Đối với Thạc sỹ Ma Diên Lệ, việc tham gia tình nguyện trước tiên là cống hiến tinh thần, sức lực của bản thân với cộng đồng để chung tay làm những điều ý nghĩa.
Bạn Ma Diên Lệ (dân tộc Tày), 25 tuổi là Thạc sĩ, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Anh trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Cô gái có thân hình nhỏ nhắn, tính tình vui vẻ và yêu thích công việc thiện nguyện.
Ma Diên Lệ quê ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), là em út trong gia đình 2 chị em, cô gái vùng Tây Nguyên luôn giữ cho mình quyết tâm và ý chí vươn lên trong học tập. Năm 2013, cô đậu đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP. Hồ Chí Minh với số điểm cao và đạt á khoa đầu ra với tấm bằng xuất sắc khi tốt nghiệp. Vì thế, Lệ được giữ lại trường công tác cho đến giờ.
Vào năm 2015, khi tham gia CLB Hành trình Đỏ Lâm Đồng, Diên Lệ phát hiện mình bị bệnh Thalassemia dạng ẩn. Căn bệnh mà lúc cô tham gia câu lạc bộ đã cùng mọi người tìm hiểu và tuyên truyền. Nhưng Lệ cũng không thể ngờ rằng chính bản thân mình cũng đang mang trong mình căn bệnh ấy.
“Gia đình mình là dân tộc Tày nên những kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh còn rất hạn chế, bố mẹ Lệ trước khi lấy nhau cũng chưa biết gì về căn bệnh này và ít có điều kiện đi xét nghiệm tiền hôn nhân tại địa phương, mãi đến sau này khi bác sĩ chẩn đoán thì cả nhà mới biết được tan máu bẩm sinh là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm” – Diên Lệ tâm sự.
Đối với cô giáo trẻ, việc tham gia tình nguyện trước tiên là cống hiến tinh thần, sức lực của bản thân với cộng đồng để chung tay làm những điều ý nghĩa. "Em không dám nghĩ đã làm được những điều lớn lao cho cộng đồng nhưng em tin chắc rằng phần nào đó mình có thể đem đến sự lạc quan, nhìn nhận một cách tích cực hơn cho những bệnh nhân tan máu bẩm sinh giống em", Diên Lệ tâm sự.
Từ khi mắc bệnh, mỗi tháng một lần hay mỗi khi bị mệt Lệ đều phải đến bệnh viện để truyền máu, nhưng cũng may mắn là Diên Lệ chỉ mang gen bệnh ở thể nhẹ, vẫn còn đủ sức khỏe để theo đuổi đam mê các hoạt động cộng đồng. Tháng 10/2018, sau khi tham gia mạng lưới tình nguyện viên Vietnam RedCross Volunteer, cô được bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe, có khả năng bị ung thư máu khi cơ thể ứ đọng sắt dễ hình thành các tế bào ung thư nguy hiểm.
Cô ý thức được căn bệnh mà mình đang mắc phải nên quyết tâm học thật giỏi và tham gia nhiều công tác xã hội, đặc biệt là những công tác liên quan đến sức khỏe cộng đồng để giúp đỡ mọi người.
Hiện tại sức khỏe giảng viên 9x Ma Diên Lệ đã ổn định, cô tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội. Tháng 6/2020 cô trở thành tình nguyện viên Hành trình đỏ để tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia và vận động hiến máu tình nguyện trên khắp đất nước.
Trước đó, bà Trần Thị Mai (sinh năm 1966, Khánh Hòa) là một trong những gương mặt nổi bật được vinh danh tại lễ biểu dương người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay.
54 tuổi, bà Mai đã tham gia hiến máu tới 95 lần. Bà cho biết, hoạt động này giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. “Tới nỗi đủ điều kiện mà không được đi hiến máu, tôi thấy bứt rứt, khó chịu lắm”, bà Mai mỉm cười, nói.
Bà Mai bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên vào năm 2000. Ngày ấy, một lần lên chăm cha ốm tại bệnh viện, bà biết chuyện về một cụ già mắc bệnh hiểm nghèo điều trị cùng phòng với cha mình.
Cụ rất cần máu để truyền, tuy nhiên thời điểm đó ở bệnh viện không có ngân hàng máu sống, nguồn máu vô cùng khan hiếm. Gia đình cụ lại nghèo khổ, không có tiền để mua máu truyền. Cứ thế, cụ rệu rã dần rồi không qua khỏi.
Sự ra đi của cụ khiến bà Mai rất đau lòng, liên tiếp những đêm trăn trở tới không ngủ. Bà nghĩ, tại sao bản thân không thể làm gì đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như họ?
Tình cờ, sau đó không lâu, Hội Chữ thập đỏ địa phương tới từng hộ gia đình để vận động hiến máu, bà Mai đã không chần chừ đăng ký tham gia.
Sau khi hiến máu, bà Mai thấy cơ thể hoàn toàn bình thường. Một vài tháng sau hiến, bà thậm chí còn thấy sức khỏe tốt lên, da dẻ, dáng người đều đẹp hơn trông thấy. Thấy vợ khỏe mạnh, rạng rỡ, người chồng cũng bớt lo lắng hơn, an tâm để bà Mai làm những điều mình thích.
Từ thời điểm đó, trung bình mỗi năm, bà Mai hiến máu khoảng 4 lần. Tới nay, bà đã có 91 lần hiến máu toàn phần, 2 lần hiến tiểu cầu và 2 lần hiến máu cấp cứu.
Thanh Tùng (T/h)