+Aa-
    Zalo

    Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh không trả hơn 60 tỷ USD chi phí rời EU?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên minh châu Âu có thể đưa Anh ra tòa nếu như nước này không nhất trí đền bù 62,4 tỷ USD chi phí cho việc rời khỏi tổ chức.

    Liên minh châu Âu có thể đưa Anh ra tòa nếu như nước này không nhất trí đền bù 62,4 tỷ USD chi phí cho việc rời khỏi tổ chức. Tuy nhiên phía Anh khẳng định, cần giảm một phần trong khoản thanh toán.

    Cuộc "đàm phán ly hôn"...

    Ngày 25/3, để phản đối việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hàng ngàn người đã tuần hành ở Thủ đô London. Người biểu tình đã vẫy cờ của EU và giơ cao biểu ngữ với những khẩu hiệu như: “Vậy kế hoạch là gì?" và “Hãy dừng Brexit”... trong lúc tiến về tòa nhà Quốc hội.

    Hồi tháng Sáu năm ngoái, khi nước Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU, có 52% số người bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 48% muốn ở lại. “Với kết quả sát sao như thế, tôi không hiểu tại sao mọi người có thể gọi đây là nguyện vọng của người dân”, cô Joss Dennis, một người tham gia biểu tình chia sẻ.

    Rất đông người mang theo biểu ngữ ủng hộ Liên minh châu Âu trên đường phố London.

    Các vụ biểu tình phản đối việc Anh rời liên minh châu Âu (EU) tăng, khi chỉ còn vài ngày nữa Thủ tướng Anh sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu đưa Anh rời khỏi EU (ngày 29/3).

    Anh sẽ bắt đầu quá trình 2 năm đàm phán để rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit). Nếu Anh và các thành viên EU không muốn kéo dài các cuộc đàm phán “ly hôn”, thì quá trình này sẽ hoàn tất vào ngày 29/3/2019.

    Ông David Davis, Bộ trưởng Brexit cho hay, động thái trên sẽ bắt đầu “vòng đàm phán quan trọng nhất đối với đất nước Anh, đối với một thế hệ”. Ông nhấn mạnh, Chính phủ Anh sẽ đảm bảo “mối quan hệ đối tác mới tích cực hơn” giữa Anh và EU.

    Khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, Chính phủ Anh sẽ phải ban hành ít nhất 15 đạo luật mới cùng hàng ngàn trang văn bản dưới luật, một nghiên cứu mới của viện Chính phủ Anh cho hay.

    Tạp chí De Volkskrant của Hà Lan cho hay, EU đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho đàm phán Brexit. Theo bản dự thảo về đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu do Chủ tịch EU, ông Donald Tusk đưa ra, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ấn định ngày bắt đầu cuộc đàm phán, EU sẽ bắt đầu cuộc đàm phán với sự “hợp tác đầy thiện chí”.

    Tuy nhiên, tạp chí này cũng phân tích, những người đàm phán đang lo ngại vì Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, ông David Davis vốn nổi danh là “chiến binh đường phố”.

    Vì lẽ đó, các nhà đàm phán của EU đang chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chiến đấu trong trường hợp cần thiết và soạn thảo kế hoạch để đưa nước Anh ra tòa án Quốc tế ở Hague.

    Vấn đề chính của nội dung đàm phán có thể là khoản chi phí mà Anh phải trả, để rời khỏi khối liên minh.

    EU cũng chuẩn bị để đưa Anh ra tòa nếu như nước này không nhất trí trong những vấn đề chủ chốt như tiền đền bù 50 tỷ bảng Anh (62,4 tỷ USD).

    Đầu tháng này, ủy ban Tài chính châu Âu cho rằng, Anh không có nghĩa vụ pháp lý về việc thanh toán theo yêu cầu của EU nếu không có thỏa thuận nào được thông qua, khi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 2 năm.

    Tháng trước, cựu Đại sứ của Anh ở EU, ông Sir Ivan Rogers cảnh báo, cuộc đàm phán về vấn đề chi phí rời khỏi EU của Anh sẽ đầy thách thức.

    Bản dự thảo 10 trang mà tạp chí De Volkskrant có được chỉ ra rằng:

    1. EU sẽ chỉ cho Anh được phép tiếp cận với thị trường của liên minh này, nếu Anh đồng ý thực hiện 4 sự tự do về: Hoạt động, nguồn vốn, hàng hóa và dịch vụ.

    2. 3 triệu công dân EU sống ở Anh có quyền tiếp tục ở tại đó và đảm bảo các quyền lợi của họ. EU sẽ làm điều tương tự đối với các công dân Anh đang sống ở EU, nếu Anh chấp thuận điều này.

    3. Anh bị mất một số quyền lợi hiện tại, liên quan đến trao đổi thương mại như một hậu quả của việc rời khỏi EU.

    Rời EU, Anh sẽ trả giá đắt

    Mặc cho EU đưa ra số tiền đền bù khổng lồ mà Anh phải trả cho khối liên minh, Anh khẳng định muốn giảm mức thanh toán xuống còn 3,4 tỷ Euro vì cho rằng, Anh cần được hưởng một phần tài sản của EU và có thể giảm một phần trong khoản thanh toán mà EU đề nghị.

    Giới chức Anh cho rằng, EU có nghĩa vụ phải trả phần của Anh trong các quỹ của EIB. Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu EU phải trả 9 tỷ bảng Anh (khoảng 11 tỷ USD) tài sản của Anh tại ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), sau khi nước này bắt đầu các thủ tục thực hiện Brexit.

    Bên cạnh đó, Anh cũng đang làm rõ việc London có cổ phần 16% vốn của ngân hàng, tương đương với khoảng 10 tỷ Euro.

    Thủ tướng Anh sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu đưa đất nước rời khỏi Liên minh châu Âu vào 29/3 tới. 

    Trước đó, giới luật sư Anh lập luận nước Anh có lý do hợp pháp để không phải trả cho Liên minh châu Âu 60 tỷ Euro theo các thỏa thuận đã ký trước đó, sau khi rời bỏ EU.

    Hẳn nhiên, việc Anh kiên quyết rời khỏi EU khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu không hài lòng. Phát biểu trước Hạ viện Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ thất vọng khi thấy một trong những chủ thể chính của châu Âu rời bỏ liên minh. Ông nhấn mạnh trước các nghị sĩ Bỉ, Brexit là một cuộc khủng hoảng liên lụy đến tất cả châu Âu.

    “Đó sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn, có thể mất tới 2 năm để tìm được tiếng nói chung về các điều khoản khi Anh rời EU. Đồng thời, để thống nhất về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, chúng ta cũng sẽ cần tới nhiều năm. Người Anh cần phải biết rằng sẽ không có chuyện họ không phải trả giá. Anh sẽ phải tôn trọng cam kết mà họ có liên quan. Vì thế, họ sẽ phải trả một cái giá đắt, thậm chí là rất đắt”, ông Jean-Claude Juncker cho hay.

    Chính phủ Anh luôn bày tỏ mong muốn Brexit sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước này và sẽ vẫn được hưởng nhiều quyền lợi từ EU sau khi rời đi. Tuy nhiên, theo giới bình luận, mong muốn này là điều khó thành hiện thực.

    Trong khi đó, giới chức an ninh châu Âu cảnh báo việc Anh rời EU có thể khiến nước này đối diện nguy cơ bất ổn an ninh. Anh hiện đang sử dụng dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vốn có chức năng giúp các nước EU đối phó với tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng.

    Ngoài ra, London cũng tham gia các nghị định thư chia sẻ tin tình báo trong thỏa thuận Schengen, cũng như thỏa thuận trao đổi dữ liệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giữa các cơ quan an ninh EU.

    Vậy nên nếu rời EU, các chuyên gia cho rằng Anh sẽ phải dựa vào những mối quan hệ riêng rẽ với chính phủ 27 nước thành viên EU khác.

    Đào Vũ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-gi-se-xay-ra-neu-anh-khong-tra-hon-60-ty-usd-chi-phi-roi-eu-a185373.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan