Trong lúc đến nhà chồng trả lại tiền, vàng đã nhận trong đám cưới, chị V. vào phòng thu dọn quần áo thì bị chồng cầm ấm siêu tốc đang cắm điện dội vào cổ và lưng...
Báo Vnexpress đưa tin, ngày 10/7, Công an huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết đang lấy lời khai các bên nhằm làm rõ vụ "Cố ý gây thương tích" khiến chị Trần Thị V. (28 tuổi) bị bỏng nặng.
Ông Nguyễn Đình Tới (Trưởng công an xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) cho biết, theo phản ánh của ông Trần Hợp T. (60 tuổi, huyện Thường Xuân), 9 tháng trước con gái ông là Trần Thị V. kết hôn với anh Nguyễn Văn B. (29 tuổi).
Trong thời gian chung sống 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Gần đây, V. bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Đầu tháng 7, B. tìm vợ yêu cầu mang trả lại vàng của họ trai tặng trong ngày cưới và tiền hai vợ chồng đi làm chung.
Chiều 6/7, ông T. chở con gái đến nhà B. trả lại tiền vàng.
Theo trình báo của gia đình ông T., theo lời chồng, Vui vào phòng thu dọn quần áo và bị B. cầm ấm siêu tốc đang cắm điện dội nước sôi vào cổ và lưng.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Công lý, bác sĩ Lê Mai Dung, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình – Bỏng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ngày 10/7 cho biết, bệnh nhân Trần Thị V. bị bỏng nặng ở vùng cổ, vai 2 bên và lưng. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng và đau nhức nên không thể nằm nghỉ một cách bình thường.
Trao đổi với PV báo Công lý, chị V. nghẹn ngào nói: "Nhiều lần anh ấy cũng dọa tạt axit, dội nước sôi nếu em đòi ly hôn nhưng em đều bỏ ngoài tai. Em cũng nghĩ đơn giản vợ chồng chung sống không hợp nhau thì chia tay, không ngờ anh ấy lại tàn nhẫn đến vậy”.
Hiện sự việc đang được cơ quan công an tích cực điều tra, làm rõ.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)