Kiểm tra đột xuất 7 cơ sở kinh doanh tại khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Lực lượng QLTT thu giữ nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường). |
Hàng nhái, hàng giả vô tư bày bán
Ngày 21/5, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã phối hợp với đội QLTT số 2 và đội QLTT số 14, cục QLTT Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm nóng: Hàng Ngang, Hàng Điếu, Hàng Bông, Hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 2.373 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong đó có: 1.626 sản phẩm túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giày, xăng đan có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và 748 sản phẩm quần áo, đồ mỹ ký, dây lưng không có hóa đơn, chứng từ.
Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm tra tại cửa hàng TMQ 23 Hàng Ngang đã tạm giữ 565 sản phẩm bao gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi của các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci. Kiểm tra tại cửa hàng SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, đoàn kiểm tra tạm giữ 171 sản phẩm bao gồm túi, ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng của các nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes,. Dior, Valentino, Ferragamo.
Tương tự, tại địa điểm số 71 Hàng Đường, lực lượng QLTT cũng tạm giữ 131 sản phẩm, bao gồm 91 sản phẩm dây lưng da do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và 40 sản phẩm ví da, dây lưng da mang nhãn hiệu Versace, Polo, Calvin Klein, Hermes, Gucci, Montblanc... Ở cửa hàng số 111 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) tạm giữ 214 sản phẩm bao gồm trang sức, giày túi ví khăn... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior, LV, Hermes, Salvatore Ferragamo...
Tại địa chỉ 27 Hàng Cá, đoàn kiểm tra tạm giữ 338 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Burberry và 147 sản phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Còn tại cửa hàng số 46 Hàng Cân, đoàn kiểm tra tạm giữ 174 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Dior, Chanel, Hermes, Gucci, đa phần là các mặt hàng túi, ví, dây lưng, giày dép.
Cũng trong sáng 21/5, đội QLTT số 2 đã kiểm tra cửa hàng Minh Châu - phụ kiện thời trang ở số 51 Hai Bà Trưng đã tạm giữ 634 sản phẩm bao gồm 124 sản phẩm giày, xăng đan, dép, mũ, túi xách mang các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hermes và 510 sản phẩm đồ mỹ ký chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Vấn nạn hàng giả, nhái và những rào cản
Theo thông tin từ cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị vừa kiểm tra một cửa hàng ngay tại trung tâm thành phố, kinh doanh hàng trăm sản phẩm nghi làm giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Theo đó, qua kiểm tra, đội 3 phát hiện tại cửa hàng kinh doanh thời trang địa chỉ A36/1, đường Cống Quỳnh, quận 1, có hàng trăm sản phẩm giày dép, áo quần, túi xách, dây thắt lưng đều mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, D&G, LV... được bày bán công khai. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu quốc tế. Hiện toàn bộ lô hàng đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, kiểm đếm số lượng, tạm giữ các sản phẩm để xử lý theo quy định.
Theo cơ quan chức năng, trước đó, cơ sở trên đã từng được kiểm tra nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Nhìn từ những vụ việc vi phạm, có thể thấy trên thực tế hiện nay công tác chống vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ rất gian nan do các hành vi ngày càng tinh vi và biến hóa “muôn hình vạn trạng”, cơ quan chức năng vừa khó quản lý, vừa khó xử lý vì nhiều rào cản, bất cập.
Qua quá trình thực thi, lực lượng QLTT đã ghi nhận một số trường hợp rất khó xử như nhiều loại hàng hóa tiêu dùng chỉ cần nhìn mắt thường là biết hàng giả nhưng thiếu tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, để kết luận là hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ bắt buộc phải qua quá trình giám định và đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài thì chỉ giám định được khi đã được đăng ký chất lượng tại Việt Nam.
Về phía người tiêu dùng, đa số không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng trực tiếp trong khi vẫn có câu “người mua thua người bán”. Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn không có động thái phù hợp để giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp kịp thời xử lý đôi khi còn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, giả mạo nhãn mác nhưng không lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Thậm chí, khi lực lượng chức năng phát hiện các vụ việc vi phạm cần sự hợp tác để xử lý, doanh nghiệp cũng không mặn mà. Đây là rào cản rất lớn trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng khiến hàng giả, nhái vẫn lộng hành.
Hoàng Mai (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (21)