Với những thiệt hại nặng nề sau 2 cơn lũ vừa qua, người dân Hà Tĩnh đang lâm vào cảnh “đụng đâu khó đó”.
Rau chết khô, dân đốt bỏ
Thôn La Xá (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) được mệnh danh là “thủ phủ” trồng rau gia vị. Toàn thôn có 145 hộ thì số hộ trồng rau gia vị chiếm 2/3 với tổng diện tích 3ha. Đây là vùng trồng rau thơm ven TP.Hà Tĩnh - nguồn cung ứng chủ yếu cho địa bàn toàn tỉnh và các vùng lân cận, cho thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/tháng/hộ.
Tuy nhiên, trận lũ vừa qua đã khiến toàn bộ diện tích trồng rau thơm của người dân bị ngập úng. Sau khi lũ rút, chỉ còn trơ lại gốc héo khô, người dân chỉ còn biết nhổ vứt đi. Không những thế, hệ thống bét tưới, máy bơm cũng ngâm nước lũ lâu ngày rỉ tét, hư hỏng.
Là "thủ phủ" trồng rau thơm, giờ đây thôn La Xá chỉ còn trơ lại những luống đất trọc. |
Xới những luống đất để chuẩn bị bón vôi khử phèn, khôi phục lại vườn rau đã bị xóa sổ sau lũ, ông Phạm Văn Đệ (SN 1957), là người trồng rau thơm đã 31 năm qua tại thôn La Xá cho biết, gia đình ông có 5 sào đất trồng rau gia vị. Trung bình mỗi sào 1 tháng cho thu nhập 3,5 triệu đồng, 5 sào rau gia vị của gia đình ông cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng.
“May mắn còn một ít giống tía tô sót lại nên tôi cung cấp cho người dân, ngoài ra tôi mua thêm giống cây rau húng về trỉa thêm chứ các loại giống khác mua về trỉa cũng không mọc”, ông Đệ cho biết.Hai trận lũ liên tiếp đã khiến nguồn thu nhập của cả gia đình ông trôi theo nước lũ. 5ha rau gia vị bị ngập úng dẫn đến chết khô sau khi nước rút. Đáng nói, đặc thù cây gia vị ở đây người dân trồng trữ giống gối vụ còn mua giống ở nơi khác về trồng không mọc được do không hợp thổ nhưỡng, vì vậy giống càng trở nên khan hiếm.
Cách nhà ông Đệ không xa là khu vườn rộng gần 1.000m2 của chị Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1968, thôn La Xá). Dấu bùn vẫn còn bám lên trên từng vòi tưới. Chị Nghĩa đã dọn dẹp, gom xác cây rau gia vị bị chết nhưng vì chưa có giống để tái sản xuất nên chị chưa xới đất để trồng.
Vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Nghĩa là 1 trong 10 vườn mẫu của thôn. Trước đây, vườn rau xanh ngát với đủ các loại như rau tía tô, húng, quế, canh giới... nhưng giờ không sót lại cây nào. Thu nhập của gia đình chị Nghĩa chủ yếu dựa vào vườn rau, chị cũng là đầu mối thu mua rau gia vị cho các thành viên tổ hợp tác (THT) rau gia vị thôn La Xá. Sau lũ, chị như trở thành người không có việc làm.
Theo bà Dương Thị Thìn (SN 1951), Trưởng thôn La Xá, những năm gần đây, người dân trong thôn hầu hết chuyển đổi sang trồng cây gia vị vì cho thu nhập cao gấp 14 lần so với trồng lúa. Tại đây, cũng thành lập THT rau gia vị thôn La Xá với 22 thành viên.
“Chúng tôi mới họp chi bộ, liên đoàn thôn để bàn phương án khôi phục sản xuất. Thôn vận động dân tăng cường tái thiết sau lũ và đặt ra mục tiêu đến cuối tháng 10 âm lịch phải có rau cho dân bán, phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nhưng giờ với tình trạng này rất khó để khôi phục” – bà Thìn nói.
Cũng theo bà Thìn, bây giờ, người dân cần nhất là giống. Nguồn giống phải mua từ các hộ dân khác vẫn còn trữ giống chứ cấp giống cho dân sẽ không trồng được gây lãng phí.
80 vạn con gia cầm chết sau lũ
2 đợt lũ lụt lịch sử từ ngày 18 - 21/10 và 30 - 31/10 đã khiến đời sống của hàng vạn hộ dân hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập sâu nhất: Huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh... lâm cảnh khốn khó; thiệt hại về tài sản, giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp vô cùng nặng nề.
Riêng sản xuất nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc sở NN&PTNT Hà Tĩnh - cho hay, ít nhất 550ha lúa, gần 3.000ha rau màu bị thiệt hại; gần 270 tấn hạt giống, 17.000 tấn lương thực bị ngập nước, hư hỏng; gần 10.000 con gia súc và gần 80 vạn con gia cầm bị chết, cuối trôi...
Ông nói rằng, cuộc đời ông chưa bao giờ thấy nước lũ khủng khiếp đến như vậy. |
Xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) được biết đến là “thủ phủ” chăn nuôi gia cầm. Đợt lũ lần 1 vừa qua có 90% số hộ trên địa bàn xã bị ngập sâu; 20.000/72.000 con gia cầm bị xóa sổ.
“Ngoài thiệt hại cụ thể trước mắt, nước bạc xâm nhập ao hồ còn khiến vịt ngưng đẻ, mỗi ngày bà con mất hàng triệu đồng tiền thức ăn/hộ để nuôi cầm cự”, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài - thông tin.
Tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) - “thủ phủ” trồng rau xanh tại tỉnh Hà Tĩnh - cũng có hơn 65 ha diện tích trồng rau của người dân bị ngập sâu trong nước, gây hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, 2 trận lũ lịch sử vừa xảy ra tại Hà Tĩnh đã khiến tỉnh này bị thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông... với tổng số tiền hơn 5.300 tỷ đồng. Mặc dù, người dân đang cố gắng cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, bộ ngành Trung ương và địa phương bắt đầu tái thiết sản xuất, ổn định đời sống sau lũ nhưng với những thiệt hại quá nặng nề, người dân nơi đây đang lâm vào cảnh “đụng đâu khó đó”.
Để đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế lâu dài cho người dân vùng lũ, tại buổi làm việc với đoàn công tác bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu vào chiều 10/11, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Chính phủ, Bộ ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) - thông tin, trước mắt, Cục sẽ cùng các doanh nghiệp hỗ trợ con giống, cây giống... cho bà con với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 10/11, bộ NN&PTNT đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua gần 1,1 triệu con gà giống, 17.000 con vịt giống; 2.000 con ngan giống; 300 tấn thức ăn; 300 triệu đồng tiền thuốc thú y; 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng; hơn 2,3 triệu liều vắc-xin... Hiện, Bộ đã cấp phát cho các tỉnh 18 tấn giống ngô; 10,8 tấn hạt giống rau; 30.000 liều vắc-xin, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. |
Bùi Thị Ngân
Bài viết được đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (46)