Nửa đầu năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận sức bật của các tỉnh thành ven Hà Nội, đặc biệt là những địa bàn hội tụ những yếu tố tiềm năng...
Các thị trường BĐS “sốt nóng” có chọn lọc
Khi giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức khá cao, tạo xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng nóng mà sẽ có sự chọn lọc. Thực tế cho thấy, những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì đất nền càng có thanh khoản tốt. Bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và hàng chục nghìn công nhân tại cao khu công nghiệp tăng cao sẽ là lực đẩy tăng giá cho bất động sản.
Các khu công nghiệp thúc đẩy bất động sản phát triển. |
Đánh giá về thị trường đất nềncác khu vực vệ tinh Hà Nội thời gian gần đây, ông Dương Đức Hiển - Trưởng Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam khi cho biết: “Nhờ sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, phân khúc đất nền phía Bắc đang trở nên sôi động trong vòng nửa đầu năm 2018. Nếu cơn sốt xảy ra cũng sẽ chỉ mang tính cục bộ ở những địa bàn có tiềm năng nhất định”.
Các thị trường bất động sản thu hút các nhà đầu tư trong thời gian qua,có thể nhắc đến: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang... Nhiều dự án hạ tầng đồng bộ, pháp lý minh bạch lại nằm cạnh các khu công nghiệp lớn ghi nhận tốc độ tăng giá từ 30-50% trong những tháng nửa đầu năm 2018. Đồng thời, các tỉnh thành này ít bị ảnh hưởng bởi chính sách của nhà nước như các vùng đặc khu kinh tế, nên giá đất sẽ ổn định hơn rất nhiều.
Nghiên cứu mức giá của các “điểm nóng” BĐS vệ tinh Thủ đô trongthời gian qua cho thấy: tại Bắc Ninh, giá đất nền từ 15 - 22 triệu/m2 tại các vùng ven thành phố, giá đất tại các khu vực trung tâm hơn rơi vào khoảng 25 – 35 triệu/m2. Tại tỉnh Hưng Yên, giá đất từ 15-25 triệu/m2, những khu trục đường chính khoảng 24 - 25 triệu/m2, thậm chí những nơi kinh doanh buôn bán tốt tại thị trấn Như Quỳnh lên tới 40 – 50 triệu/m2 đất. Tại Bắc Giang, giá đất đang ở mức 15 – 20 triệu/m2 tại các khu vực cách thành phố Bắc Giang khoảng 10km, gần các cụm – khu công nghiệp. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, giá đất khoảng 15 – 20 triệu cho khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên, khu vực ven thành phố có giá đất từ 9-12 triệu/m2.
Vĩnh Yên với tiềm năng bất động sản sẽ còn gia tăng hơn nữa. |
Các địa bàn trên đều là nơi tập trung rất nhiều các khu công nghiệp lớn, giáp Hà Nội và có bán kính cách Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 50km, tuy nhiên so về giá, thì Vĩnh Yên đang có giá đất “mềm” hơn cả. Theo khảo sát, giá đất tại Vĩnh Yên tương đương với giá đất tại Thái Nguyên thời điểm này mặc dù Thái Nguyên có vị trí địa lý cách xa thủ đô Hà Nội hơn và cũng tập trung ít khu công nghiệp hơn. Cụ thể, tại khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên, giá đất luôn cao ở mức 15 – 25 triệu/m2. Tại thành phố Sông Công, Thái Nguyên, giá đất dao động từ 7-15 triệu/m2.
Như vậy, thị trường Vĩnh Yên nói riêngvà Vĩnh Phúc nói chung có thể có tiềm năng tăng giá cao hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, những dự án được đầu tư hạ tầng bài bản, tiện ích đầy đủ, không gian sống trong lành, pháp lý minh bạch, có sổ đỏ tại những khu vực thuận lợi giao thông sẽ có xu hướng tăng giá mạnh hơn.Ngoài ra, việc thị xã Phúc Yên chính thức lên thành phố từ tháng 2/2018 cũng khiến bất động sản khu vực này trở thành điểm “nóng” đầu tư cho giới đầu tư.
Diễn biến nửa cuối năm 2018 sẽ ra sao?
Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia BĐS, phân khúc đất nền các tỉnh vệ tinh Hà nội vẫn còn dư địa tăng giá và là kênh đầu tư hấp dẫn trong nửa cuối năm 2018, lý do bởi: Sự khan hiếm quỹ đất, tỷ suất sinh lời cao và tâm lý chuộng nhà liền thổ vẫn sẽ giúp đất nền là kênh đầu tư chiếm ưu thế. Khi quỹ đất không còn nhiều, việc đất nền lên giá trong chu kỳ BĐS là điều dễ hiểu.
Theo thông tin trong buổi tọa đàm trực tuyến: “Đất nền sốt nóng, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư”, các chuyên gia đều nhận định rằng, thị trường đất nền đang ở trong giai đoạn phát triển tăng tốc và ở giữa của chu kỳ, sẽ còn tăng trưởng trong vòng 4 năm tới.
Quy hoạch các KĐT mới đồng bộ, hiện đại. |
Theo ông Dương Đức Hiển (Savills) cho rằng: “Thị trường bao giờ cũng biến động theo chu kỳ hình Sin, theo đó chu kỳ thị trường bất động sản khủng hoảng gần nhất là vào năm 1997, sau đó bùng nổ trong giai đoạn 2005- 2009, rồi lại khủng hoảng vào năm 2011 - 2015. Đến năm 2017 thì thị trường đón nhận cú hích rất quan trọng đối với nền kinh tế là APEC 2017. Kể từ đó đến nay có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ông Hiển dự báo thị trường còn đi lên khoảng 4 năm nữa”.
Như vậy, với chu kỳ phục hồi khoảng 7 – 8 năm sau khủng hoảng thì hiện nay thị trường bất động sản đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng. Vì thế, xét trên bình diện chung, đây là thời điểm rất tốt để đầu tư đất, chưa phải là đỉnh mà đang vào chu kỳ đi lên. Đồng thời, năm 2018 thực hiện cam kết điều khoản WTO, mở cửa thị trường bán lẻ, cho người nước ngoài mua nhà… các yếu tố vĩ mô, chính trị cũng rất vượng để kích thích bất động sản đi lên.
Như vậy, với diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2018 thì nửa cuối năm 2018 bất động sản vẫn được dự đoán có tín hiệu tốt và trên đà tăng trưởng, đặc biệt là bất động sản các vùng vệ tinh trọng điểm quanh Thủ đô Hà Nội.
Hoàng Hà