(ĐSPL) - Những câu chuyện đẫm nước mắt trong các truyện tình cảm ngôn tình từ Trung Quốc tràn vào nước ta, khiến một bộ phận giới trẻ tốn thời gian, tiền bạc, mơ mộng hão huyền, lãng quên cuộc sống hiện tại...
Khi truyện tình cảm ngôn tình thành... chất độc!
Truyện ngôn tình của Trung Quốc có từ khá lâu đời. Đó là những câu chuyện chủ yếu thiên về tình cảm đẫm lệ, với các nhân vật có ngoại hình hoàn hảo, tính cách dễ thương, gia đình giàu có... Nhưng trong thời gian gần đây, nó phân chia ra thành hai nhánh chính: Một là nói chủ yếu về chuyện tình cảm, có thể là những tình cảm "đặc biệt" như cha nuôi và con gái nuôi, tội phạm và cảnh sát, thầy và trò...; hai là miêu tả chuyện tình dục một cách đậm nét để thu hút người đọc...
“Dính độc” vì...truyện tình cảm ngôn tình Trung Quốc |
Để thu hút độc giả, không chỉ dùng các cảnh nóng, gợi cảm, các tác giả còn không ngần ngại đẩy các nhân vật của mình vào những mối tình trái khoáy. Theo đó, sách chia ra những loại như: Đam mỹ - đây là tình yêu giữa nam và nam; Bách hợp - tình yêu giữa nữ và nữ, cấm luyến tình yêu trái ngang giữa anh - em, chị - em ruột thịt... Với những câu chuyện dễ đẩy người đọc vào những suy nghĩ tiêu cực, rõ ràng truyện tình cảm ngôn tình Trung Quốc đang là một liều thuốc độc cực mạnh tiêm nhiễm vào một bộ phận giới trẻ Việt.
Với tính chất độc hại như thế, nhưng truyện tình cảm ngôn tình Trung Quốc đang được “thả nổi” tại Việt Nam. Người đọc có thể tiếp xúc với những câu chuyện này một cách dễ dàng tại các trang web ngôn tình, chỉ bằng vài động tác click chuột và tất nhiên, chúng hoàn toàn được cung cấp một cách miễn phí. Theo ghi nhận của PV, sách ngôn tình Trung Quốc được bày bán khá công khai. Thậm chí, người bán còn sẵn sàng bớt tiền cho khách, nếu chịu mua với số lượng lớn. Giá của mỗi cuốn sách này cũng khá bình dân, nên thu hút nhiều người mua.
Tại nước ta, truyện tình cảm Trung Quốc vẫn có một sức hút ghê gớm đối với độc giả; đặc biệt, là những độc giả trẻ tuổi, còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều khiến những người có tâm cảm thấy nhức nhối là, biết rằng sách ngôn tình độc hại, nhưng không thể ngăn cấm được loại sách này. Nhiều nhà sách vẫn bày bán tràn lan, các trang web vẫn đăng tải và hơn hết người đọc vẫn cứ cần. Nếu trong thời gian tới, tình trạng này không được giải quyết một cách thỏa đáng thì sẽ còn nhiều độc giả trẻ Việt chìm đắm trong loại truyện tình cảm không mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống như hiện nay. Bên cạnh đó, độc giả có thể đọc thêm thông tin về câu chuyện tình yêucó thật thời hiện đại để có thêm những thông tin thực tế cho mình nhé.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (hội Nhà văn TP.HCM): Đừng để giới trẻ lạc lối!
Truyện ngôn tình của Trung Quốc đã có ở Việt Nam khá lâu. Tuy nhiên, ngày nay, các tác phẩm này ngày càng "biến tướng" gây độc hại cho giới trẻ. Sở dĩ, ngôn tình Trung Quốc thu hút bạn đọc nhiều vì nó đi vào những điều mà một số nhà văn chúng ta không thèm đụng đến. Tôi nhớ, có lần đọc một tác phẩm ngôn tình Trung Quốc miêu tả một anh có thói quen kỳ lạ là nhìn phụ nữ “đi ngoài”. Và có một đoạn miêu tả, mặt anh ta cắm vào luôn phần đi ngoài của phụ nữ ấy. Với những chi tiết lấy từ những chuyện câu khách gây sức tò mò như vậy, ngôn tình Trung Quốc ngày càng vươn vòi của mình. Đến ngày nay, truyện ngôn tình Trung Quốc ngày càng "độc" hơn với những màn miêu tả sex, những tình yêu xa rời thực tế..., khiến độc giả trẻ ngày càng chìm vào những dâm thư nguy hiểm. Hiện nay, chúng ta đang kêu gọi bạn trẻ đọc sách, để phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tuyên truyền cho bạn đọc nên đọc cái gì và đọc ra sao, chứ không thể để cho người trẻ lạc lối vào những quyển sách độc hại phát tán từ Trung Quốc như hiện nay được. Nhà văn Trầm Hương (hội Nhà văn Việt Nam): Cần chống lại “cơn bão ngôn tình”
Truyện ngôn tình Trung Quốc thường hướng người đọc đến lối suy nghĩ tầm thường, ích kỷ, thường mơ mộng viển vông, thiếu thực tế, gây ra tác hại không nhỏ cho giới trẻ. Nếu chọn được sách tốt thì nó có thể thay đổi cả một con người theo hướng tốt. Tôi nhớ, khi còn nhỏ được đọc qua quyển sách “Tâm hồn cao thượng”, những bài học từ quyển sách này đã theo tôi đến bây giờ. Và nó có tác động không ít đến cuộc đời của tôi. Vì vậy, tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cũng nên có trách nhiệm với con em mình trong việc chọn sách. Cần gợi ý cho trẻ những quyển sách lành mạnh, biết yêu thương và quan tâm đến những mảnh đời nhỏ xung quanh mình. Khi các em sớm tiếp xúc với những quyển sách tốt, có tác dụng hướng thiện, các em sẽ rèn luyện được bản thân mình. Tôi nghĩ, để làm được những điều tốt đẹp này, cần có sự nhập cuộc của toàn xã hội trong việc chống lại “cơn bão ngôn tình” của Trung Quốc. Trong đó, xu hướng đạo đức cần được nâng cao. Bởi hiện nay, vẫn còn nhiều người thờ ơ vô cảm trước cái xấu, mỉa mai việc tốt, đây là điều rất đáng sợ vì vô tình chúng ta đang tạo điều kiện cho cái ác lên ngôi. Bên cạnh đó, hiện nay, tác phẩm văn học Việt Nam bị lấn lướt bởi truyện ngôn tình Trung Quốc quá nhiều, bởi xã hội còn thờ ơ với nhà văn, bên cạnh đó, cuộc sống của nhà văn còn bèo bọt, đã khiến nhiều người phải chuyển nghề, bỏ nghề dù đó là điều khiến họ không muốn. Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên khoa Tâm lý giáo dục- trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Giới trẻ dễ bắt chước hoặc nổi loạn
Với tâm lý dễ tò mò, khá nhiều người trẻ tìm và đọc truyện ngôn tình Trung Quốc. Về lâu dài, các em sẽ bị nhiễm vào những câu chuyện tình sướt mướt, ủy mị và dẫn đến việc giới trẻ sẽ có những hành động bắt chước hoặc nổi loạn. Đến khi, nhận ra giữa truyện và đời có một khoảng cách lớn, không ít người trẻ thất vọng, chán nản và mất đi niềm tin, nghị lực sống. Do vậy, tôi nghĩ, mỗi quyển sách là một liều thuốc và khi dùng thuốc nào, cũng cần có sự chỉ dẫn, khuyến cáo từ những người đi trước. Nhà văn Trung Trung Đỉnh (Giám đốc NXB Hội nhà văn Việt Nam): “Chúng tôi tuyên chiến với truyện ngôn tình...”
Đối với truyện sách ngôn tình hiện nay, NXB hội Nhà văn tuyệt đối không xuất bản. Với loại truyện kiểu vậy thì chỉ có những người gọi là “quân làm sách”, kinh doanh sách để kiếm lợi nhuận nó xuất bản thôi. Bởi vì, loại truyện này nó thu hút giới trẻ, mang lại doanh thu cao nên chúng cần tiền thì chúng làm. Còn NXB, nhà văn chính thống, người ta chẳng bao giờ làm... Ông Nguyễn Minh Nhựt (Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ): Sách ngôn tình thường bán rất chạy Vừa qua, dư luận rất xôn xao về truyện, sách ngôn tình. Và chúng tôi có thể khẳng định rằng, loại sách ngôn tình thường bán rất chạy, thậm chí nó mang lại doanh thu lớn đối với nhà xuất bản. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, với tôn chỉ của NXB Trẻ “Nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức”, thì việc xuất bản sách ngôn tình chưa thật sự phù hợp. Chính vì thế, chúng tôi chưa có ý kiến gì với dòng sách này nhưng nếu sách ngôn tình chỉ manh tính tình cảm đơn thuần và chứa đựng giá trị nhân văn thì nên phát huy; còn loại ngôn tình bị biến tướng, cổ súy cảnh nóng thì không nên. Bà Nguyễn Thị Minh Phương (Phó chánh văn phòng Xuất bản và Phát hành, sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM): Sẽ hội thảo lấy ý kiến độc giả Thực ra truyện ngôn tình cũng có truyện xấu, truyện tốt. Chúng tôi không cổ vũ cho những vấn đề sex hay cảnh nóng trong truyện mà đơn thuần nó chỉ là truyện tình cảm có lồng chứa những giá trị nhân văn. Chính vì những yếu tố trái chiều từ truyện ngôn tình nên sắp tới đây, Sở sẽ tổ chức buổi hội thảo về sách ngôn tình để đón nhận ý kiến đóng góp từ phía bạn đọc và dư luận... Từ đó xác định loại sách này có những vấn đề gì, cái gì nên phát huy và cái gì nên loại bỏ... |
MAI THY - HẠ DU
Xem thêm clip: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi làng ẩm ướt nhất thế giới