+Aa-
    Zalo

    Đổ rác là cả một nghệ thuật tại Hàn Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Giống như nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có một hệ thống xử lý rác rất khoa học và tiên tiến, đồng thời ý thức đổ rác của người dân cũng vô cùng cao.

    (ĐSPL) – Giống như nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có một hệ thống xử lý rác rất khoa học và tiên tiến, đồng thời ý thức đổ rác của người dân cũng vô cùng cao.

    [mecloud]ydbvH24jnA[/mecloud]

    Theo Tri Thức Trực Tuyến, nếu quy trình phân loại rác chặt chẽ và độ sạch “như lau như li” của đất nước Nhật Bản có thể làm bạn phải xấu hổ, thì quy định về việc… vứt rác của Hàn Quốc cũng sẽ khiến bạn phải “quỳ gối xin hàng” đấy.

    Là một đất nước nhỏ, Hàn Quốc không có nhiều diện tích đất để chôn rác thải. Chính vì vậy mà đất nước này rất chú ý đến việc phân loại và tái chế rác hàng ngày. Cũng giống như Nhật Bản, trên đường phố Hàn Quốc, những thùng rác công cộng xuất hiện không nhiều.

    Hệ thống xử lý rác tại Hàn Quốc rất tiến bộ.

    Theo Trí Thức Trẻ, hệ thống xử lý rác của Hàn Quốc được gọi là Jongnyanje, có nhiệm vụ phân loại tất cả các loại rác thải một cách rõ ràng, tiện cho việc xử lý nhất. Jongnyanje được sinh ra với mục đích biến quy trình xử lý rác thải của Hàn Quốc trở nên thân thiện với môi trường và tăng cường ý thức của người dân. Mới đầu khi bạn mới làm quen với hệ thống này, mọi thứ sẽ khá rối rắm do có quá nhiều hạng mục rác và quy tắc vứt rác để người dân phải tuân theo.

    Nhưng nói chung, có một số luật nhất định cho việc vứt bỏ rác thải mà bạn nên lưu ý, nếu không muốn tự dưng một ngày đẹp trời bạn bị tổ dân phố, hay ban quản lý tòa nhà gõ cửa "mời" đóng tiền vì đổ rác bừa bãi.

    1. Phải phân loại rác

    Dấu hiệu nhận biết loại rác có thể tái chế.

    Chính phủ Hàn Quốc rất khắt khe với vấn đề phân loại rác tái chế. Rác ở Hàn Quốc được chia theo từng hạng mục nhỏ: rác thông thường, rác thức ăn, rác tái chế, các loại vật dụng cỡ lớn bị bỏ..., hạng mục nào ra hạng mục ấy rất rõ ràng.

    Ví dụ, bạn sử dụng xong một chai nước và chuẩn bị vứt vỏ chai, hãy nhớ trong đầu rằng thứ bạn đang cầm trên tay kia là loại rác tái chế chứ không phải rác thực phẩm hay rác thông thường.

    Một hai lần vứt sai lẫn, người dọn vệ sinh sẽ thông cảm cho bạn. Nhưng nếu chuyện này tái diễn nhiều lần, người ta sẽ "dỗi" không đổ rác cho bạn nữa, thậm chí còn báo cáo địa phương để phạt bạn.

    2. Đồ ăn thừa phải gói lại riêng

    Đây là một trong những điểm khiến hệ thống xử lý rác thải tại Hàn Quốc trở nên đặc biệt thân thiện với môi trường. Đối với các loại rác thực phẩm có thể phân hủy sinh học tự nhiên, người ta sẽ gói lại riêng rồi mới đem đi vứt. Phần thức ăn thừa này nếu còn sử dụng tốt sẽ được chuyển đến trang trại cho gia súc ăn, vừa đỡ phí lại giúp giảm thiểu hàng nghìn tấn rác mỗi ngày.

    Đồ ăn thừa phải được gói lại riêng.

    Chỉ có một điều khiến người ta không thích quy định phân rác này, đó là đồ ăn thừa để lâu bốc mùi rất gớm. Thế nhưng chịu đựng một chút mùi mà Trái Đất được bảo vệ thì cũng đáng chứ. Hoặc bạn có thể gói kỹ lại rồi đem tống vào tủ đông lạnh, khi nào đến giờ đổ rác mới vứt, vậy là bớt mùi rồi.

    3. Bạn phải mua túi ni-lông của công ty môi trường mới được đổ rác

    Thay vì trích thuế quốc gia để trả công cho nhân viên môi trường, ở Hàn Quốc người ta thu phí dịch vụ bằng cách bán túi ni-lông đựng rác. Có nhiều loại túi khác nhau cho từng loại rác thải riêng biệt để công đoạn thu gom rác trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn.

    Thông thường các nhân viên vệ sinh sẽ không thu gom rác nhà bạn nếu không được gói trong các túi bóng đặc biệt mà công ty môi trường cung cấp. Điều này cũng có cái lợi, nhà nào xả rác nhiều thì phải mua nhiều túi, mất nhiều tiền hơn, vì vậy họ sẽ phải cân đối lại cách sử dụng và rác nhà mình thải ra nếu không muốn tiền mua túi đựng rác còn nhiều hơn cả tiền ăn!

    Mỗi địa phương có một loại túi rác khác nhau.

    Có một điểm hay nữa ở hệ thống túi đựng rác này, đó là mỗi địa phương sẽ có các loại túi bóng khác nhau. Ví dụ như bạn từ quận Bình Thạnh mà xuống Quận 7 ở, thì túi bạn phải mua ở Quận 7 mà đổ rác, túi Bình Thạnh đem đi mà đội mưa hay bọc giầy bọc dép là vừa.

    4. Đi ăn tại nhà hàng cũng phải phân loại rác

    Thùng rác ở nhà hàng cũng có phân chia rõ ràng.

    Không phải chỉ khi vứt rác ở nhà bạn mới phải phân loại rõ ràng rác đâu, đi ăn ở các quán cafe, nhà hàng bạn cũng phải làm điều tương tự. Các nhà hàng đều có thùng riêng cho từng loại rác thải, hãy tự giác giải quyết mớ hỗn độn của chính mình. 

    5. Đổ rác cũng phải có trách nhiệm

    Rác trước khi được vứt còn phải qua công đoạn "sơ chế" mới được yên ổn vào túi bóng. Các loại chai lọ khi vứt đi không phải được tháo nắp từ trước để ngăn nguy cơ cháy nổ, hộp giấy phải được đè bẹp hoặc kéo phẳng cho ngay ngắn, pin, đồ điện tử, thuốc hết hạn sử dụng cũng nên được cho vào hộp giấy riêng. Tất cả nhằm mục đích an toàn tối đa trong quá trình xử lý rác thải.

    6. Muốn vứt đồ đạc kích cỡ lớn phải mất phí

    Những vật dụng như đồ nội thất, đồ dùng thiết bị điện, nói chung những thứ không đựng vừa túi ni-lông sẽ phải áp dụng cách thải bỏ riêng. Hàn Quốc sử dụng các loại tem có mệnh giá từ 2000- 15000 Won để trả phí cho việc xử lý rác cồng kềnh như thế này và người dân có thể mua trên mạng hoặc liên hệ qua ban quản lý địa phương.

    Các vật dụng kích cỡ lớn khi thải ra phải dán tem đặc biệt.

    Loại tem 2.000 Won (khoảng 38.000 VND) áp dụng với các loại vật dụng nhỏ như ghế, tủ bé, máy hút bụi, TV, lò vi sóng... Với các loại vật dụng lớn hơn như tủ lạnh, điều hòa, bạn sẽ phải mua loại tem 8.000 Won (155.000 VND). Còn đối với những thứ to kềnh càng như đàn piano, giường tủ, mức phí sẽ là 15.000 Won (290.000 VND).

    Tuy nhiên nếu vật dụng còn mới hoặc vẫn còn sử dụng tốt, bạn nên quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương để có thể đến tay những người nghèo có nhu cầu sử dụng. Cũng chính từ hình thức này, nạn trộm cắp ở Hàn Quốc giảm xuống đáng kể.

    7. Đổ rác cũng có thời gian biểu

    Mỗi địa phương sẽ có một khung giờ để người dân được phép vứt rác và sau đó công nhân môi trường sẽ thu gom chúng. Nếu bạn thích "nhờn" với chính quyền, một mình một kiểu, ngang nhiên vứt rác trong thời gian không được phép, hãy chuẩn bị sẵn 300.000 Won (khoảng gần 6 triệu VND) tiền phạt nhé.

    GIA BẢO(Tổng hợp)

    Video tin tức được xem nhiều:

    [mecloud]SBYfNKqmnq[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-rac-la-ca-mot-nghe-thuat-tai-han-quoc-a116196.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.