Không mất nhiều thời gian để nhận ra xiếc là một nghề “bạc”, nhiều diễn viên vẫn miệt mài lăn lộn trên sàn tập để mang đến những màn trình diễn mãn nhãn cho khán giả. Mồ hôi lấm tấm trên trán, nước mắt lăn trên má, đôi khi có cả máu trên da thịt, họ xem đó như cái nghiệp, vẫn say mê, cống hiến hết mình.
Lửa đam mê nung nóng... nghề “bạc”
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ là nghệ sĩ Nguyễn Thị Thịnh, Trịnh Trà My (sinh năm 1993) đã sớm bén duyên với nghề từ năm 12 tuổi, để rồi sau đó, cô gái ấy dành trọn niềm đam mê của mình cho bộ môn nghệ thuật xiếc mà chính cô cũng cho rằng nghề rất “bạc”.
Sau 5 năm được đào tạo và rèn luyện tại trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Trịnh Trà My trở thành diễn viên xiếc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tiết mục biểu diễn “đế kiếm trên cao” của nữ diễn viên trẻ luôn thu hút khán giả với bản lĩnh và sự dẻo dai, khéo léo và chính xác. Bởi lẽ, đế kiếm trên mặt đất đã khó, tiết mục đế kiếm trên cao lại càng nguy hiểm vì sử dụng kiếm, dao và biểu diễn trên không mà không có bất cứ hình thức bảo vệ nào, người biểu diễn phải dùng miệng để nâng mũi dao chạm mũi kiếm với độ nặng khoảng 1kg. My bật mí những ngày đầu còn phải nhét áo vào trong người để tránh những tai nạn nghề nghiệp.
Một buổi tập của diễn viên xiếc Trịnh Trà My cùng các bạn diễn. |
Chia sẻ về nghề, My cho biết, mặc dù tập trung cao độ vào tiết mục của mình, My vẫn không tránh khỏi một số sự cố nhỏ như bị tuột kiếm, hay ngã từ trên dây lụa xuống đất, nhưng may mắn chưa lần nào gặp phải chấn thương nghiêm trọng, chỉ bị xây xước ngoài da.“Tháng 11/2012, trong một màn trình diễn, tôi đã bị kiếm rơi xuống đâm vào ngực mình. Trước ánh mắt của hàng nghìn khán giả đang dõi theo, tôi chỉ có thể nén đau, biểu diễn tiếp tiết mục. Sau khi bước vào hậu trường mới cảm nhận vết thương rõ rệt nhất”, nữ diễn viên kể lại kỷ niệm lần bị tai nạn nghề nghiệp.
Những tháng ngày khổ luyện trong trường Xiếc, gặp rất nhiều khó khăn, đôi lúc My cũng nản lòng, chỉ muốn bỏ ngang. Có khi tập luyện mệt quá, chẳng thiết ăn cơm, về đến nhà là chỉ muốn nằm ngủ một giấc thật sâu. Chính những ngày chênh vênh ấy, người mẹ đã luôn bên cạnh ủng hộ và động viên cô “công chúa nhỏ” bước tiếp trên đôi chân của mình. “Mẹ vừa là huấn luyện viên đặc biệt, vừa là người tiếp lửa cho tôi”, My cười.
Thành công đầu tiên của Trà My chính là giải thưởng cao nhất, huy chương Vàng Liên hoan xiếc Quốc tế tại Nga năm 2012. My tâm sự: “Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi tên mình được xướng lên sau cùng với giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Cảm xúc lúc ấy khó có thể diễn tả bằng lời. Khi đó, tôi chỉ biết vỡ òa bên những đồng nghiệp thân thương”. Nữ diễn viên xiếc 26 tuổi cũng đã giành huy chương Bạc Liên hoan xiếc Quốc tế Tây Ban Nha năm 2014 và rất nhiều giải thưởng danh giá khác.
Nói về nghề vất vả, nguy hiểm đã chọn, My trầm ngâm: “Tôi phải khẳng định xiếc là một nghề “bạc”, tuổi thọ của nghề không được lâu, thời gian dành cho bản thân và gia đình không có nhiều, vì đa phần thời gian chúng tôi phải lăn lộn trên sân tập, để “trả phí” cho những màn trình diễn đẹp mắt ở mỗi chương trình”.
Cô bảo, dường như đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu nên mỗi khi ốm nhẹ, người không được khỏe, My cũng không thể ngồi yên khi nhìn các bạn bước ra sân khấu biểu diễn, cô vẫn xin được lên sân khấu và cố gắng hoàn thành tiết mục của mình.
Anh Hoàng Đức Thắng (SN 1980) cũng là một nghệ sĩ xiếc nổi tiếng với tiết mục đu bay nhào lộn trên cao. Bén duyên với nghề muộn hơn so với cấc đồng nghiệp, năm 18 tuổi, anh mới được chọn để đào tạo nghề xiếc, nhưng anh chưa từng có giây phút nào cảm thấy muốn bỏ cuộc. “Có lẽ, đó là sự yêu nghề!”, anh chia sẻ.
Màn trình diễn đu bay của anh có thể thực hiện bằng hàm răng hoặc bằng cổ, nhưng anh cho biết, thực hiện bằng răng sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Đối với tiết mục này, sự cố bị rơi từ trên cao xuống không phải là ít, thậm chí có những nghệ sĩ gặp chấn thương không thể tiếp tục bước lên sân khấu nữa.
Nhắc đến một người chị, một người nghệ sĩ gạo cội với những màn đu dây chuyên nghiệp, vẻ mặt anh thoáng buồn: “Buồn nhất là câu chuyện của NSƯT Ngô Thị Tuyết Hoàn, trong một lần trình diễn tiết mục đu bay, chị đã gặp tai nạn, cú ngã định mệnh từ độ cao 2m đã cướp đi những màn trình diễn sắc màu bay bổng của chị. Từ đó, chị không thể tham gia biểu diễn trên những dải dây lụa đã từng gắn bó với chị suốt bao năm. Tuy nhiên, có lẽ lửa nghề vẫn cháy, mặc dù không thể biểu diễn, người chị thân thương ấy vẫn lặng lẽ trên chiếc xe lăn phía sau cánh gà với vai trò là biên đạo và hỗ trợ, truyền lại kinh nghiệm cho những nghệ sĩ trẻ”.
Chàng “Thạch Sanh” 4 lần chết hụt
“Chàng Thạch Sanh thế kỷ”chính là nghệ danh đặc biệt của NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam với màn biểu diễn cùng trăn.
Đã 28 năm gắn bó với những người bạn diễn nặng gần một tạ, người nghệ sĩ ấy vẫn khiến khán giả bị thu hút, hồi hộp dõi theo từng màn trình diễn của mình. Sinh năm 1967, từng bôn ba tới nhiều mảnh đất trên thế giới nhưng anh Toàn Thắng vẫn chọn trở về Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả quê nhà. Anh tự hào khi mình trở thành một người truyền cảm hứng cho những nghệ sĩ trẻ mới chập chững bước vào nghề.
NSƯT Tống Toàn Thắng là nghệ sĩ xiếc trăn đầu tiên ở Việt Nam. Người hâm mộ gọi anh bằng cái tên trìu mến “Chàng Thạch Sanh thế kỷ”. Trong các chuyến lưu diễn ở mỗi quốc gia, anh lại được khán giả đặt cho một biệt danh khác nhau, như “hoàng tử rắn”, “người hùng”, “hoàng tử trăn”... Suốt bao năm qua, không ít người liên lạc với anh để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và huấn luyện trăn và rắn.
Người nghệ sĩ 52 tuổi trầm ngâm: “Xiếc là nghề đặc thù, nghề đánh đổi sự nguy hiểm để mang đến những phút thăng hoa phấn khích cho khán giả. Đó là sự nghiệt ngã của nghề, nhưng đam mê đã giúp chúng tôi cùng bước qua gian khổ”.
Để được những màn trình diễn như ngày hôm nay, anh đã phải khổ luyện và đánh đổi rất nhiều, đối với anh, xiếc là hơi thở, là sự sống, là con đường để anh theo đuổi suốt cả cuộc đời. Từ năm 1991 đến nay, người nghệ sĩ đó đã xuất hiện với 7 con trăn khủng, nặng gần 90kg. Anh chia sẻ: “Tôi đã từng suýt chết 4 lần. Nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là lần bị con trăn quấn quanh người, bóp cổ, khiến tôi đổ gục xuống, mắt mờ, môi khô, cơ thể trạng thái chết lâm sàng. Mọi người phải phụ gỡ trăn ra và đưa tôi vào bệnh viện. Khi cơ thể bình phục, tôi lại quay về diễn tiếp”.
Để so sánh nhịp sống của xiếc hiện tại với những năm 90, NSƯT Tống Toàn Thắng cho là khá khập khiễng, tuy nhiên, điều mà anh cảm thấy tự hào nhất đó là: “Nhờ có những đóng góp, hy sinh của các thế hệ đi trước mà chúng tôi có thêm động lực để gắn bó hơn với công việc này mỗi ngày. Vui nhất là khi các bậc tiền bối quay trở về, thưởng thức những tiết mục của chúng tôi và dành những lời khen mãn nhãn, bởi trước kia, đâu có điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện những tiết mục công phu đến như vậy”.
Không ít lần gặp những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, nghệ sĩ “Thắng trăn” trải lòng: “Làm nghề này, nếu không có đam mê, chắc chắc chúng tôi không thể làm được. Chỉ cần có đam mê thì bao nhiêu giọt mồ hôi hiện trên trán, bao nhiêu giọt nước mắt lăn trên má hay máu đổ sau những chấn thương,... chúng tôi vẫn không ngại ngần mà bước tiếp, vẫn ngày ngày tập luyện để mang những màn trình diễn đẹp nhất, hay nhất đến với những người thực sự yêu mến bộ môn nghệ thuật này”.
Hiện tại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 140 diễn viên, chia thành 2 đoàn xiếc dân gian và xiếc đương đại, (xiếc thú là một đoàn riêng với rất ít nghệ sĩ). Theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có 60 tiết mục được đưa vào biểu diễn thường xuyên, mỗi dịp lễ, Tết như Quốc tế thiếu nhi, Trung Thu, Tết Dương lịch,... lại “chạy show” diễn có khi tới 5 suất một ngày. |
Cẩm Mịch
Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 65