+Aa-
    Zalo

    Điểm mặt loạt doanh nghiệp đua nhau “băm nát” hồ nước đẹp nhất Đà Lạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các doanh nghiệp đã đua nhau xây dựng các công trình xâm phạm, “phá nát” cảnh quan của hồ nước ngọt rộng nhất Thành phố Đà Lạt.

    Các doanh nghiệp đã đua nhau xây dựng các công trình xâm phạm, “phá nát” cảnh quan của hồ nước ngọt rộng nhất Thành phố Đà Lạt.

    UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Thành phố Đà Lạt. Theo đó, cập nhật đầy đủ danh sách các doanh nghiệp có công trình vi phạm trật tự xây dựng, ngang nhiên xâm phạm, “phá nát” cảnh quan của hồ nước ngọt rộng nhất thành phố Đà Lạt này.

    Cụ thể, theo báo cáo, cho tới thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Nhật Nguyên đã chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng và đã tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng sai phép, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của khu vực. Hiện doanh nghiệp này đang thực hiện các thủ tục để xin tiếp tục đầu tư, xây dựng theo đúng quy định.

    Còn với trường hợp Công ty cổ phần Sao Đà Lạt, doanh nghiệp này đã xây dựng không phép với diện tích gần 2.000m2, bao gồm xây dựng lắp đặt 43 hạng mục công trình có mái che như cổng chào, quầy vé, nhà lưu niệm, nhà vệ sinh, các ki ốt, chòi nghỉ chân,... nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.

    Quán cà phê của công ty Li Mi “mọc” trái phép ngay nhà chờ của KDL hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Công an TP.HCM

    UBND Thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định xử lý vi phạm với 43 công trình xây dựng không phép. Một số hạng mục vi phạm đã được chủ đầu tư tháo gỡ. Nhưng với hạng mục xây dựng có mái che thuộc phần diện tích vi phạm hơn 1.300m2, như cổng chính, quầy bán vé, quầy ảnh, nhà hoa lan, nhà bida, nhà Đà Lạt café nhà lồng trồng dâu,... doanh nghiệp mới chỉ tháo dỡ 3 công trình (1 ki ốt, 1 nhà kho và 1 nhà gỗ).

    Trường hợp Công ty cổ phần Thiên Nhân, qua kiểm tra cho thấy chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án, gồm phá rừng trái pháp luật (300m2 rừng thông và 500m2 rừng thông tái sinh thuộc rừng phòng hộ, thiệt hại 2,8m3 gỗ tròn thông ba lá nhóm 4); tự ý chuyển mục đích sử dụng 700m2 đất rừng phòng hộ mà không được cơ quan chức năng cho phép; xây dựng 23 công trình sai phép trên hơn 540m2 và 5 công trình không phép diện tích vi phạm là hơn 1.200m2,...

    Tại thời điểm Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng, doanh nghiệp này chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và chưa chấp hành quyết định cưỡng chế; chưa khắc phục trồng lại rừng tại vị trí buộc khôi phục trồng lại rừng; chưa tiến hành tổ chức tháo dỡ 5 nền nhà trên vị trí tự chuyển mục đích sử dụng.

    Về Công ty cổ phần đầu tư Lý Khương, doanh nghiệp này xây dựng không phép diện tích là 483m2; xây dựng sai phép diện tích hơn 300m2; xây dựng vi phạm vào khu vực I di tích hồ Tuyền Lâm (ngoài ranh giới dự án) với hơn 12.000m2 (làm nhà kính ươm cây); lấn chiếm hơn 7.700m2 đất ngoài phạm vi dự án. Sai phạm của doanh nghiệp này là xây dựng 9 công trình mỹ thuật không phép, xây dựng 1 công trình sai phép, lắp đặt 19 căn nhà gỗ trái phép,...

    Công ty này đã di dời 19 lều gỗ ra khỏi khu vực bảo vệ I của di tích hồ Tuyền Lâm; đã tháo dỡ toàn bộ các tượng mỹ thuật xây dựng không phép và trồng 3.800 cây hoa cúc nhằm tạo cảnh quan trên phần đất của dự án sau khi tháo dỡ các tượng vi phạm.

    Công ty CP sinh thái Lạc Nam cũng đã xây dựng 7 công trình sai phép (sai tầng cao và sai vị trí theo quy hoạch được duyệt) với diện tích hơn 800m2. Hiện doanh nghiệp đã tạm dừng thi công để khắc phục hậu quả sai phạm; lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh giấy phép xây dựng và 12/12/2018 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã lập hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng và được Sở Xây dựng cấp phép ngày 17/7/2019.

    Công ty TNHH Trà Vườn Thương có 4 công trình không phép với tổng diện tích 482m2 thuộc khu vực bảo vệ I của di tích hồ Tuyền Lâm. Đến nay, doanh nghiệp chưa chấp hành quyết định xử lý vi phạm và chưa chấp hành lệnh cưỡng chế. Doanh nghiệp có văn bản khiếu nại, đề nghị đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng với diện tích trồng cây dược liệu mà Nhà nước thu hồi đất theo yêu cầu của doanh nghiệp thì mới chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm.

    Báo cáo cũng nêu cụ thể về xử lý trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cho thấy có nhiều vấn đề vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

    Đơn cử như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ Tuyền Lâm và đề xuất hướng xử lý việc cho thuê tài sản công phải đảm bảo đúng quy định.

    Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các tồn tại đối với 3 đơn vị kinh doanh tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Lý Khương; Công ty Cổ phần Nhật Nguyên; Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Toàn Cầu. Ngoài ra, đã cử cán bộ tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND thành phố Đà Lạt chủ trì để xử lý từng công trình vi phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý chậm do "công việc xử lý lớn và phải thực hiện Theo đúng quy trình quy định của pháp luật đối với các công trình xây dựng trái phép".

    Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng chưa hoàn thành việc kiểm tra, tham mưu thu hồi dự án đầu tư có sai phạm mà không chấp hành nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền; chậm tiến độ nhưng nhà đầu tư không có động thái tích cực đầu tư.

    Sở này cũng chưa xử lý dứt điểm việc tiến hành hậu kiểm và xử lý đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty TNHH Trà Vườn Thương, thành lập 2 chi nhánh tại công trình xây dựng không phép và trên phần diện tích đã thu hồi.

    Đối với Sở Xây dựng, được giao chủ trì tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục các sai phạm tại dự án Khu du lịch Lan Anh-Đà Lạt nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Tại hạng mục khán đài, nhạc nước và Nhà rường số 2 dù chủ đầu tư cố tình xây dựng không phép nhưng chỉ bị phạt hành chính, tạm đình chỉ thi công để hoàn thiện, hồ sơ thủ tục đầu tư.

    Với Ban quản lý Khu du lịch Tuyền Lâm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 6 nội dung nhưng vẫn còn một số nội dung chưa thực hiện dứt điểm như: Chưa hoàn thành kiểm tra, xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng tại Khu Du lịch Tuyền Quang; chưa hoàn thành việc thiết kế hệ thống mốc giới khu vực bảo vệ I hồ Tuyền Lâm; chưa xử lý xong việc tháo dỡ các công trình đã ký hợp đồng trái phép với một số cá nhân, chưa trả nguyên trạng mặt bằng nhà điều hành du lịch đã cho Công ty TNHH Li Mi thuê mở quán cà phê Pini.

    Vũ Đậu(T/h) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-mat-loat-doanh-nghiep-dua-nhau-bam-nat-ho-nuoc-dep-nhat-da-lat-a291845.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan