+Aa-
    Zalo

    Điều tra "bôi trơn" làm sổ đỏ: Giám đốc Công an TP Hà Nội nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Về việc Hà Nội chuyển vụ "bôi trơn" làm sổ đỏ sang cơ quan điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP khẳng định: Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó!

    (ĐSPL) - Về việc Hà Nội chuyển vụ "bôi trơn" làm sổ đỏ sang cơ quan điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP khẳng định: Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó!

    UBND TP.Hà Nội vừa công bố kết luận của Thanh tra thành phố về thông tin phản ánh việc người dân phải chi gần chục triệu đồng phí “bôi trơn” làm sổ đỏ. Kết luận khẳng định, có việc nhân viên của hai chủ đầu tư phổ biến cho một số hộ dân "nộp tiền để làm sổ đỏ nhanh" tại dự án CT5B, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (8 triệu đồng) và dự án HAPULICO, quận Thanh Xuân (5 triệu đồng). Tuy nhiên, khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện chủ đầu tư lại khẳng định, kết luận thanh tra "chung chung và thiếu căn cứ". Vậy đâu là sự thật?

    (bgiay)Hà Nội chuyển vụ

    Dự án khu nhà ở để bán ở phường Mễ Trì bị tố "bôi trơn" sổ đỏ (ảnh Đ.P).

    Lộ diện 3 đoạn ghi âm tố "bôi trơn" làm sổ đỏ

    Sức nóng của nghi án "bôi trơn" sổ đỏ tại hai dự án CT5B (do Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư) và HAPULICO (do Công ty cổ phần Đầu tư BĐS HAPULICO làm chủ đầu tư) khiến buổi họp báo Thành ủy diễn ra vào chiều 2/12 kéo dài hơn thường lệ. Hội trường chật kín cánh phóng viên báo đài đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với sự việc này. Như vậy, từ khi sự việc được manh nha qua phát biểu của một đại biểu Quốc hội, sau thời gian tiến hành xác minh, nghi án "chạy sổ đỏ" cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng và mở ra những hướng điều tra tiếp theo.

    Video liên quan:

    Hà Nội: Có dấu hiệu thu phí “bôi trơn sổ đỏ”

    Theo ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng- Chánh thanh tra TP. Hà Nội, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và phản ánh của báo chí, Thanh tra thành phố đã khẩn trương nhập cuộc xác minh. Đoàn thanh tra đã lập 85 phiếu gửi cho các hộ dân tại tòa nhà CT5B và 150 phiếu gửi cho các hộ dân tại dự án HAPULICO để lấy ý kiến về hiện tượng "chạy sổ đỏ". "Kết quả thanh tra, có 9/85 hộ dân trong dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì và 12/150 hộ tại khu cao cấp HAPULICO khẳng định, có việc nhân viên của chủ đầu tư phổ biến cho các hộ dân nộp hồ sơ làm sổ đỏ. Trong đó, phải nộp 8 triệu đồng (khu Mễ Trì), và 5 triệu đồng (tại dự án HAPULICO)", ông Dũng cho biết.

    Cũng theo ông Dũng, lực lượng chức năng đã nhận được 1 USB chứa 3 đoạn ghi âm liên quan đến vụ việc người dân tố cáo tại hai dự án này. Qua đối thoại giữa 9 hộ dân trong dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì và hai hộ dân tại dự án HAPULICO với nhân viên của chủ đầu tư dự án, có sự chứng kiến của Đoàn thanh tra và đại diện chủ đầu tư, các hộ dân khẳng định nhân viên của chủ đầu tư có phổ biến nộp tiền để làm sổ đỏ nhanh và đã thu tiền của các hộ dân (không có chứng từ thu tiền), chỉ có 1 hộ dân trong số 9 hộ không nộp tiền. "Từ kết quả trên cho thấy có dấu hiệu của việc nhân viên hai công ty phổ biến cho một số hộ dân "nộp tiền để làm sổ đỏ nhanh" tại hai dự án trên", ông Dũng nói thêm.

    Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 29/9 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, ông nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, “bôi trơn” trong việc cấp sổ đỏ. Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, phí "bôi trơn" để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ. Quy trình làm sổ rất mập mờ vì không làm riêng lẻ từng hộ mà thực hiện một lượt với toàn bộ toà nhà, người nào chấp nhận chi tiền “bôi trơn” thì nhận được sổ, gia đình nào không chịu nộp phải chờ...

    Sau khi nhận được phản ánh của ĐBQH, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng thanh tra thông tin trên.

    Chủ đầu tư nói gì?

    Ngay sau khi có thông báo chính thức của Thanh tra thành phố, PV báo Đời sống và Pháp luật đã trực tiếp liên hệ với hai đơn vị là Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản HAPULICO để làm rõ thông tin. Trao đổi với PV, bà Lê Thị Kim Yến, Giám đốc ban quản lý dự án (Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) cho biết: "Tôi chưa nhận được thông báo chính thức nào từ thanh tra thành phố về việc người dân phải nộp tiền "bôi trơn" để làm sổ đỏ".

    Bà Yến cho biết thêm, trước đó, đại diện công ty đã làm việc với Thanh tra thành phố về việc có hay không tiêu cực "bôi trơn" để "chạy" sổ đỏ tại dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì thì hoàn toàn không có căn cứ, bởi không có bằng chứng như phiếu thu, biên lai hay giấy tờ chứng minh có việc người dân phải "chạy" sổ đỏ.

    Trước câu hỏi của PV về kết luận của Thanh tra thành phố vừa công bố, bà Yến khẳng định: "Kết luận trên là chung chung và không có căn cứ. Chúng tôi không chỉ đạo nhân viên làm việc đó, toàn bộ nhân viên của công ty không có ai nhận tiền "bôi trơn" của người dân để làm sổ đỏ".

    Ngay sau đó, PV báo Đời sống và Pháp luật cũng đã liên lạc với công ty Cổ phần Đầu tư BĐS HAPULICO, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin.

    Trong một diễn biến khác, nhận định về bản kết luận nêu trên, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - người trực tiếp cung cấp chứng cứ cho đoàn thanh tra khẳng định: "So với những chứng cứ tôi cung cấp, kết luận của Thanh tra Hà Nội chưa tương xứng dấu hiệu vi phạm". Theo Đại biểu Cương, thực tế cho thấy tình trạng "bôi trơn" sổ đỏ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. "Sau khi chất vấn và phản ánh việc này, tôi đã nhận được hàng vạn lời cảm ơn từ người dân trong cả nước, trực tiếp hoặc gọi điện, nhắn tin và cả lời bình sau các bài báo đăng tải về chuyện này. Điều đó cho thấy việc "bôi trơn" là phổ biến", ông Cương cho biết.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường chia sẻ: "Tất cả những gì làm được để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu, chúng tôi đều đã làm. Thực tế đâu đó vẫn xảy ra sự lợi dụng kẽ hở pháp luật để hành dân. Theo quy định, sở TN&MT chỉ thu hai khoản thu duy nhất gồm hơn 500 nghìn đồng thẩm định hồ sơ và lệ phí địa chính 100 nghìn đồng đối với quận nội thành và 50 nghìn đồng với các huyện. Tôi nghĩ, không có lý gì để người dân phải bỏ thêm một đồng nào nữa để lấy giấy".

    Sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật

    Trong một diễn biến khác, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng yêu cầu chuyển toàn bộ các tài liệu đơn thư liên quan, phiếu cung cấp thông tin của các hộ dân và kết quả xác minh của Thanh tra Thành phố cho Công an thành phố để điều tra, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhân viên hai công ty trên. Trong khi đó, trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP cho biết: Sau khi nhận được hồ sơ, Công an thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, xử lý nghiêm theo quy đúng định. Cụ thể mức độ sai phạm đến đâu, sẽ xử lý đến đó.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-tra-boi-tron-lam-so-do-giam-doc-cong-an-tp-ha-noi-noi-gi-a72801.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan