Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo an ninh trật tự và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cụ thể: Chỉ đạo các cơ sở y tế theo chức năng nhiệm vụ bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội.
Bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực 24/24 trong những ngày nghỉ lễ để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Xây dựng kế hoạch phối hợp với công an, các lực lượng liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo về những vấn đề nổi cộm, đột xuất phát sinh xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn quản lý về bộ Y tế.
Đổ nước trong các lu chứa lâu ngày để phòng chống sốt xuất huyết. |
Cũng trong dịp nghỉ lễ 2/9, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mỗi người, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo:
Người dân không nên lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Mối người không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Không điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc sau khi đã uống rượu, bia. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên thì tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…
Ăn chín, uống chín. Sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt; Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải, khăn ăn, khăn tay... Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ màn, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. |
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn; Đối với những người về quê hoặc đi du lịch, cần chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh ở nơi đến để chủ động phòng chống dịch, bệnh.
Nguyễn Huệ