1. Chiến sự dai dẳng giữa Nga và Ukraine
Vào đầu năm 2023, phương Tây kỳ vọng chiến dịch phản công của Ukraine có thể phá vỡ sự kiểm soát của Nga ở miền Đông Ukraine và có thể cả bán đảo Crimea.
Cuộc phản công được chờ đợi của Ukraine đã bắt đầu vào đầu tháng 6 vời viện trợ quân sự của phương Tây. Mặc dù Ukraine tuyên bố gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga, nhưng chiến tuyến hầu như không thay đổi.
Trong năm qua, Nga - Ukraine tiếp tục giằng co trên nhiều vùng lãnh thổ. Trong khi đó, tâm lý mệt mỏi với chiến sự Ukraine đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ khi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ngần ngại gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán, với điều kiện Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", bao gồm 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 và bán đảo Crimea. Trong khi đó, Ukraine khẳng định chỉ đàm phán khi Nga rút quân và chấp thuận công thức hòa bình do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
2. Xung đột Israel – Hamas bùng phát
Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ ngày 7/10 sau khi Hamas bất ngờ bắn hơn 2.000 quả tên lửa về phía Israel và bắt giữ hàng loạt con tin đưa về Gaza. Hamas mô tả cuộc tấn công của họ là phản ứng trước những hành động của Israel nhằm vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trên Núi Đền ở Thành phố cổ Jerusalem.
Không lâu sau đó, quân đội Israel tuyên bố bao vây Dải Gaza, tạm ngừng nguồn cung điện, nước cho vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân này. Israel cũng triển khai chiến dịch không kích lớn chưa từng có nhằm vào các mục tiêu của Hamas.
Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn bảy ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết khiến bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh toàn khu vực.
Những lo ngại ban đầu rằng xung đột với Gaza có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn đã giảm bớt vào cuối năm, nhưng không biến mất. Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
3. Cuộc nổi loạn đầy bất ngờ của Wagner
Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, đặc biệt tại chiến trường Bakhmut.
Mối quan hệ giữa Wagner và quân đội Nga trở nên căng thẳng khi Wagner cho rằng Moscow không cung cấp đầy đủ vũ khí, đạn dược khiến họ tổn thất lớn về nhân lực. Wagner bất ngờ rút quân khỏi Ukraine từ tháng 5.
Căng thẳng leo thang vào cuối tháng 6 khi quân đội Nga bị cáo buộc tập kích tên lửa vào các đơn vị của Wagner. Ông Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu Wagner đã đưa 25.000 lính từ chiến trường Ukraine thực hiện hành trình "đòi công lý".
Lực lượng Wagner chiếm các cơ sở quân sự của Nga ở Rostov-on-Don và tiếp tục tiến về thủ đô Moscow trước khi quay đầu về căn cứ theo thỏa thuận vào phút chót. Với vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Belarus, ông trùm Prigozhin và hàng nghìn thành viên Wagner đồng ý chuyển đến Belarus. Đổi lại Nga cam kết hủy điều tra hình sự ông trùm Wagner, đảm bảo an toàn cho ông Prigozhin cùng một số nhượng bộ khác.
Số phận của Wagner trở nên khó đoán định sau sau khi Nga xác nhận ông “trùm” Yevgeny Prigozhin và các chỉ huy cấp cao khác của Wagner thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay hôm 23/8. Nguyên nhân vụ tai nạn đến nay vẫn làm một ẩn số.
4. Động đất khiến hơn 50.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Trận động đất có cường độ 7,8 làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Syria ngày 6/2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu. Đây cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất kéo theo hàng trăm cơn dư chấn đã được ghi nhận ở 11 tỉnh trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quốc gia láng giềng, trong đó chủ yếu là Syria. Trận động đất đã đã cướp đi sinh mạng của hơn 44.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và 6.000 người ở Syria.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người bị thương, hơn 160.000 tòa nhà với 520.000 căn hộ đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Theo báo cáo do Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ công bố, tổng thiệt hại do thảm họa này đã vượt quá 105 tỷ USD.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng cử lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cũng như hàng hóa, thuốc men để trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất. Tuy nhiên, công tác tái thiết sau đó đối mặt nhiều thách thức do tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
5. Nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục, COP28 đạt thỏa thuận lịch sử
Ngày 8/11, các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, năm 2023 gần như chắc chắn là năm nóng nhất trong 125 nghìn năm qua.
Tình trạng nắng nóng kỷ lục này là kết quả của quá trình phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trong năm nay. Hiện tượng El Nino đã khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương nóng lên một cách bất thường.
Biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng cực đoan ngày càng tàn khốc, trong đó có lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, những đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử được ghi nhận ở Canada.
Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các bên cũng cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030. Đây được đánh giá là một bước tiến của nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh năm 2023 được coi là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua.
6. NATO kết nạp thêm thành viên mới
Phần Lan ngày 4/4 đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự duy nhất trên thế giới và từ đây trở thành thành viên NATO có đường biên giới dài nhất với Nga.
Việc gia nhập NATO đánh dấu sự kết thúc đường lối trung lập về quân sự của Phần Lan trong suốt 80 năm qua, đồng thời đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập niên.
Bởi vì sau khi gia nhập, các thành viên của Lực lượng vũ trang Phần Lan sẽ trở thành một phần trong cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO, sẽ có đại diện trong các cơ quan của liên minh và được triển khai trong các nhiệm vụ quân sự. Chặng đường gia nhập lần này của Phần Lan là ngắn nhất trong lịch sử NATO khi chỉ mất 11 tháng để trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự này.
