Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe máy cần phải tuân thủ những điều dưới đây:
1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ các trường hợp như sau thì được chở tối đa 2 người: chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, cũng như xe gắn máy cần phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:
a) Đi xe dàn hàng ngang.
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ, phương tiện khác.
c) Sử dụng ô, điện thoại di động hoặc thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, hay mang, vác và chở vật cồng kềnh.
đ) Buông cả 2 tay hoặc đi xe bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh.
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
4. Người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi như sau:
a) Mang, vác các vật cồng kềnh.
b) Sử dụng ô.
c) Bám, kéo hoặc đẩy phương tiện khác.
d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc là ngồi trên tay lái.
đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Như vậy, luật không quy định về hành vi lái xe máy bằng một tay. Tương tự, Nghị định 46/2016/NĐ-CP hướng dẫn về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã liệt kê mức xử phạt cho các vi phạm về điều khiển xe máy, dù vậy cũng không đề cập tới hành vi điều khiển xe máy bằng một tay.
Có thể thấy, lái xe máy bằng một tay sẽ không bị xử phạt bởi chưa có quy định. Tuy nhiên, đây là hành vi rất nguy hiểm, khi người điều khiển xe rất khó kiểm soát được phương tiện và kịp thời xử lý khi tình huống bất ngờ xảy ra, dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, mọi người nên hạn chế việc điều khiển xe bằng một tay.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm, về hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe hoặc sử dụng chân điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo khoản 8, khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) với mức phạt tiền là từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi này, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và tịch thu phương tiện.