(ĐSPL) - Sau nhiều lần dò hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên ngôi nhà sàn của người Mường nằm chót vót lưng chừng đồi lúc trời đã nhá nhem tối. Đó chính là nhà của “vua” Mường một thời Bùi Văn Hiển (SN 1958) trú tại thôn Thấu, xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bốn bề cây cối rậm rạp, tiếng côn trùng kêu rỉ rả làm cho những câu chuyện về bùa phép của “vua” Mường ngày nào như có thể “hô phong hoán vũ”, tự tạo tiếng ếch kêu trong ngực các sơn nữ… càng thêm huyễn hoặc.
Diện kiến “vua” Mường
Dù đứng dưới bậc thang nhà sàn cất tiếng gọi nhiều lần nhưng vẫn không thấy ai trả lời. Phải mất đến 30 phút chúng tôi mới nghe thấy tiếng loạt soạt từ trên đỉnh đồi đi xuống, đó là một người phụ nữ trung tuổi với dáng vóc nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn. Bỏ chiếc gùi đi rừng vào gầm nhà sàn, người phụ nữ với tay bật đèn ở chân cột nhìn chúng tôi một lượt rồi cất tiếng hỏi: “Các chú đến đây có việc gì vậy”. Tôi nói: “Vâng, chúng tôi đến tìm “vua” Hiển để trò chuyện, chúng tôi từ Hà Nội lên”. Người phụ nữ à lên nói: “Thì ra vậy, mấy hôm trước thấy ông nhà tôi nói có các chú ở Hà Nội lên chơi. Mời các chú vào nhà, để tôi gọi điện cho ông nhà tôi về”.
Chúng tôi cùng theo chân người phụ nữ lên nhà sàn, bỏ ba lô vào góc nhà rồi xuống bể nước phía dưới rửa chân tay, mặt mũi. Người phụ nữ vừa gọi điện cho chồng bằng tiếng dân tộc, vừa ra sau nhà bắt con gà làm thịt đãi khách. Buổi tối trên bản vùng cao xuống thật chậm, đứng trên nhà nhìn ra xung quanh một không gian đen kịt, tĩnh lặng. Để phá cái không gian đó, tôi mạnh dạn xuống bếp trò chuyện với người phụ nữ. Qua câu chuyện được biết bà tên là Bùi Thị Chẻm, 45 tuổi là vợ thứ hai của “vua” Hiển. Sau khi người vợ cả bị bạo bệnh rồi qua đời, bà về làm vợ hai và sau này có với “vua” Hiển hai người con.
Sau một tiếng chuẩn bị, một mâm cơm tươm tất được dọn lên giữa nhà sàn. Đúng là ở rừng cũng có cái sướng của nó, gà luộc chấm hạt rổi, đầu cánh nấu măng rừng và một đĩa măng muối làm cho chúng tôi bụng đang đói cồn cào cũng cảm thấy vui lòng. Ngồi chờ một lát thì “vua” Hiển cũng về. Vừa tới bậc thang nhà sàn, “vua” Hiển đã cất tiếng sang sảng: “Các chú đã đến rồi à. Thông cảm nhé, hôm nay nhà một người bạn ở bản bên có việc gia đình nên tôi về hơi muộn”. Tôi tiếp lời: “Không sao đâu “vua” Hiển, chúng tôi cũng được chị nhà tiếp đón chu đáo rồi”. Vẫn giọng sang sảng, “vua” Hiển nói: “ấy chết, đừng gọi tôi là “vua” nữa nhé, mọi người nghe thấy lại hiểu lầm, cứ gọi tôi bằng anh là được rồi”.
Luyện “tuyệt kỹ” phi đao
Sau vài chén rượu chào nhau (phong tục của người dân tộc Mường-PV) ông bắt đầu chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời: “Thực ra mình đã lâu lắm không nhắc đến sự việc đó nữa, kể cả với vợ con nên câu chuyện về làm “vua” cũng chính là những sai lầm, nông nổi thời trai trẻ của mình. Nhưng hôm nay phá lệ, các chú đã cất công từ Hà Nội lên thì mình cũng sẽ kể lại”. Năm 1977, cũng như bao trai bản khác, Hiển tham gia quân ngũ khi tròn 19 tuổi, thuộc Binh chủng quân khí, đơn vị đóng tại dốc Cun (huyện Cao Phong), đã từng làm Trung đội trưởng đội Tăng gia sản xuất.
