Không chỉ hạ điểm sàn ở mức 11-12 điểm, ngưỡng sàn của nhiều trường ĐH còn là "tốt nghiệp THPT". Trước tình trạng này, không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại về chất lượng đào tạo giáo dục.
Tự quyết định điểm sàn, các trường ĐH lại “vơ bèo vạt tép”
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, giúp cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT. Tuy nhiên điều này khiến không ít phụ huynh lo ngại sẽ dẫn tới việc một số trường đại học vì để tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu mà "vơ bèo vạt tép".
Điểm sàn xét tuyển vào đại học của trường ĐH Xây dựng miền Trung. Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo đó, ngày 14/7, trường ĐH Xây dựng miền Trung (thuộc bộ Xây dựng) công bố điểm sàn xét tuyển là 11 điểm. Như vậy, cộng với số điểm ưu tiên cao nhất một thí sinh có theo quy định của bộ GD- ĐT là 2,75 điểm thì các em có thể đỗ vào trường đại học Xây dựng miền Trung với điểm trung bình mỗi môn chưa đến 3 điểm.
Tiếp bước ĐH Xây dựng là trường ÐH Quốc tế Hồng Bàng với mức điểm sàn cũng chẳng thể nhích hơn. Thậm chí, nhóm ngành liên quan đến y dược, điểm sàn chỉ ở mức 12-13 điểm. Cụ thể, điểm sàn ngành dược học là 13 điểm. Ðiểm sàn ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng là 12 điểm.
Ngoài ra, cá biệt một số trường ÐH còn có mức điểm sàn là 10 điểm/3 môn hoặc ngưỡng sàn là tốt nghiệp THPT. Tại khu vực phía Bắc, một số trường công lập cũng chỉ công bố điểm sàn ở mức 13 điểm/tổ hợp như ÐH Mỏ địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
"Hạ điểm quá thấp trường bị coi thường, sinh viên ra trường về đâu?"
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD-ĐT tỏ ra băn khoăn khi kỳ thi THPT quốc gia 2018 có tới hơn 900 nghìn học sinh dự thi, trong đó để xét tuyển ĐH cũng có hàng chục vạn học sinh. Vậy thì tại sao các trường phải hạ mức điểm thấp đến như thế.
"Nếu là một người Hiệu trưởng, tôi không làm như thế. Lấy điểm tuyển sinh tối thiểu đạt ngưỡng điểm trung bình trở lên, vậy mới đủ điều kiện để xét tuyển.
Hiện nay, phổ điểm trung bình cũng không thiếu học sinh, khi hạ điểm tuyển sinh thấp như vậy chất lượng đầu vào vốn đã kém thì chất lượng đầu ra, rồi kỹ năng, công việc cho sinh viên sau khi ra trường sẽ về đâu?", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD-ĐT tỏ ra lo ngại về chất lượng đầu vào của các trường đại học. Ảnh: Người Đưa Tin |
Nguyên Thứ trưởng bộ GD-ĐT nhấn mạnh thêm: “Theo tôi, những trường lấy điểm quá thấp sẽ làm cho chính các bậc phụ huynh nghi ngờ và coi thường về chất lượng đào tạo của trường đó. Một trường ĐH kiểu gì mà lấy 3 điểm/môn để tuyển sinh".
Phân tích về vấn đề “khủng hoảng” chỉ tiêu tuyển sinh và “chuẩn mực” đầu vào của các trường đại học, GS.TS Nguyễn Văn Thường, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Tôi cho rằng, bây giờ cho các trường tự quyết định điểm sàn thì đối với các trường công lập, các trường lớn sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng, đối với các trường nhỏ, trường tốp thấp mà học sinh không vào thì bây giờ họ tìm mọi cách để cho học sinh vào học. Ngoài chuyện điểm sàn đã đành rồi, thậm chí với những thí sinh không đạt điểm sàn thì họ còn xét tuyển. Khi xét tuyển như thế thì chất lượng đầu vào rất thấp, không thể đảm bảo được yêu cầu học hành.
Rõ ràng nếu 11, 12 điểm vào học chương trình đại học thì đa phần không thể học được. Thế nhưng, với các trường ngoài công lập, người ta vẫn cứ phải cho học để lấy học phí và người ta vẫn cho đỗ, cho ra trường. Vì sức ép tài chính nên họ vẫn tuyển vào để lấy tiền học phí trang trải việc học, thu hồi vốn về và 1 phần lãi. Đào tạo như thế thì chất lượng cực kỳ thấp”, ông Thường cho hay.
Bộ sẽ "soi" các trường vẫn cố tình hạ điểm sàn
Chiều ngày 16/7, trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề điểm sàn năm 2018. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT giải thích, “Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gọi ngắn gọn là điểm sàn là một trong các yếu tố phản ánh chất lượng đầu vào của quá trình đào tạo, là một trong các điều kiện của chất lượng GDĐH.
Tuy nhiên, điểm thi hay điểm sàn của từng năm còn phản ánh tương quan chất lượng giữa các thí sinh trong điều kiện của đề thi của năm đó. Đề thi năm nay chú trọng hơn đến tính phân loại, đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong khâu xét tuyển đại học là một trong hai mục đích của kỳ thi nên nhìn chung, mặt bằng điểm thi nói chung và mặt bằng điểm sàn nói riêng của năm nay sẽ thấp hơn năm trước.
Theo lộ trình, năm 2018, Bộ GD-ĐT không xác định điểm sàn như các năm trước để tăng tính tự chủ cho các trường. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn theo dõi sát tình hình xác định điểm sàn tại các trường”, bà Kim Phụng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, Bộ sẽ vào cuộc nếu như các trường vẫn có điểm sàn quá thấp. Ảnh: Tiền Phong |
Bên cạnh đó, đối với các trường dự kiến mức điểm sàn quá thấp, lo ngại không đảm bảo chất lượng, Bộ đã và sẽ trao đổi trực tiếp để khuyến cáo các trường xem xét lại chính sách chất lượng đầu vào, khuyến cáo không nên đưa ra mức sàn thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường và chất lượng đào tạo chung của cả hệ thống.
“Đến hạn cuối cùng các trường phải công bố mức điểm sàn chính thức (18/7), nếu vẫn còn trường công bố mức điểm sàn quá thấp, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Nếu các điều kiện chất lượng không đảm bảo, Bộ sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc dừng tuyển sinh... theo đúng quy định.
Các thông tin về điểm sàn, các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả kiểm tra, thanh tra... sẽ được công khai rộng rãi để xã hội giám sát và các thí sinh có thông tin lựa chọn các trường đảm bảo chất lượng để theo học”, Bà Phụng nhấn mạnh.
Nguyễn Phượng(T/h)