Lợi dụng khi nhà vắng người, bà Hoa gọi "đồng bọn" đến nhà con gái ở quận Bình Tân (TP HCM) lái xe hơi của con đi cầm cố lấy 200 triệu đồng rồi bỏ trốn gần một năm trời.
Theo tin tức đăng tải trên báo VnExpress, TAND TP HCM vừa mở phiên tòa xét xử bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi) về tội Trộm cắp tài sản.
Theo báo Dân Trí, cáo trạng của TAND TP.HCM xác định: Đầu năm 2014, bà Hoa được con gái là chị L. đưa về ở chung tại quận Bình Tân, TP. HCM.
Khoảng tháng 8/2014, chị L. đưa con trai đi Singapore chơi. Bà Hoa ở nhà một mình lấy xe máy của cháu ngoại đem đi cầm được 10 triệu đồng tiêu xài hết.
Sau đó, mẹ con chị L. về phát hiện, chuộc xe và không cho bà ở trong nhà nữa. Khi rời nhà, bà Hoa đã cố tình giữ lại một chìa khóa cửa cuốn.
Chiều 17/9/2014, bà Hoa về nhà con gái mở cửa lấy chìa khóa ô tô đưa cho một người tên Võ Văn Tư để thế chấp lấy 200 triệu đồng rồi lẩn trốn về quê ở Tây Ninh.
Tối cùng ngày, con chị L. đi chơi về phát hiện chiếc ô tô để trong nhà bị mất. Chị L. bay về nước cùng con trai báo công an.
Công an đi tìm bà Hoa thì bà không có ở nơi cư trú và tất cả người thân cũng không ai biết hiện bà ở đâu. Đến giữa tháng 8/2015, bà Hoa ra công an đầu thú.
Bà Hoa tại phiên tòa - Ảnh: báo VietNamNet |
Theo báo VnExpress, về đối tượng tên Võ Văn Tư, cơ quan điều tra cũng làm việc với Tư (bị bắt trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) nhưng anh ta phủ nhận quen biết bà Hoa, nên không có căn cứ xử lý.
Ôtô của chị L. được định giá 750 triệu đồng nên bà Hoa bị truy tố về tội Trộm cắp tài sản có khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến tù chung thân.
Trình bày với tòa, chị L. cho biết đã làm đơn bãi nại cho mẹ và không yêu cầu bồi thường. "Tôi mua chiếc xe lúc đã cũ, sử dụng trong nhiều năm trước khi mất. Cơ quan chức năng định giá nó 750 triệu đồng là quá cao, điều này ảnh hưởng đến hình phạt của mẹ tôi, mong HĐXX xem xét", chị nói.
Bào chữa cho bà Hoa, luật sư nói rằng, bị cáo lớn tuổi và không biết lái ôtô nên không thể mang xe đi cầm cố. Một số nhân chứng được triệu tập đến tòa cũng khẳng định Võ Văn Tư là người vào nhà lái chiếc xe đi. "Việc cơ quan điều tra không truy tố Tư là có dấu hiệu bỏ lọt tội, đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra làm rõ vai trò của người này", luật sư nêu quan điểm.
Ngoài tình tiết này, tòa cho rằng còn một số vấn đề khác chưa được làm rõ nên đề nghị cơ quan điều tra bổ sung.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)