Việc Hiển có được những phép thuật không phải là lặn lội nơi thâm sâu, cùng cốc và được các cao nhân truyền dạy như ta thường được xem trong phim trưởng. Bởi trong trong đơn vị có một đồng đội người dân tộc Dao (tỉnh Cao Bằng), có những “kỹ xảo” đặc biệt. Vì chơi thân với nhau nên Hiển được người bạn này truyền cho một số “bí kíp” mà sau này Hiển đã dùng để qua mặt mọi người. “Trước khi truyền cho tôi, người bạn này cũng bảo tôi muốn làm được phép cần lấy vật thân thiết bên mình để niệm các bùa chú. Sau đó, anh ta dạy tôi cách niệm chú, cách trừ tà, phán đoán, giải hạn... Tất nhiên không quên lời dặn chỉ được sử dụng vào những việc cần thiết, không được dùng quá giới hạn nếu không sẽ bị vướng vào tù tội. Sau này ngẫm lại tôi thấy điều đó quả không sai”, ông Hiển nhớ lại.
Biết vài “phép thuật” cơ bản, Hiển khoái trá khoe với mọi người về biệt tài dùng miệng phi dao cắm vào ván mà Hiển gọi đó là chiêu “phi dao ngậm”. Bạn bè cười mỉa, cho rằng Hiển đang tưởng tượng. Để minh chứng cho lời nói, Hiển đặt tấm ván cách xa hàng chục mét, rồi cúi xuống, miệng lẩm bẩm, sau đó hà hơi vào con dao liên tục. Ngậm chuôi dao trong miệng, Hiển đứng tấn, ép ngực căng hơi phun con dao cắm phập vào tấm ván trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Đầu năm 1981, Hiển xuất ngũ khi đã học được khá nhiều phép thuật từ người bạn. Trở về quê sinh sống cùng làm nương rẫy và lấy vợ là một cô sơn nữ trong bản, cuộc sống cũng giống như bao trai bản khác.
Những trò “làm phép” đã bị bóc mẽ
Cuộc đời Hiển sẽ không có điều gì “đáng nói” nếu như Hiển không dùng những thủ thuật “bùa phép” mà anh ta đã học được từ một người dân tộc Dao trên vùng Cao Bằng để lừa bà con trong bản như: Khả năng đoán trọng lượng của một vật mà không sai một lạng, tạo ra tiếng ếch kêu trên ngực con gái, dùng miệng phi đao cắm phập vào cây... Với những bùa phép đó, đã làm cho những người trong bản mê muội tôn Hiển là “vua” Mường để rồi cùng nhau cống nạp những tài sản trong nhà và thay nhau phục dịch: “Thực ra trong giai đoạn này kinh tế khó khăn, đa phần là phải ăn sắn, ăn khoai thay cơm nên tôi mới có hành động dại dột như vậy. Khi thấy mọi người tôn sùng thì lại nghĩ mình được hưởng lộc mà không chịu nghĩ đó là điều vi phạm pháp luật”.
Giọng buồn buồn “vua” Hiển kể tiếp: “Cứ đến ngày lễ, hội, cầu cúng là tôi lại gọi dân đến họp. Trước giờ họp tôi lấy con dao hà hơi, niệm chú, chỉ lên trời tối rồi lẩm nhẩm vài câu thần chú, phán rằng các vị thần đòi ăn, phải làm lễ cúng, nếu không cả bản sẽ bị thần linh trừng phạt. Lễ vật là cả bản góp, còn lợn sẽ lấy của nhà cán bộ trong xã”. Nắm bắt được thời tiết chuyển mùa, sắp có mưa nên “vua” Hiển tổ chức họp giữa ban ngày, “vua” đã dùng phép xua tay một cái, rồi đọc thần chú làm cho trời tối sầm lại. Chỉ trong vài phút mọi người phải thắp đuốc lên để họp làm cho dân trong bản tin sái cổ. “Vua” Hiển nói sẽ làm lễ để tế bốn cái miếu của làng, đồ lễ dân không phải đóng góp. Lợn đem thịt làm lễ sẽ bắt của Đội trưởng đội Sản xuất. Họp xong “vua” cho gọi Đội trưởng đội Sản xuất đến nói: “Thần linh muốn ăn con lợn nhà mày vì nó đúng 51 cân 7 lạng. Nếu đoán sai thì tao sẽ trả lại mày gấp 10 lần con lợn đó, nếu đoán đúng thì mày phải thịt lợn cho dân làng ăn”. Dù không tin nhưng vị Đội trưởng đội Sản xuất cũng đành phải đồng ý với điều kiện là nếu không đúng thì yêu cầu “vua” giữ đúng lời hứa.
Nói xong, “vua” cho đám cận vệ của mình đến bắt lợn để cân. Quả thực con lợn nặng đúng 51 cân 7 lạng không hơn, không kém. ông đội trưởng sản xuất phục tài “vua” mà cúi rạp người xuống đất để xin “vua” và thần linh thứ tội. Lợn được mổ ra cúng thần linh, dành những phần ngon nhất được dâng “vua”, những phần còn lại được phân phát cho đám chân tay theo mình. Sau này còn nhiều lần “vua” Hiển cân lợn như thế.
