(ĐSPL) - Đang đi chăn bò, bé Y. bị một người đàn ông bịt mặt tiến lại gần dùng vật dụng chích vào người. Sau khi Y. kêu la, đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát.
Báo Trí thức trẻ dẫn lời ông Võ Văn Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, xã đã lập biên bản về vụ việc nghi bắt cóc trẻ em xảy ra trên địa bàn và báo cáo với Công an huyện để điều tra, xử lý.
Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 17h30 chiều tối 25/12, cháu gái tên L.K.Y (9 tuổi) đi chăn bò ngoài đồng thuộc địa phận thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình thì bất ngờ bị một người đàn ông bịt mặt tiến lại gần dùng vật dụng chích vào người cháu Y.
Theo lời kể của cháu Y. ngoài người đàn ông áp sát mình thì trên đường bê tông cách đó khoảng vài trăm mét có một nhóm khoảng 5 người đàn ông đi xe máy đang đứng đó nghi làm nhiệm vụ cảnh giới. Tuy nhiên, sau khi cháu Y. kêu la, các đối tượng này đã nhanh chóng phóng xe máy tẩu thoát.
Cháu Y. kể lại vụ việc - Ảnh: báo Trí thức trẻ |
"Đây mới chỉ là nghi vấn thôi chứ hiện chúng tôi chưa khẳng định được có phải là một vụ bắt cóc trẻ em hay không. Vì vụ việc này chỉ qua lời kể của cháu bé chứ không có ai chứng kiến. Hiện công an xã đã lập biên bản gửi lên công an huyện để nhờ vào cuộc điều tra làm rõ", ông Tư nói.
Cũng theo ông Tư, không loại trừ khả năng mục đích của các thanh niên này là cướp tài sản chứ không phải là bắt cóc.
"Cháu Y. tuy còn nhỏ nhưng lúc xảy ra vụ việc, cháu đang sử dụng điện thoại "xịn" nên chúng tôi cũng nghi ngờ động cơ của các thanh niên này là cướp điện thoại nhưng bị lộ nên bỏ chạy. Tuy nhiên vẫn phải đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng…", ông Tư nói.
Do hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng nên UBND xã Bình Giang (Thăng Bình) cũng khuyến cáo nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Liên quan đến vấn đề này, báo Dân Việt thông tin, trước đó, Công an thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cũng ban hành công văn số 140 ngày 16/9 về việc hoạt động nghi vấn của một số đối tượng lạ mặt trên địa bàn nghi là bắt cóc trẻ em. Công văn này với mục đích gửi đến các trường, bậc phụ huynh và ban nhân dân của 13 khối phố, thôn trên địa bàn cảnh giác về nghi vấn bắt cóc trẻ em.
Công văn số 140 với nội dung như sau: Vào lúc 8h ngày 16/9, Công an thị trấn Tiên Kỳ nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại Trường Tiểu học Kim Đồng (cơ sở tại thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ) xảy ra vụ việc như sau: Vào lúc 17h ngày 15/9 có một thanh niên lạ mặt khoảng 30 tuổi, cao 1,65m, da trắng điều khiển xe Wave màu xanh không rõ biển số, mặc quần lửng, áo thuôn màu xanh đến Trường Tiểu học Kim Đồng hỏi nhận đón con của ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1981, trú thị trấn Tiên Kỳ) là cháu Nguyễn Vũ Quân (SN 2009, học lớp 2). Cùng lúc đó, có anh ruột của ông Nguyễn Thanh Hải là ông Nguyễn Đình Sơn (SN 1978, trú thị trấn Tiên Kỳ) đến đón cháu Nguyễn Vũ Quân theo yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Hải. Sau khi đón cháu Quân, ông Sơn đã điều khiển xe máy về nhà, người thanh niên lạ mặt nêu trên tiếp tục đi theo ông Sơn, vào đến ngã rẽ về nhà thì người thanh niên nói với ông Sơn “Chứ răng anh đi đường ni?”, ông Sơn trả lời “Tau đi về nhà”. Nghe vậy, người thanh niên lạ mặt điều khiển xe máy bỏ đi.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bất minh (vì ông Hải không có nhờ người khác đón cháu Quân) nên Công an trị trấn Tiên Kỳ đề nghị BGH Trường Tiểu học Kim Đồng, BGH Trường Mầm non Tiên Kỳ, BND của 13 khối phố, thôn thông báo đến phụ huynh và nhân dân biết để phòng ngừa nhắc nhở con em mình không để cho người lạ đưa đón. Phân công người trong gia đình đón và thông báo cho trẻ biết. Nhà trường thông báo đến các em học sinh, yêu cầu các em báo cáo khi có người lạ đến đón, nhắc nhở không để các em đi với người lạ. Công an thị trấn còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tăng cường quản lý học sinh tại trường và tan trường. Ngoài ra, khi phát hiện trường hợp nghi vấn cần báo ngay cho Công an thị trấn Tiên Kỳ.
Điều 134. Tội bắt cóc (Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Đối với trẻ em; e) Đối với nhiều người; g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; i) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)