Trong khi đó, Thụy Điển cùng nộp đơn gia nhập NATO hồi tháng 2/2022 lại vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Để trở thành thành viên của NATO, một quốc gia cần nhận được sự chấp thuận của tất cả thành viên trong khối. Vì vậy, theo các chuyên gia, triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển lại khá mịt mờ. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây đã bày tỏ lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm tiếp bước nước láng giềng Phần Lan trên con đường này.
7. Khối BRICS sẽ kết nạp 6 thành viên mới
Cuối tháng 8, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, một liên minh không chính thức giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tuyên bố sẽ mở rộng để kết nạp thêm 6 quốc gia (Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE) trong tương lai gần.
Bước đi này sẽ tạo nên một tập hợp lỏng lẻo các quốc gia chiếm khoảng 30% GDP và 43% sản lượng dầu toàn cầu, và có thể tiếp tục mở rộng trong dài hạn. Tầm nhìn của BRICS không chỉ là ngày càng mở rộng để đối trọng với phương Tây, mà còn tạo ra một đồng tiền chung để giảm bớt vai trò thống trị của đô la Mỹ
Nhóm BRICS ra đời năm 2009 với 4 quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi vào năm 2010. Với 5 thành viên này, BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và tổng GDP chiếm 25% GDP toàn cầu. Khi mở rộng thêm, số thành viên của nhóm BRICS sẽ nâng lên thành 11.
Theo các nhà quan sát, việc kết nạp 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Ả rập Xê út, UAE và Iran sẽ mang lại khả năng thanh khoản tiềm năng cho các thành viên BRICS với kế hoạch chiến lược là sử dụng nội tệ trong thanh toán. Trong khi đó, Ai Cập, Ethiopia và Argentina là những quốc gia có dân số đang bùng nổ và vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể đảm bảo các dự án của khối trong tương lai.
8. Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo
Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cùng với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán nghiêm trọng đã khiến nguồn cung giảm, đẩy giá gạo tăng cao, tác động tiêu cực tới an ninh lương thực của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Á và phía Nam sa mạc Sahara.
Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024. Động thái này có thể giữ giá gạo ở mức gần mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ có thể tác động lớn tới thị trường gạo trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
Trong khi đó, Thái Lan - nhà xuất khẩu gạo số 2 cho biết sản lượng gạo có thể giảm 6% trong niên vụ 2023-2024 vì thời tiết khô hạn. Các nông dân tại Thái Lan đã có thời điểm phải chạy đua để kịp gia tăng sản lượng. Bình thường một năm chỉ có 2 vụ gieo trồng, nhưng năm nay tại Thái Lan nhiều nông dân đã phải chèn thêm một vụ nữa.
Hội nghị Cấp cao An ninh Lương thực Toàn cầu ngày 20/11 tại Anh đã đề ra những giải pháp hướng tới hệ thống lương thực bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
9. Cuộc đua vũ trụ nóng dần
Trong năm 2023, các cường quốc và nhiều hãng tư nhân đã tích cực chạy đua vào không gian. Đến nay đã có 77 quốc gia có cơ quan không gian vũ trụ, 16 quốc gia có thể đưa hàng vào vũ trụ. Trong đó Mặt trăng được quan tâm nhiều hơn cả.
Tháng 8, nỗ lực thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Nga sau gần nửa thế kỷ đã thất bại khi tàu vũ trụ Luna-25 mất kiểm soát và đâm thẳng vào Mặt trăng. Ít ngày sau, Ấn Độ lại làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng. Hai tuần sau, Ấn Độ khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.
Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ cũng đề ra chương trình Mặt trăng đầy tham vọng. NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025, còn Bắc Kinh đẩy mạnh triển khai kế hoạch tham vọng nhằm đưa phi hành gia lên Mặt trăng trong thập kỷ này và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó. Các hãng tư nhân như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đóng vai trò lớn trong các hoạt động phóng tàu và vệ tinh lên vũ trụ.
Cuộc chạy đua ngày càng nóng làm dấy lên lo ngại rằng cạnh tranh địa chính trị sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa không gian, trong khi vẫn thiếu quy tắc quản lý các hoạt động trong không gian vũ trụ.
10. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đem lại nhiều hứa hẹn và nỗi lo
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự thay đổi của nhiều ngành nghề. AI phát triển vượt bậc trong năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT. Năm 2023, ChatGPT mạnh hơn 10 lần và các chính phủ, công ty và cá nhân đã nhanh chóng khai thác tiềm năng của nó. Điều đó dẫn đến những tranh luận sôi nổi rằng liệu AI đang dẫn lối vào một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay mở ra chiếc hộp Pandora của một tương lai đầy ác mộng.
Những người lạc quan tin rằng AI đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, cho phép điều chế thuốc nhanh chóng, giải mã những bí ẩn y học và giải quyết các câu hỏi toán học hóc búa. Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn khả năng đánh giá và giảm thiểu tác hại mà nó có thể gây ra, gây thất nghiệp hàng loạt và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội.
Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, đã nghỉ việc tại Google để cảnh báo về mối nguy hiểm của nó. Những người tiên phong về công nghệ như Elon Musk và Steve Wozniak đã ký một bức thư ngỏ cảnh báo rằng AI gây ra “rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI tại Anh ngày 2/11 đã nhất trí cùng phối hợp quản lý những nguy cơ tiềm tàng từ AI; Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến xây dựng bộ luật đầu tiên; Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp đầu tiên về quản lý AI nhằm đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích cộng đồng toàn cầu.
PhươngUyên(T/h)