+Aa-
    Zalo

    Định hướng mở cho ngành Giáo dục công dân hiện nay

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngành Giáo dục công dân trong hệ thống đào tạo của các trường đại học, đặc biệt đối với hệ sư phạm đóng vai trò hết sức quan trọng.

    Ngành Giáo dục công dân trong hệ thống đào tạo của các trường đại học, đặc biệt đối với hệ sư phạm đóng vai trò hết sức quan trọng. Với khoa Giáo dục chính trị trường Đại học thủ đô Hà Nội, đây được xem là ngành trọng điểm, trở thành mục tiêu hàng đầu cần được quan tâm. Bởi đó là nguồn tạo ra các thế hệ giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân ở các cấp học.

    PGS.TS Nguyễn Thị Toan, Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã có những chia sẻ về định hướng mở cho ngành Giáo dục công dân hiện nay với báo Đời Sống & Pháp Luật.

    PV: Thưa PGS.TS, cô có suy nghĩ như thế nào về vị trí, vai trò của ngành Giáo dục công dân dân đối với khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng và xã hội nói chung ạ?

    PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Có thể nói, ngành Giáo dục công dân trong hệ thống đào tạo của các trường đại học, đặc biệt đối với hệ sư phạm đóng vai trò hết sức quan trọng. Với khoa Giáo dục chính trị trường Đại học thủ đô Hà Nội, đây được xem là ngành trọng điểm, trở thành mục tiêu hàng đầu cần được quan tâm. Bởi đó là nguồn tạo ra các thế hệ giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân ở các cấp học.

    Giáo dục công dân là môn học có vai trò trực tiếp giáo dục những công dân chân chính cho đất nước, cụ thể trong việc phát triển đạo đức, nhân cách, giá trị sống con người – chủ nhân tương lai thế hệ mới.

    Vậy theo PGS.TS, trong giai đoạn hiện nay, tính định hướng mở cho ngành Giáo dục công dân biểu hiện như thế nào ạ?

    PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Tôi nghĩ, tính định hướng mở cho ngành Giáo dục công dân hiện nay biểu hiện rõ nét nhất ở việc mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

    Trong khi các ngành khác của hệ thống sư phạm đang bị thu hẹp chỉ tiêu vì tình trạng thừa giáo viên, sinh viên ra trường không có việc làm thì ngành Giáo dục công dân đang thiếu trầm trọng. Tình trạng thiếu hụt giáo viên do trước đây trong các trường Phổ thông có sự dạy đan chéo môn, tức giáo viên ở các môn khác sang dạy Giáo dục công dân. Điều này dẫn đến việc giáo viên truyền đạt kiến thức không sâu, phương pháp giảng dạy nghèo nàn, chất lượng đào tạo dạy và học hạn chế nên môn học chưa thu hút được sinh viên.

    Trong giai đoạn hiện nay, vị thế của ngành học, môn học được nâng lên rõ rệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc nâng cao chất lượng đào tạo đối với ngành Giáo dục công dân, đưa môn học vào kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi hiện tượng suy thoái lối sống, đạo đức, nhân cách của các thế hệ con người, giáo dục công dân cho toàn xã hội.

    Hơn nữa, chính lỗ hổng đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân đòi hỏi các nhà trường đẩy mạnh chỉ đạo, nâng cao số lượng và chất lượng giáo viên. So với các ngành khác, chỉ tiêu dành cho ngành Giáo dục công dân ngày một tăng lên. Một khi trong các nhà trường đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

    Tính định hướng mở cho ngành Giáo dục công dân của khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể phát triển toàn diện. Sinh viên sau năm I có thể tiếp tục học văn bằng 2 ở nhiều ngành khác nhau như Văn học, Ngoại ngữ,…. Điều này tạo cơ hội rất lớn để các chuyên ngành bổ túc cho nhau, sinh viên phát triển đa dạng hóa trong xu hướng mở, liên môn, chuyển đổi nghề nghiệp,… Sinh viên học tập tại Trường, Khoa không chỉ có nhiều điều kiện phát triển toàn diện về Tâm và Tầm mà còn được hưởng các chế độ như miễn giảm học phí, học bổng,...

    Đó là những hướng mở quan trọng nhất cho ngành Giáo dục công dân giai đoạn hiện nay theo quan điểm của tôi.

    Vậy, theo PGS.TS, để phát huy tính mở của ngành Giáo dục công dân và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thôngmới hiện nay, Khoa Giáo dục Chính trị và Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã có sự chuẩn bị như thế nào ạ?

    PGS.TS Nguyễn Thị Toan: Giáo dục công dân như tôi đã nói ban đầu là trọng điểm của Khoa. Chính vì vậy, trường Đại học Thủ Đô Hà Nội nói chung và Khoa Giáo dục Chính trị nói riêng tích cực thực hiện rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, đưa vào những môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội cụ thể trong các trường THPT, tăng lượng kiến thức và thời gian học về đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế, pháp luật,… Theo đó, chúng tôi giảm thiểu tính hàn lâm kinh viện thay vào đó là các môn học thiết thực hơn, đi sâu vào thực tiễn đời sống; trang bị cho sinh viên kỹ năng và kiến thức trở thành những công dân toàn cầu. Trong quá trình đó, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của sinh viên được đẩy mạnh.

    Đồng thời, chúng tôi không ngừng xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi là các thủ khoa chuyên ngành trong các trường đại học, thường xuyên mời thỉnh giảng là các GS.TS, PGS.TS ở các đơn vị đầu ngành như Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…, tổ chức các Hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề,… bổ trợ cho quá trình học của sinh viên và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại Khoa.

    Tôi tin rằng, với những sự chuẩn bị đó, ngành Giáo dục công dân sẽ có những khởi sắc mới trong thời gian tới đây.

    Rất cảm ơn PGS.TS về những chia sẻ của mình.

    Ngọc Mai

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dinh-huong-mo-cho-nganh-giao-duc-cong-dan-hien-nay-a223747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan