(ĐSPL) – Thời điểm gần Tết tình trạng quá tải ít khi xảy ra, tuy nhiên những bệnh nhân vào viện thường là những trường hợp bệnh nặng như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc hay tai nạn giao thông.
Trong khi ở khắp các nẻo đường, góc phố người dân nô nức sắm Tết thì tại bệnh viện không khí Tết trở nên trầm lắng hơn bởi những dịp này số người vào viện khám, cấp cứu vẫn tiếp tục tăng vì thế đội ngũ y bác sỹ tại bệnh viện vẫn phải miệt mài làm việc cho đến ngày cuối cùng của năm. Ở bệnh viện Bạch Mai không khí những ngày cuối năm cũng khẩn trương hơn, đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện đã nhận được lịch trực Tết cùng với các kế hoạch cụ thể về thuốc men, máy móc để sẵn sàng cấp cứu người bệnh 24/24.
Trao đổi nhanh về nghề Y với PSG. TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – người đã có gần 40 năm gắn bó và điều trị bệnh nhi, ông đã chia sẻ chân thực xung quanh câu chuyện về nghề Y dầy gian khó, áp lực.
PSG. TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) |
Bệnh nhân nhập viện đều trường hợp “Thập tử nhất sinh”
Khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối trong hệ thống khám chữa bệnh vì thế những bệnh nhân đến thăm khám đều thuộc bệnh nặng thậm chí nhiều trường hợp còn rơi vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”.Bên cạnh đó còn những trường hợp bệnh khó đoán, khó chữa, đã đi nhiều viện nhưng không đoán ra bệnh.
Việc tiếp nhận những đối tượng này gây không ít áp lực cho đội ngũ y bác sỹ yêu cầu bệnh viện phải tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men, các bác sỹ phải nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm để giúp bệnh nhi qua cơn nguy hiểm. Thậm chí tại đây bác sĩcòn tiếp nhận những bệnh nhân bị bệnh một năm, hay hai, ba năm đi qua rất nhiều bệnh viện, có những bệnh nhân phải theo dõi cả tuần mới ra được bệnh, nhiều khi chẩn đoán được bệnh rồi nhưng phương pháp chữa khó khăn, bác sỹ lại phải tìm cách để nói với người nhà bệnh nhân, điều này cũng là một trong những áp lực thường gặp của đội ngũ y bác sỹ.
PSG. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hai thời điểm khoa Nhi của bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải đó là vào khoảng tháng 3 và tháng 10 – đây là thời điểm giao mùa, những bệnh nhi nhỏ không thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy hay các bệnh truyền nhiễm.Còn thời điểm gần Tết tình trạng quá tải ít khi xảy ra, tuy nhiên những bệnh nhân vào viện lại thường là những trường hợp nặng như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc hay tai nạn giao thông.
|
Nhớ lại về những ngày trực tết ở thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Dũng ngậm ngùi: “Rạng sáng ngày 30 Tết có một bệnh nhi 6 tuổi ở Thường Tín được cấp cứu tại bệnh viện cho trong tình trạng hôn mê vì đói. Nguyên nhân do mải xem mổ lợn, cháu bé bị lả đói khiến cả nhà phát hoảng. Đứa bé được đưa vào viện do hạ đường huyết, tôi chỉ tiêm hai xi lanh nước đường là khỏi. Nghĩ lại vừa buồn, vừa vui cho một thời khó khăn. Và đó cũng là lần trực mà tôi nhớ nhất trong mỗi dịp Tết về”.
Có thể với người lớn Tết là dịp bình thường nhưng với trẻ em, Tết là những ngày được mong chờ nhất, vì thế phải ở lại Bệnh viện đón Tết là điều không đứa trẻ nào mong muốn. Chị Phùng Thị Lan, mẹ bệnh nhi 5 tuổi đang điều trị ở viện Bạch Mai cho biết: “Dịp Tết này ít bệnh nhân hơn nên các bác sỹ có thời gian chuyện trò nhiều hơn với bệnh nhân và người nhà. Mọi năm Tết đến tôi còn bày vẽ bánh chưng, bánh tét, bánh giò… năm nay thì không cần gì cả, chỉ cần cháu nhanh khỏe mạnh để về nhà với gia đình”.
Ngành không có “sai sót nhỏ”
Đa số bệnh nhân khi đến Bạch Mai đã khám qua một số bệnh viện vì thế tâm lý người nhà bệnh nhân căng thẳng, lo lắng cả về tinh thần, kinh tế, và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, kể cả bệnh nhân và người nhà người bệnh, vì thế tâm lý bị ảnh hưởng ít nhiều.
Hiện nay ở bệnh viện Bạch Mai tình trạng vượt tuyến diễn ra ít hơn tuy nhiên vẫn có một số trường hợpngười nhà bệnh nhân do tâm lý quá lo lắng nên đã vượt tuyến dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện. Song cũng phải kể đến một số trường hợp ở tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhẹ nhưng khi vào đến khoa Nhi của Bệnh viện kết quả lại khác hoàn toàn so với kết quả ban đầu. Lý giải về sự khác biệt này bác sỹ Dũng cho hay:
“Nguyên nhân có thể một phần là do trình độ chuyên môn của các y bác sỹ tuyến dưới, thế nhưng cũng phải kể đến tâm lý nóng vội của người nhà bệnh nhân, khi bệnh viện đang theo dõi để chẩn đoán thì lại chuyển tuyến. Hiện nay tại Việt Nam mô hình bác sỹ gia đình phát triển khá mạnh, điều này giúp các bệnh nhân biết được tình trạng ban đầu để có thể đến đúng nơi đieuf trị tránh mất thời gian và tiền bạc”.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện là nguyên nhân khiến đội ngũ y bác sỹ phải làm việc với cường độ cao, tuy nhiên theo bác sỹ Dũng “Không thể căn cứ vào số lượng bệnh nhân mà bác sỹ phải khám để đánh giá chất lượng khám chữa bệnh được bởi có những bác sỹ khám hàng chục bệnh nhân một lúc nhưng vẫn tốt còn có người chỉ khám một bệnh nhân nhưng vẫn kém. Người thầy thuốc dù có mệt, có đông bao nhiêu thì vẫn khám tốt bởi đó là đặc trưng của nghề Y, không được phép khám sơ sài cho bất cứ một ai”. Bác sỹ Dũng nhấn mạnh.
Việc sai sót trong ngành Y là điều khó có thể tránh khỏi đối với mỗi người làm nghề, điều đáng nói là những sai sót này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, đó là lý do khiến dư luận xã hội trở nên gay gắt với đội ngũ y bác sỹ hơn các đối tượng khác. Đánh giá về những áp lực này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhận định: “Khi sai sót, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đau một, thì người thầy thuốc đau gấp mười lần, thậm chí cả trăm lần, bởi những sai sót đó không chỉ ảnh hưởng đến bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến uy tín của người làm nghề. Thế nhưng đau đớn hơn là khi xã hội luôn dựa vào đó để chỉ trích, điều này khiến áp lực của bác sỹ tăng lên, thậm chí những lần sau nếu chẳng may họ có vấp phải sai sót thì họ sẽ cố gắng để giấu cái sai đi vì tâm lý sợ sệt, điều này còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần”.
Nhóm PV