Không khí khẩn trương, hối hả… những chuyến xe tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường tại “thủ phủ” La Phù những ngày cuối năm đã không còn xa lạ với nhiều người. Được mệnh danh là “thủ phủ” của bánh kẹo giả, nhái, kém chất lượng ở miền Bắc từ nhiều năm nay nên càng vào dịp cuối năm nỗi lo vệ sinh An toàn thực phẩm tại “điểm nóng” này luôn được “gọi tên”.
Lạc vào “ma trận” hàng nhái
Gần đây, hàng loạt các phóng sự điều tra về an toàn thực phẩm, hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được phanh phui khiến cho người dân không khỏi hoang mang, bất an trước “ma trận” hàng nhái tràn lan vào dịp Tết. Đặc biệt, vụ việc sản xuất rượu vang với quy trình mất vệ sinh càng làm cho nỗi lo của người tiêu dùng tăng lên gấp bội.
Thủ phủ bánh kẹo “nhái” La Phù – nơi sản xuất ra hàng trăm tấn bánh kẹo đi tiêu thụ ở các tỉnh trên cả nước những ngày này cũng nhộn nhịp “vào mùa”. Từ đầu thôn tới cuối xóm ở La Phù, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh các cửa hàng ăm ắp bánh kẹo, mứt tết đa chủng loại, màu sắc. Người người hối hả, các kho hàng liên tục đầy lại vơi.
“Thủ phủ” La Phù những ngày cuối năm hàng hóa chất đầy các kho |
Không nhãn mác, sử dụng mã vạch đã bị thu hồi, hay sản phẩm sản xuất ở một nơi nhưng hóa đơn ghi một “nẻo”... đó là điều dễ thấy khi xâm nhập vào các kho hàng ở “thủ phủ” La Phù.
Như VTV đưa tin, tại đây, bánh kẹo được gắn đủ các mác hàng nhập ngoại nhưng phổ biến nhất vẫn là bánh kẹo Thái Lan, Hàn Quốc…
Loại bánh Chocolate ốc quế có bao bì nhãn mác toàn chữ Hàn Quốc được chủ hàng quảng cáo đang bán rất chạy. Tuy nhiên, nơi sản xuất loại bánh này không lại phải là Hàn Quốc. Chủ hàng ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội nói: "Người ta gửi cho em hóa đơn đỏ là sản xuất tại Trung Quốc nhưng nhãn mác là Hàn Quốc".
Còn loại kẹo dành cho trẻ em được thiết kế bắt mắt giống hình quả trứng cũng được sản xuất tại Trung Quốc dù mã vạch in trên bao bì là hàng Thái Lan. "Cái này em biết thừa nó là hàng Trung Quốc", chủ hàng ở La Phù nói.
Ngoài ra, với vô số loại bánh kẹo khác nhãn mác bao bì ghi sản xuất tại Thái Lan, Hàn Quốc hay Indonesia nhưng chủ hàng cũng khai nhận là hàng Trung Quốc.
Cứ có lãi mới buôn nên bánh kẹo bị giả mạo xuất xứ, thậm chí nếu có độc vẫn được bán bình thường. Theo Cục An toàn thực phẩm, loại kẹo mút phát sáng dành cho trẻ em đã nằm trong danh sách các sản phẩm bị cấm lưu hành khi chứa chất cực độc ở phần que, có thể gây ung thư đột biến gen nếu trẻ tiếp xúc với loại hóa chất ở bên trong nhưng vẫn được bán ở nhà xưởng trên.
Và chỉ vì lợi nhuận, đồng tiền làm lu mờ lương tâm rất nhiều chủ đại lý ở đây đã tiếp tay cho cho thực phẩm bẩn, hàng nhái.
“Kẹo nhái” giá siêu rẻ
Theo thông tin trên LĐO, lý do khiến hàng hóa ở La Phù được nhiều dân buôn ưa chuộng vì có giá cực “bèo”. Chẳng hạn, bánh quy bơ giá chỉ 8.500 đồng/hộp. Loại bánh Custard, Chocopia bán với giá 280.000 đồng/thùng 20 hộp (khoảng 14.000 đồng/hộp), trong khi giá bán của thương hiệu Custas trên thị trường dao động ở khoảng 50.000 đồng/hộp.
Những sản phẩm “Made in LaPhu” được phù phép tinh vi |
Những loại bim bim, quẩy, kẹo cân giá cũng rẻ bất ngờ, chưa đến 10.000 đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại hàng này, chúng tôi nhận được câu trả lời: Đây là hàng nội địa, “made in Laphu”, không tốn công vận chuyển nên giá rẻ.
Tham quan những đại lý khác, vẫn là các thùng carton chất đầy những hộp kẹo có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng. Trên hộp bánh thường ghi tắt tên nhà sản xuất, hoặc ghi chung chung như: Sản xuất tại Bình Dương (Việt Nam), Hà Đông (Hà Nội) hay Thường Tín (Hà Nội)…
Có điều, không ai kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ của những loại hàng hóa này. Ngoài những thùng carton ghi tiếng Việt, còn có rất nhiều thùng hàng phía ngoài toàn chữ Trung Quốc, hoặc những bao tải bánh quy, kẹo được công nhân vác tít sâu vào các xưởng để “phù phép”. Nhưng vì giá rẻ, những mặt hàng của La Phù vẫn được ưa chuộng và tỏa về khắp các vùng nông thôn, khu vực miền núi, rồi đến tay người tiêu dùng.
Tăng cường thanh kiểm tra tại các “điểm nóng”
Sáng 15-1, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc tại “điểm nóng” Hoài Đức – một trong những điểm nóng về VSATTP tại địa bàn Hà Nội. Hiện tại, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 2.494 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, trong đó thành phố quản lý 78 cơ sở, huyện quản lý 523 cơ sở. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Hoài Đức có làng nghề La Phù, là một địa điểm kinh doanh, bán buôn thực phẩm với quy mô rất lớn… Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng và kiêm nhiệm nên việc quản lý VSATTP của huyện gặp nhiều khó khăn, việc kiểm tra không tiến hành được thường xuyên mà chỉ tổ chức thành từng đợt.
Đoàn kiểm tra VSATTP đột xuất tại công ty sản xuất bánh mứt kẹo |
Cũng trong năm 2018, huyện Hoài Đức đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 9 cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo vệ sinh ATTP như không có thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kinh doanh bia rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, huyện phối hợp cùng các đoàn liên ngành, Ban chỉ đạo 389 tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo trên địa bàn, các cơ sở sản xuất miến. Những mặt hàng về bánh mứt kẹo huyện cũng đã tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm như ô mai, bánh quy… các sản phẩm làm nhái trên thị trường và xử phạt hành chính với các cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, do chưa nhận thức được việc đảm bảo ATTP nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đúng mực đến nguồn gốc sản phẩm, vì vậy nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh vẫn được đưa ra thị trường.
Nguyễn Thủy/An Ninh Thủ Đô