(ĐSPL) - Trong khi có nhiều bến xe khách đang trong tình trạng “chết yểu” thì lại "mọc" thêm bến xe khác được đầu tư xây mới với hàng chục tỷ đồng và đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động. Đó là thực trạng đang xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo thông tin phản ánh được biết, các bến xe khách tại thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc và huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đều đang rơi vào tình cảnh sống dở, chết dở khi việc hoạt động kinh doanh, quản lý kém hiệu quả, không có bóng người qua lại.
Các bến xe khách này đều được đầu tư xây dựng với vốn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Khi mới đưa vào hoạt động việc kinh doanh khá tốt, thế nhưng do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên các bến xe này đã trở nên rất vắng vẻ, xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục như nhà vệ sinh, phòng y tế dự định để phục vụ nhân viên và khách hàng bị bỏ hoang...
Bến xe Hồng Lĩnh vắng xe qua lại. |
Bến xe Hồng Lĩnh, đóng tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh có diện tích khu đất rộng 15.000m2 được xây dựng vào năm 2010 và đi vào hoạt động vào cuối năm 2011. Công trình có vốn kinh phí hơn 8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, được xây dựng khang trang, sân bãi rộng rãi và được kì vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh với hàng trăm xe khách vào mỗi năm. Thế nhưng sự vắng vẻ, đìu hiu của bến xe khách trái ngược hoàn toàn với dự tính và hy vọng ban đầu.
Chị B.T.H., nhân viên trực tại bến xe cho hay: “Hàng ngày, chúng tôi phải dậy từ 5h sáng, có khi sớm hơn và trực cho tới 11h trưa, chiều có người thay phiên nhau trực, tối cũng có người trực đêm. Trước đó, chúng tôi đều làm việc theo giờ hành chính, nhưng vài năm trở lại đây rất ít người ra vào, có khi cả tuần không có xe nào vào đậu trong bến nên việc trực có hơi chểnh mảng. Nói là trực phòng vé thế thôi chứ công việc của chúng tôi cũng chỉ là dọn dẹp, pha nước. Cả ngày ngồi không, không có việc gì làm chúng tôi cũng chán lắm”.
“Sắp tới bến xe sẽ thực hiện cổ phần hóa, bàn giao lại cho công ty tư nhân quản lý nên ban quản lý ở bến cũng sắp giải thể. Nhân viên chúng tôi có khoảng 50 người, bây giờ thực hiện theo cổ phần hóa, không biết bên tư nhân họ nhận được bao nhiêu người, số còn lại chúng tôi sẽ không có công ăn việc làm.
Từ khi nghe tin trên, cùng với việc không có khách nên hàng ngày cũng chỉ có 1, 2 người ở lại bến, còn lại ai có công việc riêng gì đều đi hết. Việc quản lý lỏng lẻo nên bố trí, sắp xếp lịch làm việc cũng chỉ tạm bợ”, chị H. thở dài khi không biết tương lai rồi sẽ thế nào.
Phòng vé tại bến xe Hồng Lĩnh không thấy bóng dáng người trực. |
Trao đổi vấn đề vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tứ, Trưởng ban quản lý bến xe Hồng Lĩnh chia sẻ: “Lúc đi vào hoạt động chúng tôi làm rất tốt và hiệu quả, phục vụ khách nhiệt tình, chu đáo nhưng đến nay chỉ vì hoạt động xe bus trên địa bàn đang cổ phần hóa nên các bến xe khách cũng đi theo hướng xã hội hóa như thế. Hiện tại, bến cũng chỉ quản lý được 6 xe đi Hà Nội và Đắk Lắk. Ngày nhiều nhất cũng chỉ có 2, 3 xe vào, có ngày không có lượt nào. Với thực trạng như vậy nhân viên ai cũng buồn vì không có khách đồng nghĩa với việc đồng lương ngày càng eo hẹp, tiền thưởng ngày lễ, tết, dịp cuối năm cũng không có, nhiều nhân viên ở độ tuổi 40-45 chắc phải về hưu non”.
“Đáng lẽ nếu thực hiện cổ phần hóa thì bên công ty tư nhân cũng phải trao đổi, bàn bạc cùng chúng tôi để tổ chức hệ thống quản lý phù hợp”, ông Tứ bức xúc cho biết thêm.
Cũng theo ông Tứ: "Ngoài việc đang đi theo hướng cổ phần hóa, bàn giao cho tư nhân quản lý thì nguyên nhân gây nên tình trạng vắng khách là do các xe khách chạy trên địa bàn Hà Tĩnh đều đón và trả khách dọc đường. Ngay cả các xe chạy Bắc - Nam người dân cũng mua vé qua điện thoại, được phục vụ đưa đón tận nhà rất thuận tiện. Bên cạnh đó, phía đối diện bến xe vừa xây dựng trạm cân, khi vào bến xe các xe phải làm thủ tục kiểm tra giấy tờ rườm rà, phức tạp nên họ không muốn vào".
“Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và công an nên tập trung các điểm bán vé xe tại bến, ngăn không cho đón khách dọc đường dẫn tới tình trạng lộn xộn, mất trật tự, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn chưa có phản hồi tích cực”, ông Tứ phàn nàn.
Trạm dừng bến xe Can Lộc còn xây dựng cả cây xăng phục vụ xe khách qua lại nhưng cũng trong cảnh đìu hiu. |
Không chỉ ở bến xe Hồng Lĩnh mà ngay cả bến xe Can Lộc cũng xảy ra tình trạng tương tự. Được biết, bến xe này được đầu tư xây dựng vào năm 2008 với diện tích 11.000m2 và còn được xây dựng thêm trạm xăng dầu để phục vụ cho xe khách qua lại. Tuy nhiên, khu vực trạm xăng vẫn có chỗ còn chưa lát xi măng, mỗi khi trời mưa thì trở nên lầy lội, cả một vũng nước đọng lại.
Do mấy năm nay khách thưa thớt nên bến xe Can Lộc đã cho nhà xe du lịch Văn Minh thuê lại. Các quán hàng nước xin bán tại bến xe thấy không có khách cũng đều dẹp hết vì có ngồi cả ngày cũng không kiếm được đồng nào.
Khi được hỏi vậy bây giờ các nhân viên tại bến được phân công, bố trí việc làm như thế nào và những vướng mắc tại bến xe sẽ được xử lý ra sao thì ông Trần Văn Tuyển, Trưởng bến xe Can Lộc chỉ ậm ờ và không có ý trả lời.
Trong khi các bến xe huyện hoạt động không hiệu quả thì ở một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục cho xây bến mới.
Thông tin cho hay, bến xe cũ ở Cẩm Xuyên hiện nay đã tạm dừng hoạt động để chờ chuyển sang bến xe mới được xây dựng vào năm 2014 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì cho đến nay bến xe này vẫn chưa đi vào hoạt động trong khi sắp tới việc quản lý sẽ chuyển sang cho Công ty Cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh. Hơn một năm nay bến xe này bị bỏ hoang, cỏ hoang mọc ngay trước sân phòng vé và không có bất kì ai dù là người trực bến.
Một nhân viên trực tại bến xe Cẩm Xuyên cũ cho hay: “Chúng tôi chỉ biết trên Sở đang trong quá trình chuyển giao, cổ phần hóa. Hiện, bến xe mới đang xây dựng gần xong nhưng không có ai ở đó. Chúng tôi là nhân viên, trên sắp xếp thế nào thì làm việc như vậy, còn lại chúng tôi không biết gì hết”. Sau đó, người này đóng cửa lại không có ý muốn trả lời thêm.
Bến xe Cẩm Xuyên mới xây khang trang nhưng 1 năm nay vẫn để không. |
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban quản lý bến xe Hà Tĩnh cho biết: “Bây giờ cũng không nên bận tâm việc hoạt động có lời lãi hay không vì cái đó thuộc tính toán kết cấu hạ tầng giao thông, đường xá, các khu đô thị phải có nơi tập kết xe để đảm bảo an toàn. Còn việc người dân có chấp hành vào bến để đi xe hay không đó là thuộc về quản lý Nhà nước. Bây giờ nếu có nhà đầu tư vào đầu tư, cổ phần hóa theo chính sách của Nhà nước tiếp quản được thì làm thôi. Các nhà đầu tư bây giờ vào đầu tư dù hiệu quả hay không thì Nhà nước cũng sẽ bỏ ngân sách ra để phục vụ dân”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Quốc Anh, Chánh văn phòng Sở GTVT cho hay: “Các bến xe trên địa bàn Hà Tĩnh đang thực hiện chuyển giao cho Công ty Cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh, việc tổ chức quản lý sẽ do tư nhân quản lý, còn bên Sở và Nhà nước chỉ thực hiện, giám sát, thanh tra hoạt động của các bến xe này sau khi đã cổ phần hóa.
Dù việc các bến xe có hoạt động kinh doanh không hiệu quả thì tại mỗi địa điểm trên địa bàn đều cần phải có các bến xe thì mới có thể phát triển được đường xá, cơ sở hạ tầng, điểm xe tập kết để phục vụ dân. Còn bến xe không có nguồn thu thì hàng năm Nhà nước cũng bỏ ngân sách ra bù cả để có thể phục vụ việc đi lại, vận chuyển của người dân”.
Ông Lê Quốc Anh cũng cho biết thêm: “Vừa qua, tại bến xe thành phố có 17 người thì bên Công ty Cổ phần ô tô Hà Tĩnh đã nhận 11 nhân viên vào làm việc sau khi tiếp quản các bến xe này. Tại các địa điểm khác như Can Lộc, Cẩm Xuyên... sắp tới cũng sẽ đầu tư kinh phí và sắp xếp lại nhân sự làm việc”.
Phượng Hoàng
[mecloud]iKNQakzdJB[/mecloud]