Tỉnh dậy, chủ tiệm vàng phát hiện tủ đựng vàng bị cạy mở, nhiều nữ trang gồm vàng 24k, 18k, bạc… trị giá khoảng hơn 500 triệu đồng đã "không cánh mà bay".
Theo thông tin trên báo Dân trí, vụ việc xảy ra vào sáng nay (3/7) tại tiệm vàng Ngọc Hiền (thôn Cây Sanh, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).
Theo trình báo của bà Phương (54 tuổi, chủ tiệm), lúc 1h sáng ngày 3/7, bà thức giấc nhưng chưa phát hiện vụ trộm. Đến khoảng 3h30 khi dậy lần 2, bà phát hiện tủ đựng vàng bị cạy mở, nhiều nữ trang đã bị trộm mang đi. Theo bà Phương, bọn trộm đã mở trong tủ lấy đi gồm vàng 24k, 18k, bạc… trị giá khoảng hơn 500 triệu đồng.
Tiệm vàng Ngọc Hiền, nơi xảy ra nghi án mất trộm vàng, bạc nữ trang trị giá hơn 500 triệu đồng - Ảnh: Công an Nhân dân |
Cũng theo bà Phương, khi sự việc xảy ra, chồng bà là ông Phạm Ngọc Cảnh (67 tuổi) vẫn nằm ngủ ở giường ngay bên cạnh tủ đựng vàng không hề hay biết. Cửa chính phía trước vẫn đóng nhưng cửa phía sau nhà bị kẻ trộm cạy phá, cạnh tủ để vàng có con dao của gia đình đặt ở nhà dưới bị mang lên có thể để cạy mở tủ.
Liên quan đến vụ việc, báo Tiền Phong dẫn lời ông Dương Văn Chương – Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Ninh cho hay, sau khi nhận tin báo, lực lượng đã có mặt tại hiện trường, ghi nhận thông tin.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ kẻ gian đột nhập tiệm vàng - Ảnh: Đ. Đức/ Tri thức trực tuyến |
“Ban đầu không có dấu hiệu của việc gây mê vì tình trạng sức khỏe của ông Cảnh bình thường. Có thể kẻ gian lợi dụng sơ hở của gia đình, đột nhập từ phía sau để thực hiện hành vi” – ông Chương nhận định.
Tại hiện trường, công an ghi nhận tiệm vàng Ngọc Hiền không lắp đặt hệ thống camera an ninh. Bà Phương cho biết đây là lần thứ 2 tiệm vàng Ngọc Hiền bị trộm đột nhập trong gần 25 năm bà kinh doanh vàng - báo Thanh Niên thông tin thêm.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)