+Aa-
    Zalo

    Diễn biến mới vụ 400 tỷ tiết kiệm "bốc hơi" tại OceanBank Hải Phòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bà Trần Kim Chi đã in và phát hành 79 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống sau đó tiêu hủy chứng từ mở sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký, để chiếm đoạt hàng trăm tỷ của khách hàng.

    Bà Trần Kim Chi đã in và phát hành 79 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống sau đó tiêu hủy chứng từ mở sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký, để chiếm đoạt hàng trăm tỷ của khách hàng.

    Viện KSND tối cao vừa có quyết định trả hồ sơ vụ án tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung lần 2.

    Trước đó, khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 4 bị can nguyên là cán bộ OceanBank gồm: Trần Thị Kim Chi (nguyên giám đốc chi nhánh); Nguyễn Thị Minh Huệ (nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ); Lê Vương Hoàng (nguyên giao dịch viên, kiểm soát viên) và Chu Văn Nha (nguyên thủ quỹ).

    Số tiền các bị can chiếm đoạt trong vụ án này là hơn 400 tỷ đồng. Điều đáng nói là với 300 tỷ đồng, cơ quan điều tra kết luận các bị can lừa đảo của khách hàng. Số tiền hơn 110 tỷ đồng còn lại, cơ quan điều tra lại kết luận các bị can tham ô của ngân hàng.

    Chi nhánh OceanBank tại Hải Phòng. Ảnh: Tuổi Trẻ 

    400 tỷ của khách hàng 'bốc hơi' như thế nào?

    Trước đó, từ năm 2012-2017, 27 người dân tại TP Hải Phòng đã gửi rất nhiều tiền tiết kiệm tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng. Số tiền gửi dao động từ 400-500 tỷ đồng. Ngay sau đó, một số người đem sổ tiết kiệm đến OceanBank rút tiền thì được ngân hàng thông báo không trả tiền với lý do số tiền gửi của khách hàng không có trong hệ thống. 

    Tháng 3/2010, Trần Thị Kim Chi được bổ nhiệm làm phó giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng. Bà Chi chỉ đạo nhân viên chủ động đón tiếp khách hàng để nhận tiền gửi hoặc vận động khách hàng tiếp tục gửi tiền tại OceanBank. Khi khách hàng gửi thì ngân hàng lại không hạch toán số tiền gửi lên hệ thống FCC mà phát hành sổ tiết kiệm ngoài hệ thống, sau đó tiêu hủy chứng từ mở sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký.

    Để hợp thức sổ tiết kiệm ngoài hệ thống đưa cho khách hàng, Lê Vương Hoàng đã dùng phần mềm soạn thảo văn bản trên máy tính, nhập thông tin của khách hàng in lên phôi sổ tiết kiệm trắng đã được chuẩn bị từ trước rồi trình lãnh đạo OeanBank ký tên, đóng dấu.

    Bằng thủ đoạn nêu trên, Trần Kim Chi đã in và phát hành 79 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 21 khách hàng, chiếm đoạt của khách hàng hơn 242 tỷ đồng và 2,7 triệu USD. Hành vi này của Trần Thị Kim Chi và các đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Để cân đối quỹ tiền mặt, Chi chỉ đạo nhân viên hạch toán, tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng đang có trên hệ thống FCC mặc dù khách hàng không yêu cầu tất toán.

    Đến kỳ hạn tất toán sổ tiết kiệm, Chi chỉ đạo Lê Vương Hoàng chủ động liên hệ khách hàng, đặt lịch đón tiếp, vận động khách hàng tiếp tục gửi tiền tiết kiệm. Khi khách hàng đồng ý gửi tiếp, Hoàng hướng dẫn làm các thủ tục tất toán nộp lại sổ tiết kiệm cũ, ký khống (không điền nội dung ngày, tháng, năm) vào phiếu rút tiền.

    Sau đó, Hoàng mở sổ tiết kiệm mới nhưng không hạch toán vào hệ thống, đồng thời tiêu hủy các sổ tiết kiệm mới mà chỉ giữ lại các chứng từ tất toán sổ tiết kiệm cũ để hợp thức hóa cho việc tất toán khống trước đó.

    Bằng các thủ đoạn nêu trên, Trần Thị Kim Chi và đồng phạm đã tham ô của ngân hàng số tiền hơn 110 tỷ đồng và phát hành ngoài hệ thống cho khách hàng 30 sổ tiết kiệm. Hành vi này của các bị can bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản".

    Không đồng tình với kết luận nêu trên, các bị hại đã gửi nhiều đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan tố tụng vì cho rằng việc cơ quan điều tra đề nghị truy tố 4 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa phù hợp, chưa đúng với bản chất vụ án.

    Các bị hại cho rằng 4 bị can chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải chiếm đoạt tiền của bị hại, vì tiền tiết kiệm đã gửi vào ngân hàng nhưng không được hạch toán vào hệ thống. Việc nhận tiền và hạch toán sổ sách như thế nào thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

    Kết quả điều tra bổ sung cho thấy một số bị hại đã có sơ hở như ký khống lên chứng từ tất toán sổ tiết kiệm, 7 khách hàng không đến ngân hàng giao dịch, không đăng ký mẫu chữ ký khách hàng trên hệ thống FCC, các giao dịch gửi tiền, rút tiền là do người khác thực hiện, đưa tiền cho cán bộ ngân hàng nhưng không nhận sổ tiết kiệm mà nhiều ngày sau mới nhận…

    Theo báo Tiền Phong, luật sư Lương Hữu Bàng- Giám đốc điều hành Công ty Luật Diệu Pháp (DPLAW) cho rằng nếu tiền gửi đã đến được ngân hàng hợp pháp, sau đó các cán bộ ngân hàng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, thì chắc chắn Ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn tiền cho người gửi tiền.

    Kiều Trang(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-bien-moi-vu-400-ty-tiet-kiem-boc-hoi-tai-oceanbank-hai-phong-a284739.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan