+Aa-
    Zalo

    “Điểm đến giá rẻ”- niềm tự hào hay “con dao hai lưỡi”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã có thời điểm chúng ta vui mừng vì lọt vào top “điểm đến giá rẻ” của thế giới nhưng cũng chính cái danh vị đó lại “đánh tụt hạng” du lịch Việt Nam.

    Đã có thời điểm chúng ta vui mừng vì lọt vào top “điểm đến giá rẻ” của thế giới nhưng cũng chính cái danh vị đó lại “đánh tụt hạng” du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.  Để đến hiện tại, chúng ta lại phải nỗ lực xóa bỏ hình ảnh đó, từng bước nâng mình lên trở thành điểm đến hấp dẫn, sang trọng.

    Niềm tự hào hay con dao hai lưỡi?

    Giá rẻ là một từ khóa chưa bao giờ hết “hot” với tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những ngành dịch vụ du lịch, từ khóa này đôi khi lại là “con dao hai lưỡi”, ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu. Ngành du lịch chẳng hạn. Nói đâu xa, mới năm ngoái thôi, Việt Nam vẫn đứng thứ 3 trong top 20 điểm du lịch rẻ và hấp dẫn nhất thế giới, theo The Rough.

    Một niềm tự hào? Với các doanh nghiệp đầu tư du lịch, câu trả lời chắc chắn là không? Mục đích cao nhất của các hoạt động dịch vụ, du lịch giải trí, không gì ngoài nỗ lực buộc khách hàng phải “móc hầu bao”. Vậy nhưng theo Báo cáo đánh giá mức chi tiêu bình quân của khách đến Việt Nam năm 2017 vừa được Tổng cục Du lịch công bố: So với kết quả điều tra năm 2013, mức tăng chi tiêu còn rất chậm. Năm 2017, khách chỉ tiêu 1.171,3 USD cho hành trình 9,27 ngày, trong khi đó thống kê năm 2013, khách tiêu 1.143 USD cho hành trình dài hơn không đáng kể.

    Nếu cứ tiếp tục duy trì hình ảnh một điểm đến giá rẻ, du lịch Việt Nam không chỉ đi ngược xu hướng thế giới, mà còn mất đi sức hút với dòng khách cao cấp-nguồn khách đem tới doanh thu cao và bền vững. Đó là chưa kể những vấn đề lợi bất cập hại như ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội khi chúng ta cố gắng thu hút dòng khách chi tiêu thấp.

    Biến điểm đến giá rẻ thành điểm đến đáng tiền

    Định hướng quan trọng cho du lịch Việt ở thời điểm này không phải là một điểm đến giá rẻ nữa, mà phải là một điểm đến đáng tiền. Nghĩa là phải nỗ lực cung cấp dịch vụ tương xứng để khách hàng cảm thấy thỏa mãn nhất với đồng tiền họ bỏ ra. Điều đó không chỉ nằm ở nỗ lực giảm thiểu các thủ tục giấy tờ rườm rà trong đó có visa, mà còn phải tạo được môi trường giải trí, nghỉ dưỡng an toàn, thoải mái nhất cho du khách.

     Thực tế, những năm gần đây, du lịch Việt đã có những tín hiệu đáng mừng trên hành trình xóa bỏ danh hiệu “điểm đến giá rẻ”. Ngày càng có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ du lịch, các nhà hàng, trung tâm mua sắm, cơ sở giải trí... được chuẩn hóa, vươn dần đến phân khúc thượng lưu, cao cấp. Thị trường khách cao cấp tới Việt Nam cũng đã có xu hướng gia tăng, bởi chúng ta đã cung cấp được những dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, đủ sức tạo nên hiệu ứng truyền thông lớn tới bạn bè năm châu.

    Đã có những khu nghỉ dưỡng do các tập đoàn Việt Nam đầu tư xây dựng giành nhiều giải thưởng danh giá quốc tế, thậm chí phá kỷ lục giải trưởng du lịch thế giới (WTA) như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Sun Group 4 lần được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay... cũng của Sun Group đã lập tức được trao giải “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới chỉ sau một năm đi vào hoạt động.

    Đi từ Nam chí Bắc giờ đây, du khách không chỉ đơn giản ngắm cảnh, tắm biển, leo núi hay ăn đặc sản địa phương nữa. Họ có thể thỏa sức vui chơi trong những tổ hợp du lịch giải trí quy mô, đẳng cấp chẳng kém Disneyland hay các công viên nổi tiếng khu vực châu Á. Hệ thống các Sun World như: Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), Sun World Halong Complex (Hạ Long, Quảng Ninh), Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng) hay Sun World Hon Thom Nature Park (Phú Quốc) đã không chỉ là lý do kéo du khách đến với Hạ Long, Đà Nẵng, Lào Cai… mà còn là cái cớ để họ lưu lại những địa danh này lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

    “Trong vòng 6-7 năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước tiến dài cả về thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở dịch vụ, quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm và đề xuất những cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong những thành tựu đó, chúng ta có thể thấy một điểm rất nổi bật, đó là các dự án, sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao và có sức hấp dẫn đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp du lịch hàng đầu đầu tư như các dự án của tập đoàn Vingroup, Sun Group, Tuần Châu, Thiên Minh… Những dự án này góp phần tăng cường cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam, tạo ra những sản phẩm du lịch mới có đẳng cấp và từng bước định hình thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam nói chung.” – ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

    Đưa Việt Nam từ điểm đến giá rẻ trở thành điểm đến đáng tiền của thế giới chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, nhất là khi du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ láng giềng. Tuy nhiên, với những tín hiệu lạc quan về sự chuyển mình của ngành du lịch thời gian qua và sự dẫn dắt của những nhà đầu tư chiến lược có tâm, có tầm, tin rằng hành trình ấy sẽ không còn xa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-den-gia-re--niem-tu-hao-hay-con-dao-hai-luoi-a243048.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan