Truyền thuyết loài mèo giúp người
Hình ảnh “chú mèo thần tài” mang về tài lộc và may mắn vốn đã phổ biến nhiều quốc gia châu Á. Nhiều người lầm tưởng “mèo thần tài” là của Trung Quốc bởi đây là một trong số những quốc gia đề cao hình ảnh loài mèo. Tuy nhiên, trên thực tế, “chú mèo thần tài” không hề bắt nguồn từ Trung Quốc mà đến từ Nhật Bản.
Trong tiếng Nhật Bản, “mèo thần tài” được gọi là maneki-neko, có nghĩa là “mèo vẫy tay”. Khác với các nước phương Tây, cách chào đón của người Nhật Bản là giơ bàn tay lên phía trước và cụp ngón tay xuống phía dưới. Hình ảnh đó đã được người Nhật Bản sử dụng để sáng tạo ra “chú mèo vẫy tay” maneki-neko.
Với bàn chân giơ lên cao, đôi tai nhọn hướng lên trên, “chú mèo vẫy tay” của Nhật Bản từ lâu đã gắn liền với sự may mắn và thịnh vượng. Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của chú mèo này, phần lớn đều đến từ Nhật Bản.
Một trong những truyền thuyết phố biến nhất về loài mèo giúp đỡ con người kể về chú mèo được sinh ra tại ngôi đền Gōtoku-ji ở phường Setagaya, Tokyo (Nhật Bản) trong thời kỳ Edo (1603–1868). Theo các nhà sử học, trong lúc đi săn với chim ưng, người cai trị vùng Ii Naotaka đã được con mèo cưng Tama của sư trụ trì đén cứu sống. Khi ấy, chú mèo này đã “vẫy gọi” người cai trị vào đền Gōtoku-ji, giúp ông tránh được sét đánh.
Biết ơn chú mèo vì đã cứu mạng mình, người cai trị đã phong chú mèo này làm linh vật bảo trợ cho đền Gōtoku-ji. Từ đó, chú mèo đã nhận được sự tôn kính trong ngôi đền ấy.
Ngày nay, tại khu vực quanh đền Gōtoku-ji yên tĩnh, có rất nhiều tượng mèo đượng dựng lên với kích cỡ khác nhau. Du khách đến Gōtoku-ji thường để chiêm ngưỡng tượng mèo trắng, giống với mèo đuôi dài Nhật Bản, và cầu may mắn. Du khách có thể mua tượng mèo tại chùa và để lại đó như một lễ vậy. Tuy nhiên, cũng có nhiều người vẫn mang tượng mèo tại đền về làm kỷ niệm.
Trong khi đó, gần Asakusa, Tokyo, một câu chuyện khác được lưu truyền về chú mèo maru-shime no neko (mèo may mắn) của đền Imado. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến mức không có đủ tiền cho mèo cưng ăn và cuối cùng phải thả nó đi. Đêm đó, chú mèo xuất hiện trong giấc mơ của bà và nói: “Nếu bà tạo ra những bức tượng mèo theo hình ảnh của tôi, tôi sẽ mang lại may mắn cho bà”.
Theo hướng dẫn của chú mèo, bà lão làm những bức tượng mèo nhỏ bằng gốm, nghiêng đầu và giơ một bàn chân lên. Sau đó, bà mang chúng đến bán ở cổng đền Imado. Đúng như những gì chú mèo nói, những bức tượng nhỏ nhanh chóng trở nên rất phổ biến, giúp bà lão thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cũng trong năm đó, nhà in nổi tiếng Hiroshige Utagawa đã vẽ lại minh họa những bức tượng mèo đang được bán trong bản in khắc gỗ nổi tiếng của ông, tạo ra hình ảnh lâu đời nhất được biết đến về “mèo thần tài”.
Còn rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của “mèo vẫy gọi” nhưng nhìn chung, những chú mèo này đều được cho là sẽ đem lại may mắn. Lý do khiến những “chú mèo thần tài” trở nên phổ biến có liên quan tới hình ảnh của loài mèo ngoài đời thực.
Gần một thế kỷ sau đó, “mèo thần tài” đã có thêm nhiều phiên bản với những màu sắc khác nhau. Trong đó, bức tượng maneki-neko màu xanh lam có thể giữ an toàn cho bạn; màu hồng dành cho những ai đang tìm kiếm sự may mắn trong tình yêu; còn màu vàng được biết đến với khả năng thu hút sự thịnh vượng.
Nói thêm về bức tượng “mèo thần tài”, ông Okuyama giải thích: “Những bức tượng nhỏ này không chỉ là bùa hộ mệnh. Chúng còn được xem là trung gian hoặc sứ giả kết nối với các vị thần linh”.
Sự lan rộng của “mèo thần tài”
Vẫn chưa rõ bằng cách nào mà những bức tượng mang tính biểu tượng về “mèo thần tài” lại lan rộng ra bên ngoài Nhật Bản và trở nên nổi tiếng khắp châu Á cũng như phần còn lại của thế giới.
Theo một dự án nghiên cứu do ông Bill Maurer - giáo sư nhân chủng học tại Đại học California - dẫn đầu, các bức tượng này có từ thời Minh Trị (1868–1912).
Cụ thể, vào năm 1872, chính phủ Minh Trị đã ban hành Sắc lệnh Đạo đức Công cộng cấm trưng bày các loại bùa chú. Theo đó, những bức tượng maneki-neko được sử dụng thay thế và việc sử dụng maneki-neko như một tấm bùa hộ mệnh cho sự thịnh vượng nhanh chóng lan sang các quốc gia và cộng đồng châu Á khác.
Sự bùng nổ của văn hóa đại chúng Nhật Bản trong kỷ nguyên “Nhật Bản tuyệt vời” những năm 1980-90 - trùng với làn sóng thứ hai của người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ - càng đưa hình ảnh manoki-neko lan rộng và trở thành một phần văn hóa chính thống.
Hình ảnh “mèo thần tài” sau đó nhanh chóng được thể hiện dưới dạng các ký tự đa phương tiện trong nghệ thuật, thời trang và thậm chí cả trò chơi điện tử. Ông Okuyama nhận định: “Những truyền thuyết về loài mèo này đã được mở rộng hơn trong nền văn hóa đại chúng ngày nay”.
Giờ đây, hình ảnh “mèo thần tài” đã trở nên quen thuộc với nhiều người, đặt cạnh quầy tính tiền, vẫy chào khách từ các cửa hàng.
Minh Hạnh (Theo National Geographic, Times Of India)