Trong mâm cơm của “vua”, bao giờ cũng phải có ít nhất 5 món bao gồm sụn lợn, lòng, thịt nướng, thủ lợn, cẳng giò... “vua” ăn trước một miếng rồi xua tay về phía trước. Lúc đó đám cận vệ mới được ăn. Cũng trong mâm cỗ, “vua” đặc biệt thích sụn lợn. Nếu trong bữa ăn “vua” chưa ăn hết thì người hầu phải đùm vào lá chuối đem về. Những đồ của “vua” như bát, đũa cũng phải dùng một mình chứ không chung với bất kỳ ai, vì nếu dùng chung sẽ làm mất đi tính linh thiêng. Khi ăn, đích thân “vua” kiểm tra thức ăn rất kỹ lưỡng. Bằng các biện pháp, “vua” kiểm tra xem có ai đó bỏ độc vào thức ăn, nước uống hay có hành vi phạm thượng với “vua” không... Nếu phát hiện, “vua” sẽ chỉ tận mặt người đó và trừng phạt ngay.
Vào thời gian đó, các cô sơn nữ ở trong vùng chỉ cần nghe đến “vua” Hiển đã sợ “xanh mắt”. Về đêm, các cô đi chơi về qua các con đường heo hút trong bản thì bất thình lình từ trong lùm cây, “vua” cùng với đám thân cận trong bản ngăn lại, trêu chọc. Các cô hốt hoảng ôm chặt lấy nhau. Còn đám cận vệ thì cười sằng sặc làm họ càng sợ, Hiển càng khoái chí, rồi “vua” mấp máy môi, rít từng hơi dài, sau đó dùng con dao thần chỉ vào ngực các nàng, làm phát ra tiếng ếch kêu oàm ạp làm cho các cô khiếp đảm. Đám con gái vừa chạy, vừa la hét, vừa cởi cạp váy hở hết cả đôi gò bồng đảo trắng nõn nà. “Vua” cùng đám thân cận thì cười như nắc nẻ. Sau những vụ đó, không còn cô gái nào dám ra đường vào ban đêm nữa.
“Vua” Hiển còn dùng phép thuật vắt lông gà ra nước, đầu tiên là hà hơi vào lông gà, sau đó “vua” dùng con dao đã niệm chú chỉ thẳng vào chiếc lông gà rồi vắt được nửa chén nước. Ngoài sự kinh ngạc của những người chứng kiến những chén nước này, những người sản phụ đẻ khó đều sinh nở thành công. Chị Bùi Thị Thực ở Cao Phong, sau khi sinh bị sót nhau thai trong bụng tưởng chết đã nhờ “vua” Hiển chữa trị giúp, uống nước của “vua” đã qua khỏi làm cho mọi người trong bản càng thêm tôn sùng. Ngoài ra, “vua” còn dùng pháp thuật thổi được những vết rắn độc cắn ở trâu, bò, lợn bằng một bát nước lã đã hà hơi, niệm chú.
Căn nhà của "vua" Hiển một thời. |
Trong một lần “vua” cùng đám thân cận ra chợ, gặp hai vợ chồng miền xuôi lên buôn cau. Thấy người vợ có chiếc áo kim tuyến rất đẹp, “vua” nảy ý định muốn chiếm đoạt. Sau khi gạ hai vợ chồng đó cá cược: “Nếu cả hai vợ chồng ông dồn hết tiền trong túi ra mà đếm được đúng 42 đồng (năm 1981, tương đương với 2 chỉ vàng) thì số tiền tôi mang theo đây là của ông bà. Còn nếu tôi đoán đúng thì xin ông bà cái áo đó”. Không thể tin người này lại có thể biết hai vợ chồng mang bao nhiêu tiền, nên cả hai vợ chồng đều đồng ý. Khi móc cả túi chồng và lấy túi tiền dắt trong cặp quần của người vợ cộng và đếm đi đếm lại cũng chỉ đúng 42 đồng, đành phải cởi áo kim tuyến để lại rồi tức tưởi bỏ đi cùng với tiếng cười khoái chí của Hiển và đám thân cận.
Trả nợ cuộc đời
Việc làm của “vua” Hiển đã gây nên những điều không tốt về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Quyết vạch trần những trò lừa bịp của Hiển, Công an tỉnh Hòa Bình kết hợp với huyện Lạc Thủy và địa phương nơi Hiển sinh sống đến tận nhà để thử tài “vua” Hiển trước mặt mọi người. Ông Hiển vẫn nhớ như in thời điểm bị bắt: “Lúc đó họ bảo tôi hãy làm cho một ngôi nhà tối lại, hãy đoán một cái cẳng giò bất kỳ mà họ đem đến nặng bao nhiêu cân? Nhưng tôi đã không làm được. Vì những trò dại dột của mình mà tôi đã phải trả giá bằng non chục năm tù dài đằng đẵng. Đó là thời mà cả đời tôi không thể quên, nhưng tôi sẽ phải gạt bỏ nó đi để làm lại cuộc đời, làm lại từ đầu”, ông Hiển tâm sự.
Sáng hôm sau chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Chưng (75 tuổi) vốn là Đội trưởng đội Dân quân của xã khi đó. Cũng giống như bao người dân khác, ông Chưng cười mà rằng: “Thời đó, vì mọi người quá mê muội nên mới có chuyện “vua” Hiển sai gì làm đó. Còn giờ thì mọi người chỉ kể về “vua” Hiển như một câu chuyện cười quanh chén rượu thôi”.
Ông Chưng còn nhớ rất rõ về lần cơ quan chức năng vây bắt “vua” Hiển. Dựa vào địa hình rừng núi, ngôi nhà lại ở sâu trong bản, nên nhiều lần Hiển đều trốn thoát trước sự bủa vây của cơ quan chức năng. Có lần bị vây bắt, Hiển đã sai đám thân cận làm sẵn 20 mâm cỗ, có thịt gà, thủ lợn, xôi, bánh chưng... bày trên mâm. Trên tay Hiển cầm con dao, miệng đọc thần chú sau đó phun nước đang ngậm trong mồm vào cây kiếm. Mặc cho lực lượng chức năng siết chặt vòng vây nhưng Hiển cứ lẩm bẩm như ma nhập. Một lúc sau, Hiển cầm con dao chỉ thẳng ra cửa rồi mất hút vào rừng.
Ông "vua" xứ Mường. |
Cũng thời gian này ở địa phương còn có một vị “vua” khác nữa là Bùi Văn Bẩu. Hiển là “vua” cả, còn “vua” thứ là Bẩu. Bẩu không có bùa phép như Hiển, nhưng sẵn sàng chống trả lực lượng vây bắt. Trong một lần chống trả lực lượng chức năng, Bẩu đã bị thương và sau đó thì chết trong rừng. Biết không thể lẩn trốn mãi trước pháp luật, cùng với gia đình, vợ con khuyên nhủ, Hiển đã ra đầu thú tại công an xã năm 1982. Hiển đã bị Tòa án huyện Yên Thủy, xử tù bảy năm vì những hành động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương. “Vua” Hiển đã được đưa đi cải tạo tại trại Tân Kỳ, Nghệ An. Nhờ cải tạo tốt, nên Hiển được mãn hạn sớm hơn 2 năm.
Trên gương mặt ông Hiển vẫn còn chất chứa nỗi buồn khi kể về những ngày đó. Nhất là bố mẹ già vì quá lo nghĩ đã không đợi được con trai về báo hiếu, vợ thương chồng khóc nhiều rồi chết, bỏ lại đứa con thơ dại... Người vợ hai là Bùi Thị Chẻm, tận vùng Kim Bôi thương cảm hoàn cảnh của ông mà tình nguyện về làm vợ. Hiện nay ông Hiển đã trở thành ông nội với hai cháu trai kháu khỉnh. Bản thân ông đã thực sự quên đi từ “vua”. Chỉ vì sự tò mò của chúng tôi mà ông mới bất đắc dĩ nhắc lại cùng câu nói cứ lặp đi, lặp lại trong lúc trò chuyện: “Đó là sai lầm lớn nhất của cuộc đời tôi thời trai trẻ, mong đừng ai đi theo vết xe đổ của tôi nữa dùng “kỹ xảo” để lừa mọi người, chứ thực ra là chẳng có bùa phép nào cả”. Còn hiện nay, ông đã bỏ hẳn được những mặc cảm để sống hòa nhập cộng đồng và luôn tâm niệm “phải vui vẻ để sống, sống tốt theo lẽ phải ở đời”.
Ông Bùi Văn Vịnh, trưởng xóm Thấu cho chúng tôi biết: “Câu chuyện về “vua” Hiển là hoàn toàn có thật. Nhưng cũng đã cách đây 30 năm rồi. Còn bây giờ, ông Bùi Văn Hiển đã được kết nạp vào hội Cựu quân nhân, vợ chồng con cái chí thú làm rẫy, chăn nuôi, sống hòa nhập với hơn 60 hộ dân. Hiện nay, ông vẫn còn giữ được những bài thuốc, những thủ thuật chữa bệnh, giúp người. Vì vậy, người ta thường nhắc đến ông với hai từ “lang Hiển” hơn là chuyện “vua” Hiển ngày xưa. Bởi ông muốn trả nợ cuộc đời sau những sai lầm mắc phải.