Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng.
Luật Giao thông đường bộ quy định hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Trong đó, tác dụng của cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn được quy định như sau:
- Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
- Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.
Các trường hợp cắm cọc tiêu:
- Phía lưng các đường cong từ tiếp đầu đến tiếp cuối.
- Đường hai đầu cầu.
Trường hợp bề rộng cầu hẹp hơn bề rộng nền đường thì những cọc tiêu ở sát đầu cầu phải liên kết thành hàng rào chắn hoặc xây tường bảo vệ.
- Hai đầu cống nơi chiều dài cống hẹp hơn bề rộng nền đường. Các cọc tiêu phải liên kết thành hàng rào chắc chắn hoặc xây tường bảo vệ.
- Các đoạn nền đường bị thắt hẹp.
- Các đoạn nền đường đắp cao từ 2m trở lên.
- Các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao.
- Các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt cùng mức.
- Các đoạn đường có công trình thi công.
- Dọc hai bên những đoạn đường bị ngập nước thường xuyên hoặc chỉ ngập theo mùa và hai bên thân đường ngầm.
- Các đoạn đường qua bãi cát, đồng lầy, đồi cỏ mà khó phân biệt mặt đường phần xe chạy với dải đất hai bên đường.
Tường bảo vệ có thể được dùng với ý nghĩa báo hiệu thay thế cọc tiêu.
Các trường hợp có hàng rào chắn
(Hàng rào chắn thì có hàng rào chắn cố định và di động):
- Hàng rào chắn cố định đặt ở những vị trí nền đường bị thắt hẹp, ở đầu cầu, đầu cống hoặc ở đầu những đoạn đường cấm, đường cụt, không cho xe, người qua lại.
- Hàng rào chắn di động đặt ở những vị trí cần điều khiển sự đi lại và kiểm soát giao thông.
- Điều 46, Nghị Định Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định:
+ Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm.
+ Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
+ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
- Điểm b, Khoản 3, Điều 13, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sau đây: Thi công trên đường bộ đang khai thác không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn theo quy định; không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công; không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định để xảy ra tai nạn giao thông.