(ĐSPL) - Diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ 2016 mới nhất ngày 3/11: Dự đoán chiến thắng của Donald Trump qua biến động thị trường chứng khoán; Moody's Analytics dự đoán bà Hillary thắng cử; Giữa lùm xùm với FBI, bà Clinton bất ngờ được báo Anh ủng hộ...
Dự đoán chiến thắng của Donald Trump qua biến động thị trường chứng khoán
Lịch sử Mỹ chứng minh, nếu 3 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra mà thị trường chứng khoán sụt giảm thì ứng viên đảng cầm quyền sẽ thua cuộc.
Kết quả bầu cử Tổng thống dựa trên bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ trong 3 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra đã được tiên đoán chính xác kể từ Thế chiến thứ II, và chỉ có một ngoại lệ duy nhất. Trong lịch sử, khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm trong khoảng thời gian từ 31/7 - 31/10, đảng cầm quyền chắc chắn thua cuộc.
Donald Trump vẫn có khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống. Ảnh: RT |
Trong hai tuần gần đây, vụ bê bối “né thuế” và cáo buộc tấn công tình dục đã khiến ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ còn khoảng 20% cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, những tin tức về việc FBI mở lại cuộc điều tra việc sử dụng một máy chủ riêng cho email của chính quyền Clinton đã cứu ông Trump khỏi một bàn thua trông thấy.
Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipos cho thấy, hiện tại bà Hillary Clinton, ứng viên Đảng Dân chủ chỉ còn dẫn trước đối thủ 5 điểm phần trăm.
Moody's Analytics dự đoán bà Hillary thắng cử
Giá dầu thấp kèm theo tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama cao là những yếu tố cơ bản để hãng Moody's Analytics dự đoán ghế tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhiều khả năng thuộc về ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Nhận định trên của Moody's Analytics dựa theo một mô hình dự đoán mà hãng này đã áp dụng trước thềm các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, qua đó dự đoán chính xác kết quả của 9 cuộc đua vào Nhà Trắng gần đây nhất.
Giữa lùm xùm với FBI, bà Clinton bất ngờ được báo Anh ủng hộ
Tuy không phải hoàn hảo, nhưng theo tờ Thời báo Tài chính, trong thế giới hỗn loạn ngày nay, bà Clinton thể hiện năng lực xuất sắc hơn ông Trump, có thể đảm đương trọng trách lãnh đạo nước Mỹ, xây dựng tại trật tự thế giới.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AFP |
Trong một bài bình luận đưa ra trên phiên bản tiếng Trung vào hôm nay (2/11), tờ Thời báo Tài chính (FT) của Anh cho rằng bầu cử Mỹ rất ít khi đứng trước lựa chọn khó khăn và rủi ro cao như hiện nay. Cuộc đấu giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đầy kịch tính. Vào thời khắc cuối cùng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vội vàng quyết định điều tra các thư điện tử mới có thể liên quan tới bà Clinton càng thể hiện rõ điều này. Tuy nhiên, người ta không cần phải bàn cãi thêm về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cho dù là đối với nước Mỹ hay với toàn thế giới.
FBI tuyên bố không có bằng chứng Trump liên hệ với Nga
Theo TTXVN, từ sau khi FBI tuyên bố mở lại cuộc điều tra thư điện tử đối với ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, các thành viên của Đảng Dân chủ đã liên tục yêu cầu FBI điều tra về mối quan hệ giữa ông Trump và chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook đã hối thúc FBI tiết lộ thông tin mà cơ quan này có về bất kỳ mối quan hệ nào giữa ông Trump và Nga.
370 nhà kinh tế phản đối Donald Trump
Theo VnExpress, 8 người được giải Nobel cùng 362 nhà kinh tế khác đã viết thư kêu gọi người Mỹ không nên bầu cho ông Donald Trump.
Bức thư này được công bố hôm 1/11, liệt kê 13 luận điểm kinh tế chống lại ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, nó không nói rõ cử tri nên chọn ai thay cho ông Trump.
"Donald Trump là một sự lựa chọn nguy hiểm và sẽ phá hủy đất nước này. Ông ta khiến cử tri nghĩ sai hướng, làm suy giảm lòng tin vào các cơ quan công cộng bằng các thuyết âm mưu", các nhà kinh tế cho biết, "Nếu được chọn, ông ta sẽ là mối nguy hiểm đặc biệt với các các tổ chức kinh tế và với sự thịnh vượng của cả quốc gia. Vì những lý do này, chúng tôi thành thật khuyên mọi người không nên bỏ phiếu cho Donald Trump".
Bà Hillary Clinton - ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ cũng từng rơi vào tình trạng này. Hồi tháng 9, 306 nhà kinh tế học cũng viết thư phản đối các chính sách mà họ cho là "chương trình kinh tế tồi tệ".
Nhiều người từng dự báo các chính sách của ông Donald Trump sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Simon Johnson - nhà kinh tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts hôm qua cho rằng nếu đắc cử, ông Trump "có thể khiến thị trường chứng khoán sụp đổ và đẩy cả thế giới và suy thoái". Ông giải thích "các chính sách phản thương mại sẽ gây ra suy giảm nghiêm trọng, gần như tình cảnh mà người Anh trải qua sau khi bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU)".
Nhận định này có vẻ quá bi quan. Nhưng ở mức độ nào đó, nó cũng là nhận định của nhiều nhà kinh tế tại Wall Street, từ Citigroup đến Goldman Sachs. Theo Peter Boockvar – nhà phân tích tại The Lindsey Group, lý do chủ yếu là về bản chất, nhà đầu tư ghét sự bất ổn. Bà Hillary Clinton đại diện cho sự ổn định. Còn ông Trump khá khó đoán. Vì thế, chiến thắng của ông trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 tới có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng bán tháo.
Ngọc Linh (tổng hợp)
[mecloud]Sayh8QK9Bq[/mecloud]