Viêm góc môi là một tình trạng da nơi góc miệng (mép) bị nứt, viêm đỏ, chảy dịch... gây đau đớn, khó chịu. Viêm góc môi không lan rộng nhưng nếu không được điều trị, nguy cơ nhiễm trùng có thể tăng nặng, kéo dài.
Những ai có thể bị viêm góc môi?
Trong một số trường hợp, viêm góc môi có thể khởi đầu do tình trạng nước bọt bốc hơi, khô và gây kích ứng. Nhiều người đối phó với tình trạng này bằng cách liếm môi để làm dịu sự khô nẻ và kích ứng, tạo ra độ ẩm cao hơn và dẫn tới viêm góc môi.
Da nơi góc môi bị kích ứng có thể nứt hoặc bong tróc, đôi khi có thể chảy máu. Nơi da khô, nứt sẽ dễ nhiễm trùng, thường là nhiễm Candida hoặc nấm men có thể làm cho vùng mép có cảm giác ngứa rát. Nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp bao gồm liên cầu khuẩn và tụ cầu khuẩn cũng có thể xảy ra. Hoặc là kết hợp nhiều loại nhiễm trùng kể trên. Xoa hoặc liếm vùng bị nhiễm trùng có thể làm cho tình trạng này tồi tệ hơn, tăng cơn đau.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Bệnh viện Đa khoa An Việt, 1 E Trường Chinh, các yếu tố nguy cơ bao gồm bệnh tiểu đường đứng hàng đầu; người có hệ thống miễn dịch yếu như người nhiễm HIV/AIDS, người bệnh đang chịu hóa trị liệu, thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch; người có một tình trạng di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down; người gặp các vấn đề dinh dưỡng bao gồm thiếu máu hoặc chế độ ăn uống kém; Có các vấn đề về răng: mang răng giả không đúng cách, gây ổ nhiễm trùng hoặc làm cho 2 mép sệ xuống, tích tụ nước bọt dễ dẫn đến viêm góc môi, bệnh viêm nướu răng; môi khô nứt nẻ.
Nước bọt thường xuyên tích tụ bên mép có thể gây viêm góc môi. |
Điều trị viêm góc môi như thế nào?
1. Dinh dưỡng và thay đổi lối sống
Đối với người bị tiểu đường, liệu pháp toàn thân bao gồm chế độ ăn uống và thay đổi lối sống, liệu pháp insulin hoặc dùng thuốc tiểu đường. Dùng vitamin bổ sung hoặc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp những người bị viêm góc miệng do dinh dưỡng kém.
Không dùng kháng sinh tuỳ tiện: Bất kể một tình trạng viêm, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đều cần điều trị. Điều quan trọng là phải chẩn đoán nguyên nhân gây nhiễm trùng. Nếu do nhiễm nấm men sẽ không đáp ứng với kháng sinh. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và kê thuốc kháng sinh trong trường hợp cần thiết, không nên tự ý dùng kháng sinh.
2. Giữ vệ sinh
Giữ cho khu vực góc môi sạch và khô có thể giảm đau và ngăn ngừa tình trạng xấu đi.
Kem dưỡng môi hoặc chất bảo vệ có thể làm giảm khô và bảo vệ da khỏi nước bọt. Bác sĩ cũng có thể kê kem steroid tại chỗ, giúp giảm đau và ngứa.
Nếu nguyên nhân là các ổ nhiễm trùng trong miệng, răng giả, nha sĩ sẽ cho điều trị phù hợp.
Lời khuyên của bác sĩ
Viêm góc môi tuy nhỏ nhưng có thể bội nhiễm hoặc các bệnh nhiễm trùng, rối loạn sức khỏe khác nếu không được điều trị. Chẳng hạn có thể dẫn tới các vấn đề về tim. Chính vì vậy, khi phát hiện viêm góc môi, cần phải đi khám bác sĩ, không nên tự điều trị tại nhà để sớm ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng. Viêm góc môi được điều trị sẽ dễ dàng cải thiện sau vài ngày. Để phòng ngừa viêm góc môi, cần giữ cho môi khô ráo, mềm mại bằng cách bôi kem dưỡng da môi. Chú ý tới chế độ dinh dưỡng đầy đủ, từ bỏ thói quen liếm môi, nhất là khi trời khô lạnh. Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Nếu mang răng giả, cần ngâm răng vào dung dịch thuốc. Đeo răng đúng cách.
Mỹ An(T/h)