+Aa-
    Zalo

    Điểm danh những chiếc trực thăng “Made in Vietnam”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Với khả năng tự chế tạo máy bay, những cái tên như Trần Quốc Hải hay Bùi Hiển dường như không còn xa lạ với nhiều người.

    (ĐSPL) – Với khả năng tự chế tạo máy bay, những cái tên như Trần Quốc Hải hay Bùi Hiển dường như không còn xa lạ với nhiều người.

    Trực thăng mang thương hiệu “hai lúa”

    Cái tên Trần Quốc Hải (SN 1960), trú tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã không còn xa lạ với nhiều người.

    Nuôi hy vọng vào những ước mơ trong tương lai là sẽ chế tạo thành công nhiều chiếc trực thăng mang thương hiệu "hai lúa" trên chính bầu trời quê hương mình, ông Trần Quốc Hải luôn dành thời gian tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2003, ông Trần Quốc Hải đã chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng đầu tiên mang thương hiệu "hai lúa" của mình.

    Chiếc máy bay của ông Hải đã được thử nghiệm thành công.

    Việc ông Hải chế tạo thành công máy bay trực thăng bằng những phương pháp thủ công vốn sẵn có quả là chuyện có một không hai từ xưa tới nay. Với phát minh và sự sáng tạo đó, ông đã được nhiều tổ chức khoa học kỹ thuật từ nhiều nơi đến để ghi nhận.

    Được biết, ông Trần Quốc Hải vốn quê ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, là con trai thứ tư trong gia đình gồm 8 anh chị em, cha làm thầy thuốc, còn mẹ lúc bấy giờ làm công nhân may. Ngay từ khi mới học lớp 3, Trần Quốc Hải đã có sự đam mê với nghiệp khoa học công nghệ.

    Khi đã lập gia đình, niềm đam mê ấy vẫn luôn thôi thúc ông. Cùng chung quan điểm và sự đam mê với việc chế tạo máy móc, một người bạn thân ở xã Suối Ngô đang làm kinh doanh bất động sản nghe được ý tưởng chế tạo máy bay của ông Hải đã rất thích thú và đề nghị được hợp tác.

    Nhờ có vốn kiến thức về ngoại ngữ trong những lần giao tiếp với người nước ngoài, hơn nữa lại thành thạo máy vi tính, ông Trần Quốc Hải đã tìm kiếm được nhiều thông tin trong việc chế tạo máy bay và các loại máy khác.

    Chiếc máy bay đầu tay có lẽ chưa phải là sự thỏa mãn như ý với ông Trần Quốc Hải, vì nó quá nặng (900kg) và tốn kém nhiên liệu.

    Ông Trần Quốc Hải (trái) bên cạnh chiếc máy bay do ông chế tạo.

    Hai năm sau, ông bắt tay ngay vào công việc chế tạo chiếc trực thăng thứ 2. Chỉ 6 tháng, chiếc máy bay trực thăng thứ hai đã được ông chế tạo hoàn chỉnh, chỉ nặng 680kg, dài 11m, rộng 2,3m, cao 3,5m, động cơ mới có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150km/giờ. Giá thành của chiếc máy bay trực thăng này chỉ bằng một chiếc xe hơi du lịch lắp ráp.

    Được biết, chiếc máy bay trực thăng đầu tiên do ông Hải chế tạo thành công đã bán cho một bảo tàng ở New York nước Mỹ, chiếc còn lại thì bán cho Bảo tàng Busan của Hàn Quốc.

    Tuy nhiên, sau khi bán những chiếc máy bay trên, ông Trần Quốc Hải không dùng số tiền đó vào cuộc sống gia đình, mà ông đã dùng số tiền trên để tiếp tục mua và chế tạo thêm nhiều chiếc máy khác tinh tế hơn.

    Trực thăng Bùi Hiển

    Theo báo Đất Việt, cách đây vài năm, báo chí một phen tốn bao giấy mực về người kỹ sư, nông dân ở Bình Dương chế tạo được một chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay được. Chủ nhân của chiếc máy bay ấy chính là kỹ sư Bùi Hiển.

    Khi được hỏi về mục đích chế tạo chiếc máy bay này, người kỹ sư đã ngoài 60 tuổi thành thật nói: “Tôi đầu tư tâm huyết, trí lực, tiền bạc vào hai chiếc máy bay này không phải vì mục đích kinh doanh kiếm lời, mà chỉ đơn giản để mang nó đi thi thố với đời, chứng minh cho thế giới biết là người Việt có thể làm được mọi thứ. Đến một người nông dân cũng có thể làm được máy bay”.

    Vị thương binh 60 tuổi ngồi trên “đứa con” thứ hai của mình. Ảnh: VnExpress.

    Báo Thanh Niên cho biết, chiếc trực thăng thứ nhất được ông chế tạo năm 2012 có trọng lượng 250 kg, dài 2,95 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m. Chiếc trực thăng sử dụng động cơ Yamaha 2 thì, từ chiếc xuồng cao tốc 106 mã lực. Cánh quạt của trực thăng được thiết kế bằng inox. Đuôi của trực thăng bằng bánh lái dạng cánh bướm để điều khiển chuyển hướng.

    Theo tính toán của ông Hiển, chiếc trực thăng này có thể bay và đạt vận tốc từ 150 - 200 km/giờ. Trọng lượng trực thăng khi cất cánh đạt 375 kg, trong đó có 50 kg hàng hóa. Tiêu hao nhiên liệu khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ. Chi phí chế tạo ra chiếc trực thăng này hết khoảng trên 200 triệu đồng. Nhiều lần, ông Hiển điều khiển chiếc máy bay này cất cánh bay lên khỏi mặt đất trước sự chứng kiến của một số nhà báo. Tuy nhiên, ông Hiển đã bị cơ quan chức năng đình chỉ bay vì lý do thiếu an toàn.

    Sau đó, ông Hiển quyết tâm chế tạo chiếc máy bay thứ hai. Ông chia sẻ rằng, với phiên bản thứ hai này, ông quyết tâm chế tạo cho bằng với tiêu chuẩn quốc tế.

    Toàn bộ chiếc máy bay trực thăng của ông Hiển (Ảnh: Lao động).

    Đầu tháng 9/2014, ông cho ra mắt chiếc trực thăng thứ hai với độ an toàn cao hơn. Chiếc trực thăng mới này có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m; chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m.

    Chiếc trực thăng được chế tạo bằng động cơ máy bay được nhập từ Mỹ (do Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1) 170 mã lực. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Nhiên liệu sử dụng là xăng A92. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km. Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của ô tô 2.0. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500 kg.

    “Trước đây phiên bản đầu tiên tôi sử dụng máy của cano để làm động cơ chính, dù công suất máy cho đủ vòng quay, đủ sức gió nhưng có một khiếm khuyết là máy quá nóng.

    Với cano còn có nước để làm mát, nhưng khi bay trên trời, sức nóng của máy làm trực thăng không bay được cao và thời gian bay ngắn. Vì thế, tôi quyết định mua động cơ của Mỹ.

    Nhưng động cơ cũng chỉ là một trong những phần quan trọng của máy bay mà thôi. Những phần còn lại như cánh quạt, kết cấu khí động học, cân bằng, bộ số, bộ truyền động… tôi buộc phải tự làm, tự chế tạo”, ông chia sẻ trên báo Đất Việt.

    Trong thời gian tới, chiếc trực thăng sẽ được đưa qua sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) bay thử dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng. Ông Hiển mong muốn rằng, chiếc trực thăng có thể được đưa vào phục vụ trong nông nghiệp, khảo sát, quay phim, chụp ảnh và tìm kiếm cứu nạn.

    Hiện, kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển đang làm chủ garage sửa chữa ô tô ở thị xã Thuận An, Bình Dương.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-danh-nhung-chiec-truc-thang-made-in-vietnam-a84146.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan