+Aa-
    Zalo

    Điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023: Tháo dỡ điểm nghẽn

    (ĐS&PL) - Trong bối cảnh khó khăn do tác động của xung đột quân sự, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động giá cả… công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2022 đã góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những điểm tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số điểm cần khắc phục trong năm 2023.

    Trong năm 2022, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ được đánh giá là thành công trên hai phương diện chính, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch vừa hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với những biến động mới từ bên ngoài.

    Đối với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý và nuôi dưỡng nguồn thu.

    h 1
    Nâng cao công tác điều hành chính sách tiền tệ

    Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được triển khai kịp thời. Các khoản chi hỗ trợ đã giúp giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đồng thời tạo điều kiện doanh nghiệp và người dân phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới. Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao đã giúp giảm nhẹ tác động tới tỉ lệ lạm phát, kinh tế vĩ mô và đời sống người dân.

    Về phía chính sách tiền tệ, công tác điều hành chính sách tiền tệ phải đối mặt với nhiều áp lực từ bên ngoài như biến động giá cả, tỉ giá và dòng vốn đầu tư. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả thông qua nhiều giải pháp có tính chất đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

    Trong quý IV năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với liều lượng mỗi lần 1%, nới biên độ tỉ giá từ mức 3% lên 5% đồng thời điều chỉnh tăng tỉ giá trung tâm. Nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng linh hoạt để bơm hút tiền, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế bên cạnh điều chỉnh thận trọng chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

    Thành công trong công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ đã đóng góp vào thành công chung của kinh tế cả nước trong năm 2022 giúp kinh tế vĩ mô được bảo đảm ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 8%.

    Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn một số tồn tại như tăng thu chủ yếu từ các nguồn không ổn định, bền vững; thu từ hoạt động thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhiều năm không đạt dự toán, giải ngân chi đầu tư phát triển chậm; thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ một số vấn đề, niềm tin thị trường sụt giảm; mặt bằng lãi suất tăng đáng kể so với cuối năm 2021, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp; xuất hiện tình trạng thiếu vốn tại một số ngành nghề, lĩnh vực tại một số thời điểm.

    h 2
    TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC - Nguyên quyền Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia

    Sang năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại do tiếp tục phải đối mặt với khó khăn. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ ở mức 2,7%, thấp hơn so với mức 3,2% của năm 2022. Trong khi đó, lạm phát chỉ có thể giảm dần từ nửa cuối năm 2023 và cần thời gian dài hơn để trở về mức mục tiêu.

    Trong cuộc họp thứ IV năm 2022, Quốc hội đã thông qua các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2023, trong đó, lạm phát sẽ ở mức 4,5%, tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong nước vẫn phải tiếp tục đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả để có thể bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện bất định.

    Về phía điều hành chính sách tài khóa, cần quyết liệt thực hiện thu ngân sách Nhà nước hoàn thành dự toán trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu một cách bền vững bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp phụchồi và phát triển. Công tác chi ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân hàng đầu tư công để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế...

    Với thị trường tài chính, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế... Chính phủ đang nghiên cứu để sửa lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, ví dụ là vấn đề về nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay việc quy định các tài sản đảm bảo cho trái phiếu.

    Về phía điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả và tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa để đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2023.

    Về phía doanh nghiệp, khi phải đối mặt với những khó khăn và bất ổn thì trước tiên cần triển khai những biện pháp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, thị trường. Nói cách khác, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng cần phát huy tinh thần tự chủ, tự lực để có thể chủ động ứng phó với tình hình mới.

    Với những kinh nghiệm và kết quả điều hành có được trong năm 2022, chúng ta có quyền tin tưởng rằng công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp và người dân vượt qua những khó khăn và thách thức đang chờ đón, góp phần đạt được thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2023.

    Cần ban hành một khuôn khổ pháp lý mới, khoa học hơn, chặt chẽ hơn đặt trong sự giám sát hiệu quả hơn cho thị trường trái phiếu, doanh nghiệp sẽ giúp thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

    Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-hanh-kinh-te-vi-mo-nam-2023-thao-do-diem-nghen-a563138.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngân hàng Nhà nước điều hành các giải pháp tín dụng trong năm 2022

    Ngân hàng Nhà nước điều hành các giải pháp tín dụng trong năm 2022

    Để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng