Uống rượu, ăn tỏi, ngâm phân bò... là những phương pháp được cho là "hữu hiệu" để tiêu diệt virus corona, nhưng thực tế lại chẳng giúp ích gì thậm chí gây chết người.
Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát trên thế giới, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tin đồn cũng như thông tin về các phương pháp điều trị phi khoa học nhằm đối phó với virus. Nhiều phương pháp thậm chí nghe còn rất phi lý, hoang đường nhưng vẫn có nhiều tin và áp dụng gây hậu quả khôn lường.
Dưới đây là những phương pháp phản khoa học mà nhiều người cho rằng có thể tiêu diệt virus SARS-Cov-2:
Uống rượu
27 người đã thiệt mạng do uống rượu để chống virus corona ở Iran. Ảnh: Getty |
Mới đây, truyền thông thế giới đưa tin, ít nhất 27 người đã thiệt mạng do ngộ độc rượu tại tại tỉnh Khuzestan và Alborz Iran vì cho đây là cách để ngăn virus corona.
“Một số người dân ở Ahwaz tin việc uống rượu có thể giúp họ tiêu diệt virus corona”, hãng tin Mehr dẫn lời ông Ali Ehsanpour, người phát ngôn của Đại học Y khoa Ahwaz, ngày 9/3 cho biết.
Do Iran cấm rượu, nên những người này đã cồn công nghiệp (vốn được sử dụng cho mục đích vệ sinh) ngoài chợ để uống, gây ngộ độc dẫ tới chết người.
Tắm phân bò
Phương pháp tắm phân bò phòng chống virus corona được một chính trị gia ở Ấn Độ ủng hộ. |
Mặc dù các chuyên gia y tế toàn cầu đã cảnh báo thói quen giữ vệ sinh là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan virus, nhưng một nhóm đàn ông tại ban Karnataka, Ấn Độ lại tuyên bố tắm phân bò đã đủ để tránh virus corona.
Thậm chí lãnh đạo một đảng chính trị ở nước này cũng tin rằng chà phân bò lên người sẽ ngăn được virus.
Trên mạng xã hội, clip quay cảnh một nhóm thanh niên, đàn ông Ấn Độ ngụp lặn trong bể phân bò khiến nhiều người vô cùng kinh hãi.
Ăn tỏi
Rất nhiều bài viết khuyên bạn nên ăn tỏi để ngăn ngừa nhiễm trùng đang được chia sẻ trên Facebook.
WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho biết, mặc dù đây là "một loại thực phẩm lành mạnh có thể có một số đặc tính kháng khuẩn", nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi có thể bảo vệ con người khỏi chủng virus corona mới.
Trong nhiều trường hợp, thì biện pháp này không gây hại cho bản thân, miễn là chúng không ngăn việc bạn thực hiện theo các lời khuyên y tế uy tín khoa học hơn. Nhưng nó có thể trở nên nguy hiểm.
Theo SCMP, một người phụ nữ phải đi điều trị tại bệnh viện vì bị viêm họng nghiêm trọng sau khi ăn 1,5kg tỏi sống.
Chất khoáng 'thần kỳ'
Một YouTuber tên Jordan Sather, có nhiều ngàn người theo dõi, tuyên bố rằng "một khoáng chất bổ sung kỳ diệu", được gọi là MMS, có thể "quét sạch" virus corona.
MMS chứa clo dioxide - một chất tẩy trắng.
Sather và những người khác đã quảng bá chất này ngay cả trước khi dịch virus corona bùng phát, và vào tháng 1, anh ta tweet rằng, clo dioxide (còn gọi là MMS) "không chỉ là một kẻ giết tế bào ung thư hiệu quả, nó cũng có thể quét sạch cả virus corona".
Vấn đề là năm ngoái, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về những nguy hiểm đối với sức khỏe khi uống MMS. Cơ quan y tế ở các nước khác cũng đã đưa ra cảnh báo về nó.
FDA cho biết họ "không biết về bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy những sản phẩm này an toàn hoặc hiệu quả để điều trị bất kỳ loại bệnh nào". FDA cảnh báo rằng việc uống MMS có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng mất tập trung nghiêm trọng.
Uống keo bạc
Việc sử dụng bạc keo (colloidal silver) đã được quảng bá trong chương trình truyền hình truyền giáo của Jim Bakker của Mỹ. Bạc keo là các hạt nhỏ của kim loại bạc hóa lỏng. Một khách mời trong chương trình tuyên bố rằng giải pháp này đã giết chết một số chủng virus corona trong vòng 12 giờ dù thừa nhận nó chưa được thử nghiệm trên Covid-19.
Dù vậy tin vẫn được chia sẻ rộng rãi trên mạng vì cho rằng nó có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho Covid-19, đặc biệt từ các nhóm "tự do y tế", vốn hay nghi ngờ về những lời khuyên y tế chính thống.
Những người ủng hộ bạc keo tuyên bố nó có thể điều trị tất cả các loại bệnh, hoạt động như một chất khử trùng và nói rằng nó giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng có lời khuyên rõ ràng từ các cơ quan y tế Hoa Kỳ rằng không có bằng chứng nào cho thấy loại bạc này có thể chữa trị cho bất kỳ loại bệnh nào.
Tệ hơn, nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm tổn thương thận, co giật và argyria - một tình trạng làm cho làn da của bạn chuyển sang màu xanh.
Họ nói rằng, không giống như sắt hay kẽm, bạc không phải là kim loại có bất kỳ chức năng nào trong cơ thể con người.
Một số người quảng cáo chất này trên mạng xã hội giờ sẽ bị Facebook cảnh báo xác thực thông tin.
Cảnh báo thông tin không đáng tin cậy của Facebook. |
Ngoài ra còn vô số tin đồn như ăn kim chi Hàn Quốc, súp gà, đông y Trung Quốc hay thảo mộc "trị" virus corona. Theo New York Times, nhiều loa phát thanh ở Myanmar còn phát lời khuyên rằng đặt hạt tiêu trên lưỡi để chống virus. Một bộ trưởng của nước này còn chia sẻ lại một bài đăng trên mạng xã hội về việc ăn hành để tránh bị lây bệnh.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto nói rằng việc nghỉ ngơi, làm việc ít lại sẽ giúp ngăn bệnh. Một nhà khoa học ở Philippines thậm chí đề xuất nghiên cứu dầu dừa để chống virus corona.
Các phương pháp lá cải này nhiều đến mức, WHO đã phải dành hẳn một phần trên trang web để giải đáp những thông tin này. Chẳng hạn như:
"Tỏi là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và có thể có một số tính kháng khuẩn. Nhưng hiện nay không có bằng chứng từ đợt bùng phát hiện tại cho thấy ăn tỏi bảo vệ mọi người khỏi virus 2019-nCoV" - WHO cho biết.
"Dầu mè rất ngon nhưng nó cũng không diệt được virus 2019-nCoV" - WHO trả lời cho tin đồn bôi dầu mè để ngăn virus xâm nhập vào cơ thể.
Việc tự ý sử dụng vitamin C, kháng sinh, đeo nhiều khẩu trang cũng không được khuyến cáo vì không hiệu quả, mà ngược lại có thể gây hại.
Hỏi: Súc họng có ngăn nhiễm virus corona mới không?
WHO trả lời: Không. Không có bằng chứng nào cho thấy súc miệng giúp bạn không bị nhiễm virus corona mới.
Còn nếu muốn tăng cường sức đề kháng, chuyên gia Tan Tze Lee của Bệnh viện Edinburgh của Singapore đưa ra lời khuyên đơn giản.
"Tôi luôn tin rằng nếu bạn ngủ ngon, giữ mình khỏe mạnh, uống nhiều nước và thường xuyên tập thể dục thì tất cả những điều này có thể giúp bạn tăng sức đề kháng lên rất nhiều" - ông Tan nói trên South China Morning Post.
Minh Khôi (T/h)