứ hai”. Ảnh: Moneycontrol |
Oyo có nguy cơ trở thành một thảm họa startup đối với SoftBank và tỷ phú Son sau “quả lừa” WeWork. Năm ngoái, Oyo được định giá tới 10 tỷ USD, SoftBank kỳ vọng thắng đậm khi giá trị vốn hóa của Oyo tăng vọt. Thế nhưng hiện giờ, SoftBank lại đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì khoản đầu tư này.
Son hiện đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư giữ niềm tin vào tập đoàn mặc dù có một khoảng cách lớn giữa vốn hóa thị trường và giá trị cổ phần mà họ nắm giữ tại Alibaba và các công ty khác.
Tháng trước, Son đã đưa ra kế hoạch với việc SoftBank bán 41 tỷ USD tài sản để trả nợ và mua lại cổ phiếu để cải thiện giá trị của công ty. Giám đốc tài chính của SoftBank Yoshimitsu Goto nói với Nikkei Asian Review tuần trước rằng tập đoàn sẽ bám sát kế hoạch của mình mặc dù các hướng đi hiện đang bị nhiễu loạn bởi đại dịch Covid19.
Được biết, sau bê bối WeWork, tỷ phú Son đã thề sẽ không bao giờ giải cứu bất kỳ startup nào nữa, nhưng những lo ngại của giới đầu tư kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu của SoftBank. Tình hình của Oyo rất phức tạp vì có dính líu tới lợi ích tài chính cá nhân của ông Son (với tư cách người bảo lãnh khoản vay).
Hội đồng quản trị của SoftBank có thể sẽ phải can thiệp nếu SoftBank quyết định giải cứu Oyo.
“Việc cho hàng nghìn nhân viên nghỉ phép vô thời hạn cho thấy Oyo đang gặp vấn đề lớn về thu nhập và dòng tiền”, CEO Daisuke Seki của IB Research & Consulting bình luận.
Oyo là ví dụ điển hình cho thấy hậu quả đến từ chủ chương “đầu tư thần tốc” của tỷ phú Son. CEO SoftBank luôn đổ số tiền cực lớn để buộc startup tăng trưởng nhanh chóng. Có quá nhiều tiền trong tay, hàng loạt startup tiêu pha ồ ạt để mở rộng, thay vì tuân thủ kỷ luật kinh doanh, để rồi trả giá.
Được biết, tỷ phú Son trở thành "ông trùm" ngành viễn thông tại Nhật Bản và là doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất nước này. Cho đến nay, SoftBank là công ty phải trả phí nhiều nhất cho các dịch vụ của ngân hàng đầu tư.
Ở một quốc gia mà các nhà cho vay gặp nhiều khó khăn với lãi suất gần như bằng 0 và nhu cầu tín dụng hầu như không có, thì có rất ít công ty có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành tài chính. Tuy nhiên, một SoftBank mà các ngân hàng làm việc cùng trong suốt 2 thập kỷ là một tập đoàn tập trung kinh doanh mảng viễn thông và có doanh thu ổn định. Còn hiện tại, đây lại là một công ty có những thương vụ đầu tư mạo hiểm rất lớn, họ chấp nhận rủi ro chưa từng có, khiến khả năng tài chính thực sự khó dự đoán.
Những "cú vấp ngã" diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến quan điểm của các ngân hàng đối với mô hình mới của Son bị lung lay.
Vũ Đậu(T/h)