+Aa-
    Zalo

    Điện ảnh Việt bất ngờ lội ngược dòng: Sự "lên đồng" dễ gây ảo giác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau thời gian ảm đạm, thị trường điện ảnh Việt bất ngờ có bước chuyển mình đầy ngoạn mục.

    Sau thời gian ảm đạm, thị trường điện ảnh Việt bất ngờ có bước chuyển mình đầy ngoạn mục. Liên tiếp các phim ra rạp đều được khán giả đón nhận, thậm chí đã có phim đạt danh xưng “phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại”. Nhưng, liệu điện ảnh Việt có giữ được phong độ, hay đó chỉ là những cú ăn may nhất thời?

    Bước chuyển mình ngoạn mục

    Ngược dòng điện ảnh Việt một năm về trước, khán giả từng được phen “bội thực” khi phim ra rạp như “nấm mọc sau mưa”, nhưng chất lượng lại khiến khán giả ngán ngẩm. Chưa kể, những cú “ngã ngựa” của khá nhiều bom tấn càng khiến nhà đầu tư chua chát. Mọi người đã giật mình nhìn lại dòng chảy hỗn độn của phim Việt thời điểm đó.

    Có vẻ như, sau những bài học xương máu, các nhà làm phim Việt đã cẩn trọng hơn để tránh đi vào “vết xe đổ”. Minh chứng là, các bộ phim ra mắt năm 2017 như: Lô tô, Em chưa 18, Dạ cổ hoài lang, Xóm trọ 3D, Cô gái đến từ hôm qua, Đời cho ta bao lần đôi mươi,... đều thu hút khán giả. Dù không đánh trống thổi kèn để "khoe mẽ" rầm rộ, nhưng hầu như phim nào cũng để lại ấn tượng tốt sau khi công chiếu.

    Không chỉ khởi sắc ở thị trường trong nước, điện ảnh Việt 2017 còn bội thu giải thưởng khi “mang chuông đi đánh xứ người”, trong đó phim Đảo của dân ngụ cư do Hồng Ánh đạo diễn đã đạt 3 giải thưởng quan trọng tại AIFFA 2017. Nhìn vào thực tế này, không ít khán giả hài hước nói rằng, điện ảnh Việt đã... “dậy thì thành công”. Vậy, điều gì tạo nên sự “lột xác” ngoạn mục của điện ảnh Việt sau một khoảng thời gian chững lại?

    Đạo diễn "Lô tô" Huỳnh Tuấn Anh.

    Nhìn lại dòng chảy của điện ảnh Việt thời gian vừa qua, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ: “Phải công nhận khát vọng đổi mới và tâm thế nghiêm túc của các nhà làm phim đều hướng đến việc cải thiện chất lượng. Từ Đời cho ta bao lần đôi mươi đến Lô tô, cá nhân tôi và anh em luôn muốn làm khác đi, luôn làm mọi cách để tác phẩm xuất hiện như một phong vị lạ. Chúng ta cũng cần nhìn nhận công tâm với những cố gắng đổi mới và đóng góp của những người làm phim điện ảnh”.

    Tuy nhiên, đạo diễn của Đời cho ta bao lần đôi mươi cũng cho rằng, để đánh giá mặt bằng của một nền điện ảnh thì phải xét đến sự đồng đều về chất lượng. “Câu chuyện khởi sắc của phim điện ảnh mà chúng ta đang thấy có thể là dấu hiệu đáng mừng, nhưng phải hết sức cẩn thận. Bằng chứng, điện ảnh Việt thời gian qua có những phim doanh thu tốt, chất lượng ổn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít phim chất lượng kém. Sự không đồng đều này phản ảnh trung thực mặt bằng mấp mô, lổn nhổn của thị trường điện ảnh Việt Nam. Vậy nên, những gì đã đến trong những tháng đầu năm 2017 chỉ nên được coi là một bước nhích nhẹ chứ không phải là sự phát triển trên bình diện vững chãi đồng đều”, nam đạo diễn chia sẻ.

    Đạo diễn của phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa - Mai Thế Hiệp thẳng thắn nhìn nhận: “Thực ra, điện ảnh Việt 2016 thất bại một phần cũng do hệ quả của những năm trước đó đã quá thành công. Các nhà làm phim cứ mải chạy theo những “công thức” đã quá quen thuộc và không còn ăn khách, không phù hợp với thị hiếu của khán giả. Giữa dòng chảy hỗn độn của phim điện ảnh, các nhà làm phim phải mày mò tìm ra những con đường khác nhau, để mang điện ảnh Việt đến gần hơn khán giả.

