Trong cuộc “ngã giá” với PV, một “cò” máu liên tục nói rằng: “Việc này rất tế nhị, mình có bắt tay trái với người ta mình phải giữ chỗ cho người ta (tức bác sĩ – PV), không phải vì 500 nghìn đến 1 triệu của em mà người ta mất việc”. Dư luận đặt dấu hỏi, vậy có hay không cái “bắt tay” giữa bệnh viện và “cò” máu?
Có hay không “người thứ 3” can thiệp?
Hiện tượng “cò” máu lộng hành ngay giữa cổng bệnh viện Việt Đức khiến không ít người dân phải bỏ tiền ra mua máu với giá “cắt cổ”. Bên cạnh đó, những tiết lộ của “cò” máu về việc có “người thứ ba” can thiệp càng khiến nhiều người giật mình. Để nắm rõ được câu trả lời, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã liên lạc với bệnh viện Việt Đức.
Sau nhiều ngày đặt câu hỏi và giấy giới thiệu, cuối cùng PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Vi Quỳnh Hoa, Giám đốc trung tâm Truyền máu bệnh viện Việt Đức.
Bác sĩ Vi Quỳnh Hoa cho biết: “Tôi chưa gặp trường hợp nào bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến phản ánh chính thức về hiện tượng “cò” máu. Còn ở ngoài người ta đồn đại thế nào thì tôi không biết và cũng chưa gặp bao giờ”.
Bác sĩ Vi Quỳnh Hoa, Giám đốc trung tâm Truyền máu bệnh viện Việt Đức. |
Với câu hỏi khi bệnh viện phát hiện ra hiện tượng “cò máu” ngay trước cổng bệnh viện, phía bệnh viện sẽ xử lý ra sao? Bác sĩ Quỳnh Hoa cho hay: “Câu hỏi này không nằm trong phạm vi quản lý của tôi. Tuy nhiên, phía bệnh viện từ trước đến nay cũng đã triển khai những cảnh báo tình trạng ăn cắp cũng như tình trạng “cò” máu. Phòng công tác xã hội cũng như phòng hành chính quản trị đã phối hợp làm những cái cảnh báo để ngăn chặn. Bảo vệ đi tuần liên tục để ngăn chặn những tình trạng trên nếu có”.
Thắc mắc với Giám đốc trung tâm Truyền máu bệnh viện Việt Đức rằng “cò máu” lộng hành ngoài bệnh viện là do có “tay trong” nên mới dễ dàng có chuyện mua bán máu như vậy, bác sĩ Vi Quỳnh Hoa phủ nhận: “Tôi cho rằng không có chuyện này. Bệnh viện Việt Đức đã quán triệt từ rất lâu đến đội ngũ nhân viên, bác sĩ tại bệnh viện. Thứ nhất, các bác sĩ cũng hiểu được ý nghĩa của vấn đề. Thứ 2, ai cũng hiểu, nếu làm gì sai trái sẽ bị kỷ luật, đuổi việc ngay.
Bản thân trong khoa chúng tôi mọi người hiểu hết nên không ai dám “đụng” đến việc này, các khoa khác cũng vậy. Nếu như đúng bệnh nhân trả tiền cho “cò” máu để mua máu như vậy nhân viên bệnh viện không ai đồng tình cả, khổ bệnh nhân và gia đình rất nhiều. Họ vào bệnh viện, bao nhiêu thứ cần chi trả. Bệnh nhân các tỉnh xuống đây ăn còn chẳng có, họ rất vất vả nên bệnh viện cũng không đồng tình những việc làm như vậy”.
Audio: Bác sĩ Vi Quỳnh Hoa (Giám đốc trung tâm Truyền máu bệnh viện Việt Đức) nói về tình trạng "cò" máu tại cổng bệnh viện Việt Đức.
[presscloud]4911[/presscloud]
Quy định mổ phải hiến máu chỉ mang tính… vận động!?
Trước phản ánh của người nhà bệnh nhân việc người nhà phải truyền máu vào kho thì bệnh nhân chờ mổ mới được mổ. Trả lời về thực trạng này, Giám đốc trung tâm Truyền máu bệnh viện Việt Đức giải thích: “Nhiều người không nắm được tinh thần chung của bệnh viện khi có bệnh nhân vào mổ. Đặc thù của bệnh viện chúng tôi là các bệnh ngoại khoa cho nên chúng tôi phải có dự trù về máu.
Chúng tôi ở đây bao giờ cũng hướng dẫn người nhà bệnh nhân là bệnh nhân vẫn được mổ bình thường, các trường hợp khi thiếu máu quá cũng có vận động người nhà ủng hộ máu vì trong cuộc mổ không biết như thế nào được.
Gia đình có người nhà thì vẫn nên ủng hộ, có sự hỗ trợ của người nhà, nhiều trường hợp cấp cứu không thể đủ máu được, số lượng khá lớn. Có những bệnh nhân truyền một lúc mấy chục đơn vị như thế nếu không có sự đóng góp của cộng đồng xã hội thì không thể nào đủ".
Bên cạnh đó bà Hoa cũng cho biết thêm: "Tình trạng thiếu máu là tình trạng chung ở tất cả các nơi chứ không phải chỉ có ở bệnh viện Việt Đức.
Tại bệnh viện chúng tôi hàng ngày có rất nhiều ca mổ, bệnh nhân cấp cứu từ các tỉnh lên rất nặng. Những trường hợp nhóm máu hiếm như Rh (-), nhóm máu AB… rất thiếu. Như tháng trước tôi có gặp một bệnh nhân nhóm máu Rh (-) là phải đi vào câu lạc bộ nhóm người nhóm máu hiếm để huy động nhóm ấy, huy động họ lên ngày, lên tối để cho bệnh nhân được cứu sống.
Chính vì thế, công tác dự trù nhóm máu được đặt lên hàng đầu. Đôi khi chúng tôi giải thích nhưng họ cũng không rõ lắm. Có nghĩa là bệnh nhân mổ cứ mổ, còn ở trung tâm máu chúng tôi vận động vẫn cứ vận động để bù vào những lúc có ca bệnh cần sử dụng nhiều máu. Chứ không phải không có máu là bệnh nhân không được mổ. Ý này là nhiều người hiểu sai”.
Bác sĩ Hoa cho rằng bệnh viện chỉ vận động người nhà hiến máu. |
Cũng theo bác sĩ Vi Quỳnh Hoa, tại bệnh viện Việt Đức, điểm lấy máu cũng đề là điểm hiến máu cố định. Tức là thường xuyên lấy máu ở tất cả các đối tượng chứ không phải riêng người nhà bệnh nhân. Người qua đường cũng vào hiến máu..
Nhiều người nhà bệnh nhân ở xa không thể có người thân để hiến máu, điều này dẫn đến việc họ buộc phải tìm đến”cò máu” để cứu cánh. Về vấn đề này, bác sĩ Vi Quỳnh Hoa khẳng định: “Có rất nhiều trường hợp, người nhà bệnh nhân chỉ cần nói là tôi khó khăn thì chúng tôi duyệt cho đi mổ bình thường.
Thậm chí người dân tộc, ở xa họ trình bày là chúng tôi liền tạo điều kiện. Chúng tôi chỉ vận động người nhà, họ đồng ý thì chúng tôi lấy. Chúng tôi cũng có bộ phận làm công tác tuyên truyền, nhưng nhiều khi người nhà họ không hiểu được đúng ý”....
Có thể nhận thấymột thực tế, “cò” máu ngang nhiên lộng hành ngay tại cổng bệnh viện Việt Đức như chúng tôi đã ghi nhận. Thế nhưng, phía bệnh viện lại cho rằng không hề hay biết tình trạng này khiến PV chúng tôi đặt câu hỏi lớn: Phải chăng, bệnh viện Việt Đức đang bị qua mặt, hay có một sự “thao túng” nào ở đây? Và liệu máu có thực sự hiếm như thông tin từ phía bệnh viện này cung cấp?
Mời quý vị độc giả đón đọc Kỳ 5: Kỳ 5: Bệnh viện thu máu của người nhà bệnh nhân trước ca mổ: Việc nhức nhối cần loại bỏ.
Nội dung sẽ được đăng tải vào lúc 8h ngày 19/10/2018.
[presscloud]4838[/presscloud]
Xem video: Ai chống lưng cho "cò" máu lộng hành?
Theo Người Đưa Tin