    Để đánh giá một nền điện ảnh cần rất nhiều thời gian, chứ một vài năm chưa thể phản ánh hết được. Bản thân tôi thích một nền điện ảnh đa dạng. Bởi, một nền điện ảnh tốt phải có nhiều thể loại phim khác nhau thì mới đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Còn nền điện ảnh chỉ đơn thuần theo đuổi một dòng phim sẽ rất dễ bị nhàm chán và rơi vào lãng quên”.

    Dù vẫn còn đó một vài “hạt sạn”, nhưng hầu hết các tác phẩm điện ảnh Việt thời gian qua đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt và có nhiều phản hồi tích cực sau khi công chiếu. Vẫn đề cao tính giải trí, nhưng các dự án điện ảnh này đều thể hiện rõ sự thay đổi về mặt tư duy của người làm phim. Nhất là về mặt nội dung, các phim hầu như không còn kiểu tấu hài vô thưởng, vô phạt, sốc, sex, sến mà thay vào đó người xem bắt gặp nhiều hơn những xúc cảm nhẹ nhàng, hay những thân phận đời thường, nhiều khóc khuất.

    Nói về bước chuyển mình của điện ảnh Việt, đạo diễn Lương Đình Dũng nhìn nhận: “Hiện nay, các nhà làm phim điện ảnh đã ý thức rõ ràng hơn về việc đầu tư vào chất lượng nội dung và hình ảnh. Tôi tin, trong tương lai gần thôi, những chiêu trò sẽ tự động bị loại. Bởi, sự cạnh tranh trên thị trường phim ảnh ngày càng mạnh, nếu những người làm phim không chịu thay đổi thì rất dễ bị thất bại”.

    Đạo diễn Lương Đình Dũng.

    Liệu có thể “vượt mặt” phim ngoại?

    Ngoài chất lượng nội dung, thì doanh thu cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành công hay thất bại của một bộ phim điện ảnh. Cuối tháng Năm vừa qua, danh xưng “phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam” bất ngờ về tay bộ phim Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn, với 169 tỷ đồng và 2,3 triệu vé bán ra.

    Gần đây nhất, phim Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng gây choáng khi đạt 50 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu... Dẫu vậy, vẫn không ít người nghi ngại rằng, phải chăng điện ảnh Việt doanh thu cao chỉ là điều ăn may, hoặc đó chỉ là những con số ảo được “thổi phồng” để thu hút khán giả tới rạp?

    Đạo diễn Mai Thế Hiệp nhận định: “Đó là những con số thực! Với điện ảnh Việt hiện nay, những con số đó rất dễ kiểm chứng, thế nên rất khó để “thổi phồng” hay giấu giếm nó. Hơn nữa, phương tiện truyền thông rất hiện đại, cập nhật, giả dụ nếu có “thổi phồng”, thì sẽ có người khác biết ngay, một người rồi sẽ trăm, ngàn người biết. Thế nên, việc “thổi phồng” doanh thu e rằng rất khó thực hiện được”.

    Trong khi đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lại cho rằng: “Ngoài tiêu chí phim tốt đánh trúng đối tượng khán giả, thì câu chuyện doanh thu còn là cuộc chơi của những “ông lớn” trong ngành phát hành. Một phim đạt doanh thu vượt ngưỡng còn mang yếu tố dàn xếp suất chiếu và số lượng rạp. Điều đó tưởng chừng không quan trọng, nhưng lại là yếu tố quyết định phim thắng và thắng đến mức độ nào. Tuy nhiên, sự "lên đồng" dễ gây ảo giác”.

    Nhìn vào sự khởi sắc của điện ảnh Việt thời gian qua, nhiều khán giả kỳ vọng, phim Việt có thể "vượt mặt" phim ngoại. Liệu rằng, với những bước chuyển mình đầy ấn tượng, điện ảnh Việt “có làm nên chuyện” như mong đợi của khán giả?

    “Khó đấy! Nếu có vượt mặt được thì hy vọng trong tương lai thôi. Bởi những đề tài lớn như chiến tranh, lịch sử, hành động, những phim "khủng" điện ảnh Việt chưa làm được. Thực tế, chúng ta đang dùng doanh số để so sánh tạm thời ở một thời điểm hoặc trên một số phim. Sự so sánh này khiến nhiều người lầm tưởng phim Việt đang rút ngắn khoảng cách với phim ngoại, nhưng nhìn tổng thể thì điều đó không đúng. Chúng ta muốn “vượt mặt” được phim ngoại, thì phải được đầu tư toàn diện để dù có bước chậm nhưng vẫn luôn giữ được vị trí cao trong làng điện ảnh”, đạo diễn Lương Đình Dũng nêu quan điểm.

    Hà Linh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 31

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-anh-viet-bat-ngo-loi-nguoc-dong-su-len-dong-de-gay-ao-giac-a198870.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan